Lời Bộ Biên tập: Ngày 28-3-2008, tại thị xã Tân An, tỉnh Long An, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp cùng Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long - triển vọng và thách thức”. Tham dự hội thảo có hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học của trung ương, nhiều địa phương và các ban, ngành.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 bản tham luận, trong đó có 20 ý kiến được trình bày tại Hội thảo. Sau đây, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc Báo cáo đề dẫn của PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, ủy viên Trung ương Đảng Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và một số bài tham luận của Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn

Tạ Ngọc Tấn

Sau nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (gọi chung là khu công nghiệp) với nhiều mô hình khác nhau, đang được các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước chậm phát triển vận dụng như một phương thức hiệu quả nhất huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển, tạo động lực thúc đẩy quá trình hội nhập.

Là một quốc gia thuộc nhóm nước chậm phát triển, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo và xu hướng phát triển nói trên. Hơn 20 năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện nền kinh tế, quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới hiện đại, góp phần từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Đến nay, về cơ bản Việt Nam đã hình thành một hệ thống các KCN, KCX trên cơ sở chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, chiến lược quy hoạch phát triển ngành, địa phương và vùng lãnh thổ. Tính đến cuối năm 2007, cả nước đã hình thành 183 KCN với tổng diện tích 43.687 ha phân bố trên 54 tỉnh thành, trong đó diện tích đã được lấp đầy là 29.179ha, chiếm 66,8%; 111 KCN đã đi vào hoạt động, 72 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Các KCN đã thu hút 3.020 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 30 tỉ USD. Riêng năm 2007, số vốn FDI tăng thêm 20,3 tỉ USD (bình quân 1 ha đất công nghiệp thu hút 72 lao động, sản xuất 30 tỷ đồng/năm); 3.070 dự án trong nước với tổng số vốn đạt gần 200 ngàn tỉ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động sản xuất trực tiếp, gần 2 triệu lao động sản xuất gián tiếp (3.127.417 bao gồm cả lao động trực tiếp và gián tiếp). Một thế hệ lao động mới đang được hình thành từ các KCN sẽ là nguồn tài sản vô giá bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề hình thành và phát triển KCN vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, kể từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, những bất cập ấy càng trở nên gay gắt. Xét ở tầm vĩ mô, cho đến nay vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa vai trò, vị trí của các KCN với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặt khác, do vị trí của từng khu vực, mức độ thu hút đầu tư, năng lực quản lý... hiệu quả hoạt động giữa các KCN đang có khoảng cách cách biệt rất lớn. Chỉ tính riêng 8 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã sản xuất đến 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp so với các vùng khác của cả nước. Năng lực cạnh tranh và tính chất liên kết, sự hỗ trợ tương tác giữa các KCN, thậm chí kể cả sự liên kết phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh trong vùng nhằm phát huy những lợi thế để cùng phát triển cũng bộc lộ nhiều yếu kém bất cập. Nhiều tỉnh tự "xé rào" để tìm cách xây dựng cho mình cơ chế ưu đãi riêng, tạo ra các điều kiện cạnh tranh không lành mạnh. Nhìn về tổng thể chúng ta vẫn đang thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch phát triển, hoạch định cơ chế chính sách, quản lý điều hành vĩ mô...

Hậu quả của những yếu kém và bất cập này đã làm cho chiến lược quy hoạch chung về quy mô phát triển các KCN trong trạng thái phân tán, chia cắt, thiếu định vị các ngành chủ lực cho từng vùng, dẫn đến phát triển dàn trải, hầu như tỉnh nào cũng có KCN. Nhiều tỉnh, địa phương do vị trí địa lý và lợi thế tài nguyên hạn chế, xây dựng xong KCN nhưng vẫn không có khả năng lấp đầy. Thiếu chiến lược chung, thiếu đồng bộ và tính liên kết, chúng ta đang để tiếp tục diễn ra tình trạng lãng phí, kém hiệu quả kéo dài trong đầu tư phát triển các KCN ở một số địa phương. Tình hình trên đã làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục suy yếu, các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đất đai sử dụng chưa hợp lý, môi trường thu hút đầu tư kém hấp dẫn, sức mạnh nội lực của nền kinh tế không được phát huy. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiếu hụt nguồn nhân lực cao, năng lực cạnh tranh thấp... đều là hệ quả từ tầm nhìn và năng lực quản lý điều hành yếu kém của chính chúng ta.

