Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xây dựng đô thị thông minh
TCCS - Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Quán triệt quan điểm về chuyển đổi số của các cấp ủy đảng, chính quyền, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Công an quận Bắc Từ Liêm luôn tiên phong, đi đầu, quyết tâm, nỗ lực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng các mặt công tác công an và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận.
Đô thị thông minh là một đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân và bảo đảm phát triển bền vững. Là sự hội tụ của ba yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Đô thị thông minh còn được chia thành sáu lĩnh vực chính, gồm: cuộc sống thông minh, quản trị thông minh, nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh và giao thông thông minh. Xây dựng, phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số quốc gia được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổ số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Về bản chất, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Có thể khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Trong Chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 31-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó định hướng thứ tư là chuyển đổi số. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thực hiện cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”[1].
Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Thực tế, nhiều chuyển biến to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của nhân dân cũng như các mô hình sản xuất kinh tế đang dần được hình thành, trực tiếp thể hiện vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành, nghề hiện nay. Xác định, chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[2]. Có thể nói, thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.
Trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số và nhằm cụ thể hóa và kịp thời triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30-12-2022, của Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND, ngày 27-9-2023, của UBND Thành phố về chuyển đổi số xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đảng ủy - Ban Chỉ huy Công an quận đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tham mưu cho Quận uỷ, UBND quận chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn… nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền hướng tới xây dựng đô thị Quận thông minh.
Thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao của toàn đơn vị và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, lực lượng Công an Quận đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác chuyển đổi số ở quận Bắc Từ Liêm đến nay đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định được nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, cụ thể:
Trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử (VneID): lực lượng công an quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng và triển khai 3 mô hình ứng dụng Đề án 06/CP trên địa bàn quận: (1) Mô hình điểm cung cấp và hướng dẫn dịch vụ công miễn phí tại các tổ dân phố và các tòa chung cư trên địa bàn quận; (2) Mô hình khai báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn quận[3]. (3) Mô hình triển khai, hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tới các cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quận, đồng thời triển khai việc hướng dẫn phụ huynh học sinh kích hoạt, đăng ký tuyển sinh qua hệ thống VNeID[4]. Với tinh thần trách nhiệm “hết dân, không hết giờ” của lực lượng công an Quận và sự đồng tình, ủng hộ tích cực của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an luôn nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng cao kỹ năng công tác, đề ra các giải pháp công tác phù hợp, khoa học trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ chuyển đổi số quốc gia[5]. Nhiều mô hình được đúc kết, nhân rộng toàn thành phố như mô hình “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một tuyên truyền viên”; “Cảnh sát khu vực cùng đoàn viên đi từng hộ gia đình tuyên truyền về cài đặt ứng dụng định danh điện tử, kích hoạt tài khoản định danh điện tử”... Công an Quận cũng đã thực hiện triển khai Luật Giao dịch điện tử, người dân có thể xuất trình bằng lái xe đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID khi tham gia giao thông mà không cần mang giấy tờ như trước đây và triển khai đăng ký xe lần đầu trực tuyến toàn trình trên VNeID.
Về giải quyết thủ tục hành chính, hiện đạt trên 97% hồ sơ thủ tục hành chính đã được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Trong 25 dịch vụ công thiết yếu đã thực hiện theo lộ trình, trong đó có 18 thủ tục được thực hiện giải quyết tại cấp Quận, Công an Quận thực hiện 09 thủ tục, bước đầu triển khai đã đạt được những tiện ích, tiết kiệm thời gian, nhân lực, được Nhân dân đồng tình ủng hộ[6]; Ngoài ra, lực lượng Công an Quận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook chính thống của Công an Quận và Công an các phường ... Đồng thời, Công an quận cũng phối hợp với Phòng Y tế quận tuyên truyền triển khai các ứng dụng như Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; phối hợp với Phòng Giáo dục quận thí điểm triển khai học bạ số tại các trường học;… Qua đó, đã góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ trong Công an quận đang tập trung khiển khai việc số hóa hồ sơ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ tra cứu thông tin trên môi trường số, chuyển hoạt động lưu trữ theo phương thức truyền thống sang lưu trữ điện tử song hành, giảm thời gian, thủ tục hành chính trong quá trình tra cứu dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ thông tin. Nhiệm vụ được đánh giá mang ý nghĩa chiến lược, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác hồ sơ. Đây chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực công tác của lực lượng công an đang thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Công an quận Bắc Từ Liêm hiện nay còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần phải có giải pháp khắc phục, như: thể chế chính sách, hành lang pháp lý chưa đồng bộ; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư, kinh phí và nhân lực có chuyên môn, được đào tạo sâu về công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số còn thiếu; nhận thức của một bộ phận chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số còn hạn chế...
