Để sống chung với bão, lũ

15:40, ngày 06-12-2007

Thiên tai là một hiểm hoạ khôn lường đối với loài người. Ở nước ta, do vị trí địa lý đặc biệt, nên hàng năm phải đối mặt với sự hoành hành khủng khiếp của thiên tai đặc biệt là trong mùa mưa, bão, lũ. Năm 2007 là một năm thời tiết diễn biến khá bất thường, chỉ riêng trong tháng 10 và tháng 11, (từ 14-10 đến 14-11-2007), tại miền Trung đã xảy ra nhiều trận mưa lũ, lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Tổng thiệt hại ước tính 5.678 tỉ đồng(*).

Thiệt hại sau 3 đợt mưa lũ tại miền Trung (từ 14-10 đến 14-11-2007)

- Số người chết: 159 người (có 11 trẻ em); số người bị thương: 304 người; số người mất tích: 10; số hộ phải di dời: 49.083 hộ. Tổng số người bị ảnh hưởng: 2.633.540 người.

- Về nhà cửa: số bị sập, đổ, trôi: 4.733 cái; nhà bị ngập, hư hại: 526.708.

- Trường học, bệnh viện bị đổ, sập, ngập và hư hại: 1.803 phòng.

- Trong nông nghiệp: Tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại: 19.706 ha, trong đó, diện tích mất trắng 3.410 ha. Tổng diện tích hoa màu bị ngập: 37.810 ha; lương thực ướt, mất 35.442 tấn; giống ướt, mất: 8.090 tấn; diện tích cây công nghiệp bị hư hại: 3.834 ha; diện tích mía bị hư hại: 3.834 ha; 18.300 cây đổ; trâu, bò chết: 199 con; lợn chết: 222.249 con; gia cầm chết: 2.449.086 con.

- Thủy lợi: khối lượng đất sạt, trôi, bồi lấp: 2.778.267 m3; số công trình thủy lợi bị vỡ, trôi: 5; số công trình thủy lợi nhỏ bị hư hại:1.103 cái, đê bị sạt: 29,368 m; đê bị sạt trôi: 142,936 m.

Thủy sản: Diện tích ao hồ nuôi tôm cá bị vỡ: 4.748 ha.

Giao thông: khối lượng đất sạt, trôi, bồi lấp: 4.340.045 m3...

Tính từ ngày 14-10 đến 26-11-2007, Chính phủ đã hỗ trợ cho các tỉnh 237 tỉ đồng, 16.200 tấn gạo, 380 tấn mỳ tôm để giúp các địa phương bị thiệt hại nặng nề khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Các địa phương cũng xuất 24,9 tỉ đồng, 412 tấn gạo và 372 tấn mỳ tôm để cứu đói và khắc phục hậu quả do lũ tại địa phương mình và tỉnh bạn. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng bị lũ đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cá nhân trong cả nước để khắc phục hậu quả mưa lũ với tổng số tiền: 6 tỉ đồng; gạo: 582 tấn cùng nhiều thuốc men, dụng cụ gia đình khác...Với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các tỉnh trong cả nước, 70% số nhà dân bị đổ trong bão lũ đã được khôi phục; 100% dân đã trở về nhà; 90% trường học, bệnh viện, công sở đã được khôi phục; thông xe các tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, các tuyến tỉnh lộ.

Từ đợt phòng chống lũ bão vừa qua, có thể rút ra một số bài học trong công tác chỉ đạo đối phó với thiên tai:

- Sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kiên quyết và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; sự tham gia có hiệu quả của các Bộ, ngành và đặc biệt nhờ sự chỉ đạo tích cực, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” của cấp ủy và chính quyền các địa phương đã góp phần to lớn làm giảm nhẹ thiệt hại.

- Việc cảnh báo bão sớm (cảnh báo bão số 7) và kiên quyết triển khai các biện pháp phòng chống nên đã hạn chế được đáng kể những thiệt hại do bão gây ra, nhất là thiệt hại trên biển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do mức độ lũ mạnh và mưa lớn nên mặc dù đã được cảnh báo sớm, cũng như có sự chỉ đạo sát sao qua các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương nhưng vẫn xảy ra những thiệt hại lớn, đặc biệt về người.

- Việc kiểm soát các bến đò, kiểm soát người vớt củi trên sông, người đi qua các khu vực nước chảy xiết đã được triển khai tốt hơn, tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương thực hiện tốt vẫn có nơi làm chưa tốt, nên vẫn còn xảy ra một số trường hợp người chết do các nguyên nhân đã được cảnh báo trước.

Sau bão lũ, việc khôi phục sản xuất, bảo đảm sức khỏe và ổn định cuộc sống của người dân đang đòi hỏi có các giải pháp kịp thời. Trước mắt, các tỉnh đề nghị được đầu tư 96,5 tỉ đồng để mua giống để khôi phục sản xuất; tiếp tục hỗ trợ thêm kinh phí cho các tỉnh bị thiệt hại nặng; cấp phát thuốc phòng chữa bệnh cho người và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Về lâu dài, để hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất và phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã trình Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung:

- Xây dựng kế hoạch tu bổ hệ thống các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước ở khu vực miền Trung để bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu. Dự kiến, ngay sau lũ, cần tu bổ 21 hồ ở 15 tỉnh với kinh phí 600 tỉ đồng. Trong những năm tiếp theo, tiếp tục đầu tư để tu sửa toàn bộ các hồ bị hư hỏng khác ở 44 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí dự kiến 4.827 tỉ đồng cho hơn 1.000 hồ sẽ tu sửa trong 2 đợt.

- Cấp vốn bù thủy lợi phí cho các Công ty khai thác thủy lợi để phục vụ sản xuất của nhân dân.

- Khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân, đặc biệt là những người làm nghề nuôi trồng thủy, hải sản ở ven biển, trên sông, bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua.

- Xây dựng và thực hiện quy trình điều hành việc tích và cắt lũ của các hồ chứa ở miền Trung, vì các hồ này thường tích nước sớm, nên khi có lũ không những không cắt được lũ mà còn xả lũ, làm gia tăng thêm mức ngập lụt ở hạ du.

- Bổ sung thêm các phương tiện cứu hộ xuồng, ca nô loại trung bình và nhỏ cho các cơ sở để thực hiện cứu hộ tại chỗ.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu tầu thuyền, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức đầu tư xây dựng 98 khu neo đậu cho 65.850 tầu, thuyền với tổng mức kinh phí dự toán là 5.500 tỉ đồng (hiện mới cấp được 300 tỉ đồng, nếu không khẩn trương đầu tư thì việc trú tránh bão của tàu thuyền sẽ gặp rất nhiều khó khăn).

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đê biển: Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tu bổ, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, tuy nhiên, trong 2 năm qua mới đầu tư được rất ít trong tổng số nhu cầu của đề án. Trong những năm tới cần ưu tiên đầu tư cho những vùng đê biển còn yếu, không bảo đảm, trong đó các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Tiếp tục đầu tư cho hệ thống đê biển và sạt lở cho các tỉnh miền Trung với kinh phí khoảng 308 tỉ đồng.

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng đề xuất Đề án xây dựng các công trình phòng, tránh lũ ở các tỉnh miền Trung. Nếu đề án sớm được triển khai thì cộng đồng dân cư các tỉnh miền Trung, trong những năm tới có thể sẵn sàng sống chung với bão, mưa, lũ.


(*) Các số liệu sử dụng trong bài do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cung cấp.