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng kinh tế trọng điểm quan trọng bậc nhất về an ninh lương thực và thủy hải sản của cả nước. Thời gian qua, mặc dù đạt được một số thành tựu rất đáng khích lệ, nhưng cũng giống như nhiều khu vực khác của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra hàng loạt các vấn đề cần thống nhất chung về mặt nhận thức để có những bước đi thích hợp và sự điều chỉnh kịp thời. Điều nổi rõ dễ nhận thấy nhất của khu vực này là chất lượng quy hoạch và định hướng chung của sự phát triển thấp. Phát triển các KCN chưa gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhiều KCN đã được hình thành, nhưng rất ít các sản phẩm và các hoạt động trực tiếp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp khai thác các lợi thế của địa phương và toàn vùng. Tình trạng nóng vội trong thu hút đầu tư không còn là cá biệt dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều yếu kém, bất cập, đẩy người nông dân vào hoàn cảnh thiếu việc làm, không có nơi ở ổn định, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Tình trạng khiếu kiện đông người của nông dân liên tục xảy ra trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ hệ quả của chính sách đền bù giải tỏa để phát triển các KCN.

Kinh nghiệm của các nước và của chính chúng ta cho thấy một khu công nghiệp thành công phải hội đủ các điều kiện sau đây:

- Xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung về quy mô phát triển cụ thể cho từng KCN. Trên cơ sở đó mà định vị loại hình đầu tư, bước đi, các giai đoạn phát triển cụ thể. Tránh đầu tư dàn trải, thiếu định hướng và nóng vội, dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp.

- Trên cơ sở quy hoạch về chiến lược phát triển đúng, nên lựa chọn địa điểm, quy mô xây dựng và thời gian khởi công thích hợp. Làm tốt điều này có thể cho phép đạt được hiệu quả cao nhất trong đầu tư, vận hành, khai thác sử dụng, tránh lãng phí, tạo tâm lý tốt làm yên lòng các nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn để tiếp tục thu hút vốn.

- Dựa vào các định hướng phát triển cụ thể, phải lựa chọn đúng các ngành kinh tế chủ lực, các loại sản phẩm mà thị trường thế giới có nhu cầu, địa phương có lợi thế để phát triển. Kinh nghiệm cho thấy, do cạnh tranh thiếu lành mạnh, nóng vội muốn lấp đầy nhanh chóng các KCN, chạy theo thành tích, nhiều địa phương đã tiếp nhận đầu tư thiếu cân nhắc, tính toán, hệ quả là tiếp nhận một loạt các dự án có thiết bị lạc hậu, làm cho hiệu quả khai thác quỹ đất thấp, ô nhiễm môi trường trầm trọng, bỏ lỡ những cơ hội có nhiều ưu thế vì không còn địa điểm đón nhận những dự án mới.

- Nhờ có tầm nhìn chiến lược tổng thể, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, hợp lý, thích ứng với quy mô, bước đi cụ thể của từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt là hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, hải quan, bưu chính, viễn thông, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... góp phần bảo đảm hài hòa giữa phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống; an ninh, trật tự an toàn xã hội, người và tài sản của các nhà đầu tư. Bảo đảm cân đối hài hòa giữa các yếu tố bên trong cả bên ngoài phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra cho mỗi khu công nghiệp. Vì thế thu hút đầu tư rất hiệu quả và phát triển đúng hướng.

- Chú trọng đúng mức đến các hình thức mời gọi đầu tư. Đây là giải pháp cho phép trước hết lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, các loại hình thiết bị hiện đại, các ngành, sản phẩm thế giới có nhu cầu nhưng phù hợp với đặc điểm, điều kiện và lợi thế của mỗi địa phương.