Trước những khó khăn xuất phát từ thực tế, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Công an quận Bắc Từ Liêm đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, kịp thời triển khai quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Tiếp tục đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số, phải được thay đổi trước tiên từ tư duy, từ những việc, hành động cụ thể, quy trình làm việc ở từng vị trí, từng cấp, trong đó, trưởng công an các phường, đội trực tiếp chỉ đạo công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả công tác Công an; thường xuyên bổ sung kịp thời các kiến thức, kỹ năng số, phương pháp ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin để xây dựng, chỉ đạo, triển khai và giám sát tốt lĩnh vực thuộc quyền quản lý; đồng thời tham mưu cho Chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, công tác bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu số hoá.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử vào các mặt công tác quản lý nhà nước. Tham mưu đề xuất các cách làm hay, mô hình hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu, tích cực tham gia.
Ba là, quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn ưu tiên đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho Công an Quận trong thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, tại Công an Quận trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số đến nay hư hỏng, lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt hệ thống máy tính phục vụ dịch vụ công trực tuyến kết nối mạng có cấu hình thấp, kết nối mạng không ổn định; số lượng máy quét mã QR Căn cước công dân, máy đọc thẻ chip căn cước công dân còn hạn chế; hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật chính trên địa bàn Quận còn chưa được đầu tư đồng bộ;… chính vì vậy việc đầu tư trang cấp các thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu không đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công tác đóng vai trò quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị.
Bốn là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ bán chuyên trách công nghệ thông tin trong Công an Quận đủ mạnh về số lượng và chất lượng nhằm nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, sáng tạo và làm chủ được công nghệ, có kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, an ninh, an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vận dụng vào các hoạt động công tác. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng để bảo vệ tính ổn định, bảo mật, sẵn sàng và thông suốt cho các hệ thống thông tin, phần mềm đã được triển khai phục vụ công tác chuyển đổi số; khuyến khích cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới và báo cáo, đề xuất cấp trên để phổ biến, nhân rộng các sáng kiến hữu ích nâng cao chỉ số chuyển đổi số.
Năm là, đề xuất UBND Quận tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, phòng, ban trong và ngoài Quận nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, cách thức phối kết hợp về công tác chuyển đổi số để áp dụng phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn Quận. Đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào chỉ tiêu thi đua; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng động viên các tập thể, cá nhân có có những sáng kiến, cách làm, mô hình hiệu quả trong công tác này.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số, Công an quận xác định kiên trì mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, có chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác công an, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn hướng đến mục tiêu chung xây dựng đô thị thông minh quận Bắc Từ liêm./.
-------------------------
[1] Bài nói chuyện chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 31-10-2024 về một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3)
[2] Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52-NQ/TW); Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
[3] Quận Bắc Từ Liêm đã triển khai cài đặt phần mềm thông báo lưu trú ASM đối với 100% cơ sở kinh doanh lưu trú
[4] Đến nay tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 88%
[5] Công tác tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho 99% công dân và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNelD mức 2 cho 97% công dân trên địa bàn Quận (tính đến tháng 7/2024)
[6] Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận giải quyết: (1) Đăng ký thường trú: 1636 h/sơ; (2) Đăng ký tạm trú: 1313 h/sơ; (3) Thông báo lưu trú: 991 h/sơ; (4) Khai báo tạm vắng: 0 h/sơ; (5) Xác nhận số CMND khi được cấp thẻ CCCD: 0 h/sơ; (6) Cấp lại, cấp đổi, cấp mới CCCD: 187 h/sơ; (7) Thu tiền nộp phạt xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông: 183 h/sơ; (8) Đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy: 677 h/sơ; (9) Công an tiếp nhận giải quyết: Xác nhận thông tin cư trú: 669 h/sơ
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội  (28/11/2024)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị và trật tự xây dựng  (28/11/2024)
Hà Nội quy hoạch phát triển hài hòa, đồng bộ giữa đô thị và nông thôn  (27/11/2024)
Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội  (27/11/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm