TCCSĐT – Trong ba ngày từ 15 đến 17-9-2010, Diễn đàn phát triển thế giới thường niên của Tổ chức thương mại thế giới WTO (WTO Public Forum) đã được tổ chức tại trụ sở chính là Giơ-ne-vơ (Geneva) với hơn 1500 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội, khối doanh nghiệp và giới học thuật.

Với chủ đề “Những lực lượng định hình thương mại thế giới”, diễn đàn năm nay đã mang đến cho các đại biểu cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về những lực lượng đang khiến thương mại toàn cầu đổi thay từng ngày.

Trong bài diễn văn khai mạc cuộc họp, Tổng giám đốc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pa-xcan La-my (Pascal Lamy) đã nói: “Thương mại thế giới đang trải qua nhiều biến đổi lớn lao kể từ khi WTO được thành lập 15 năm trước.”

Theo ông Pa-xcan La-my, những biến đổi đó chính là một số nền kinh tế mới nổi tăng trưởng mạnh mẽ đang dần tiếm ngôi của các cựu cường quốc; sự ra đời của hàng loạt công nghệ tân tiến mang đến diện mạo mới cho phương thức điều hành doanh nghiệp cũng như cách thức con người tương tác lẫn nhau; nhiều vấn đề lần đầu tiên xuất hiện khiến khái niệm thương mại không còn nguyên nghĩa như trước, và cuối cùng, phải kể đến vô số thách thức mà cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính gần đây gây ra.

Vì vậy, Diễn đàn phát triển thế giới thường niên của WTO năm nay tập trung vào bốn nội dung cốt lõi:

Một là, WTO và những lực lượng ảnh hưởng đến hệ thống thương mại đa phương

Hai là, các yếu tố liên quan đến kinh tế, chính trị, công nghệ đang định hình thương mại thế giới và vai trò của hệ thống thương mại đa phương đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu.

Ba là, tình đoàn kết giữa WTO và những thể chế toàn cầu khác.

Bốn là, hướng tới tương lai: Chương trình nghị sự hậu khủng hoảng của WTO trong viễn cảnh chuyển giao quyền lực

Cụ thể, Diễn đàn đã thảo luận về các “lực lượng” mới – từ những nền kinh tế mới nổi đến vấn đề công nghệ, từ sự tân tiến hóa đến quan ngại về biến đổi khí hậu, về năng lượng, về an ninh lương thực – tất cả các yếu tố này đang thay đổi hình hài thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận một số vấn đề khác như tài sản trí tuệ, tự do hóa dịch vụ, quyền phát triển của con người và vai trò của các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới.

Các phiên họp sau đó, Diễn đàn chú trọng đến vấn đề thương mại và giới tính, việc làm và quản lý toàn cầu, một số chính sách cho các nước nghèo, khu vực hóa Thái Bình Dương và cải tổ WTO. Diễn đàn kết thúc với việc bàn về chủ đề an ninh lương thực./.