- Có một hệ thống cơ chế chính sách nhất quán, pháp luật chặt chẽ, bảo đảm kết hợp tốt và hài hòa lợi ích nhà nước, chủ đầu tư, từng địa phương và của cả người lao động, người dân liên quan đến quá trình phát triển KCN. Tạo môi trường đầu tư thật sự cởi mở, thông thoáng, tin cậy và hiệu quả. Dĩ nhiên, các điều kiện trên phải được đặt trong môi trường chính trị - xã hội ổn định.

Thực tiễn trên đây đã đặt ra nhiều vấn đề đáng để chúng ta cần trao đổi khi bàn về triển vọng phát triển các KCN vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để định hướng phát triển cho toàn vùng, ngày 20-01-2003, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 21 chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010. Thể chế hóa định hướng trên, năm 2004 Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển KCN vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 17.711 ha (trong tổng số 100.469 ha của cả nước). Tuy nhiên, trước áp lực của xu thế toàn cầu hóa và Việt Nam là thành viên WTO, ngày 21-08-2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1107/QĐ-TTg xác định lại quy hoạch phát triển các KCN của cả nước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2010 quy hoạch phát triển KCN vùng đồng bằng sông Cửu Long lên đến 31.500 ha, năm 2020 khoảng 50.000 ha, trong đó 50% diện tích thuộc địa bàn tỉnh Long An. Mặc dù đã có những định hướng phát triển, nhưng cho đến nay (12-2007) toàn vùng chỉ mới có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha, bình quân mỗi KCN có quy mô 180 ha, trong đó diện tích đã xây dựng 2.416 ha (bằng 66,28%) nhưng diện tích đất cho thuê mới chỉ có 810 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 33,51%, thậm chí có khu chỉ mới sử dụng 5% diện tích đất. Như vậy, thực tế vấn đề thu hút đầu tư phát triển các KCN toàn vùng, giải quyết việc làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa chưa đạt được yêu cầu như mong muốn nhưng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động cao(1).

Ngoài các KCN do Trung ương quy hoạch, 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có các cụm, điểm công nghiệp (CĐCN) do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định thành lập và đầu tư xây dựng. Tính đến cuối năm 2007, tổng số CĐCN theo quy hoạch là 177 điểm, với diện tích 15.457,3 ha. Trong đó, CĐCN đang xây dựng là 47, diện tích 8.291,5 ha; CĐCN đang hoạt động là 15, diện tích 702,2 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình trong các CĐCN đã đi vào hoạt động là 97%. Những doanh nghiệp làm việc tại CĐCN rất đa dạng gồm 34 công ty TNHH, cổ phần, doanh nghiệp tư nhân; 15 doanh nghiệp FDI; 14 công ty liên doanh; một số hợp tác xã và các doanh nghiệp công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhỏ lẻ với khoảng 20.443 lao động đang làm việc(2). Các CĐCN địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với các thách thức rất lớn:

- Thiếu hệ thống cơ chế chính sách quản lý.

- Thiếu cơ quan đầu mối quản lý các CĐCN từ Trung ương tới địa phương.

- Thiếu quy hoạch tổng thể các CĐCN.

- Thiếu cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng.

- Đền bù giải tỏa chậm, gặp nhiều ách tắc.

- Đầu tư kinh doanh hạ tầng và quản lý các dự án trong CĐCN bị động, lúng túng.

Có thể nói, phát triển CĐCN ở các địa phương đang diễn ra mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và cơ chế chính sách quản lý chung. Đây là vấn đề đang có những diễn biến hết sức phức tạp cần giành thời gian trao đổi thảo luận. Vì thế, tại hội thảo lần này, chúng tôi đề nghị các đồng chí tập trung phân tích làm rõ một số vấn đề sau:

1. Vấn đề quy hoạch phát triển KCN, CĐCN ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề lớn đang cần sự quan tâm của các ngành, các cấp.

- Có nên phát triển KCN ở tất cả các tỉnh hay chỉ tập trung hình thành một số trung tâm công nghiệp đặc trưng vùng. Mỗi tỉnh chỉ nên có CĐCN giải quyết công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại địa phương, hay chuyển luôn các chức năng này vào các trung tâm công nghiệp? Nếu để các cụm điểm như hiện nay ai sẽ là người quản lý chung?

- Phát triển tất cả các ngành công nghiệp như mọi KCN khác của cả nước, hay chỉ nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có nhiều lợi thế: công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản và sản xuất hàng tiêu dùng. Các ngành công nghiệp sạch không ảnh hưởng và nguy hại nhiều đến môi trường?

- Chúng ta biết rằng, do đặc điểm tự nhiên, đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đặc biệt trong việc phát triển nông nghiệp, nhất là cây lương thực, cây ăn trái, cây lúa và nuôi thủy sản. Đặc biệt, đây là vựa lúa lớn nhất, quan trọng nhất của nước ta. Nếu chỉ tập trung cho công nghiệp, phát triển một cách ồ ạt các khu công nghiệp cũng có nghĩa là đánh mất thế mạnh của vùng đất này. Hơn thế nữa, an ninh lương thực của đất nước sẽ không được bảo đảm an toàn. Vì thế, có ý kiến cho rằng, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, tạo những sản phẩm xuất khẩu từ nông nghiệp, một lợi thế duy nhất không nơi nào sánh kịp, khu vực này chỉ nên phát triển công nghiệp dịch vụ, nhưng không được ảnh hưởng đến thế mạnh của sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp dịch vụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Một là, bảo đảm duy trì số người phụ thuộc vào nông nghiệp của toàn vùng từ 10 - 12 triệu người (khoảng 60% dân số toàn vùng).

Hai là, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định các sản phẩm đa dạng của vùng, chú trọng đặc biệt thị trường gần, thị trường nội địa và nhu cầu tiêu dùng trong nước, khu vực.

Ba là, đẩy mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa tăng thu nhập cho người lao động.

Bốn là, chú trọng đặc biệt đến vấn đề phát triển công nghệ sinh học để góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các loại cây ăn trái đặc sản của vùng này.

Năm là, nâng cao trình độ dân trí, quan tâm đào tạo nghề phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp vùng. Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần gắn với những thành quả và mọi bước đi của quá trình phát triển kinh tế.

Sáu là, tập trung phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Không nên để ở đâu cũng hình thành khu du lịch sinh thái, phát triển KCN, nuôi trồng chế biến thủy sản, sản xuất lương thực xuất khẩu, chuyên canh cây ăn trái... phải chú trọng phát triển theo hướng gắn với thế mạnh của từng địa phương(3).

2. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang thực sự trở thành vấn nạn tại các KCN vùng ĐBSCL, nếu không có những giải pháp đồng bộ, kịp thời và đủ mạnh thì hậu quả sẽ khó lường hết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai là người phải chịu trách nhiệm, cơ quan nào chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vấn nạn trên? Mặt khác, đã đến lúc phải tính đến sự thống nhất quản lý môi trường cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi vì nguy cơ ô nhiễm gắn liền với các dòng sông, nguồn nước không lệ thuộc vào ranh giới hành chính các tỉnh, thành phố trong vùng.

3. Các số liệu khảo sát gần đây cho thấy, hiệu quả sử dụng đất tại các KCN đã được hình thành ở ĐBSCL là rất thấp so với các khu vực khác của cả nước. ở đây, chúng ta thiếu cơ chế chính sách hợp lý hay công tác xúc tiến đầu tư vào khu vực này còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các ban quản lý có vấn đề, hay trình độ cán bộ quản lý trực tiếp các KCN non kém? Các cơ quan Trung ương, bộ ngành chủ quản thiếu quan tâm?

4. Thực tế phát triển các KCN, CĐCN ở ĐBSCL so với các tỉnh Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc chưa nhiều, lượng đất nông nghiệp thu hồi chuyển đổi phát triển các KCN chưa lớn (ngoại trừ tỉnh Long An) nhưng hiện tượng dân khiếu kiện đông người về vấn đề đất đai thời gian qua khá nổi cộm. Phải chăng ở đây đang có vấn đề bất cập về chính sách thu hồi đất, vấn đề tái định cư, đào tạo tay nghề và sắp xếp bố trí việc làm cho người nông dân sau khi chúng ta thu hồi đất? Địa phương hay các doanh nghiệp trong các KCN phải có trách nhiệm đào tạo nghề, bố trí sắp xếp việc làm, nơi ăn chốn ở cho người lao động? Đây là vấn đề xã hội rất lớn xét về cả trước mắt và lâu dài? Có nên để người dân góp vốn bằng quỹ đất vào đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm lợi ích lâu dài và cuộc sống ổn định cho họ không?

5. Làm sao để thu hút các ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả nhất lợi thế của vùng này? Chính sách nào để kết hợp tốt và hài hòa giữa đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa với công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Giữa phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, nâng cao dân trí với tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững? Rõ ràng chúng ta đang rất cần những chính sách đặc thù cho cả vùng ĐBSCL, cần một cơ chế quản lý thống nhất chung nhằm phát huy tốt nhất những lợi thế của vùng, đồng thời phối hợp và triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển chung của cả nước.

6. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và chăm lo đời sống cho người lao động tại các KCN và cả vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, bất cập. Qua các số liệu khảo sát, vùng này đang có những nghịch lý rất đáng để chúng ta suy ngẫm. ĐBSCL là vùng đóng góp một lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất, giàu tiềm năng phát triển nhất, nhưng lại là vùng có cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí thấp nhất, số hộ nghèo so với cả nước đông nhất. GDP bình quân đầu người trong các năm gần đây đều chỉ xấp xỉ 70% trung bình của cả nước. Có đến 70% số nhà làm tạm bợ. Theo thống kê của WB, tỷ lệ dân không được tiếp cận nước sạch ở đây là 31,5% (so với 15,9% toàn quốc); tỷ lệ người lớn mù chữ là 10,2% (toàn quốc là 8,8%); tỷ lệ người nghèo là 20% (toàn quốc là 14%)... Do đó, phát triển các KCN trước hết phải góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển chung của toàn vùng. Không chỉ chú trọng đến công nghiệp mà xem nhẹ các lĩnh vực khác.

7. Quy hoạch phát triển các KCN phải tính đến sự đồng bộ ngay từ khâu thiết kế quy hoạch. Bài học đắt giá nhất mà bây giờ chúng ta phải trả, phải khắc phục trong một thời gian dài, đó là sự phát triển mất cân đối giữa trong và ngoài KCN. Sự mất cân đối giữa nhu cầu lấp đầy các KCN với nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị tốt, giữa chất lượng thiết bị đưa vào các KCN với vấn đề ô nhiễm môi trường, giữa vấn đề chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần... Tóm lại là chưa chú trọng đến tính đồng bộ, đến chiến lược phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, ổn định và bền vững. Cho đến nay, hầu hết các KCN chưa chuẩn bị đủ các công trình thiết yếu phục vụ đời sống người lao động: trường học, bệnh viện, nhà trẻ, khu chung cư, khu vui chơi giải trí, các công trình văn hóa... Nếu không thấy trước để chủ động có kế hoạch chăm lo toàn diện, đặc biệt là chăm lo phát triển các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm bảo vệ lợi ích thiết thực của người lao động và phát triển một cách toàn diện đội ngũ giai cấp công nhân mới trong điều kiện toàn cầu hóa, chúng ta sẽ tiếp tục có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.

Phát triển các KCN, đặc biệt là các KCN vùng ĐBSCL đang có rất nhiều vấn đề phải làm. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 báo cáo khoa học đề cập tương đối toàn diện các vấn đề mà chúng ta quan tâm. Chúng tôi xin hệ thống lại và nêu lên một số khía cạnh, vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các KCN, KCX ở đồng bằng sông Cửu Long để cùng thảo luận trao đổi. Hy vọng cuộc hội thảo này sẽ góp phần nâng cao thêm một bước nhận thức của chúng ta về tính cấp bách của vấn đề quy hoạch, phát triển KCN vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư có hiệu quả, khai thác tốt nhất lợi thế của ĐBSCL, tạo điều kiện để vùng đất giàu tiềm năng này đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp công hiện hóa, hiện đại hóa của đất nước - chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế.
 

(1) Theo tài liệu của Vụ Kế hoạch Bộ NN - PTNT: nước ven bờ sông Hậu bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng có mức ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò ót (Phước Thới, Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 4...

(2) Nguồn: Cục Công nghiệp Địa phương, Bộ Công Thương

(3) Nguồn: Vụ Kế hoạch Bộ NN - PTNT