Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa to lớn, giá trị quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta
TCCS - Tối ngày 2-12-2024, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2-12-1964 - 2-12-2024) do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Cùng dự lễ kỷ niệm có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, còn có sự tham dự của những người từng tham gia, góp công làm nên Chiến thắng Bình Giã 60 năm trước và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Tại lễ kỷ niệm, để ôn lại chiến công hiển hách, đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Cuối năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang trong giai đoạn ác liệt, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở các chiến dịch tiến công trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân đội Sài Gòn; hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, củng cố, nối liền các khu căn cứ. Với tinh thần quyết tâm cao, từ ngày 2-12-1964 đến ngày 3-1-1965, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã mở Chiến dịch Bình Giã trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và hai huyện phía Nam Bình Thuận. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa đã triển khai kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, bảo đảm tuyệt đối bí mật, phục vụ hậu cần kịp thời cho chiến dịch; đồng thời, gấp rút thành lập các đơn vị dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã xây dựng phương án phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, kết hợp tiến công các cứ điểm quân sự trên địa bàn, phá rã các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, góp phần đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, mở ra những điều kiện quan trọng để quân, dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đồng chí Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, kế thừa truyền thống và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành quả phát triển trên mọi lĩnh vực, nhiều năm qua trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển cao. Trước bối cảnh phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng để nỗ lực, phấn đấu phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ; quyết tâm và sẵn sàng tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân, dân công hỏa tuyến, các đồng chí là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể đồng bào đã quên mình để chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên Chiến thắng Bình Giã oanh liệt, oai hùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa chiến lược to lớn, khẳng định sự phát triển mọi mặt của cách mạng miền Nam; làm thất bại cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tạo ra những tiền đề quan trọng cho những thắng lợi tiếp theo; để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày nay. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Lịch sử là gốc rễ, nền tảng, sức mạnh của hiện tại và tương lai của đất nước ta, dân tộc ta. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng; tri ân công lao to lớn, sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Bình Giã có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Chúng ta hãy phát huy hơn nữa truyền thống quý báu, tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đặc biệt là sự phấn khởi, niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước và củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích mới. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã oai hùng với những bài học quý về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo thêm động lực, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung trong chặng đường phát triển tiếp theo. Qua đó, chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của hòa bình và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Trong lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật “60 năm bản hùng ca Chiến thắng Bình Giã” gồm 3 phần: “Tiếng gọi non sông”, “Chiến thắng oai hùng” và “Tự hào quê hương anh hùng”, với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, trình diễn đặc sắc đã tái hiện không khí hào hùng, linh thiêng ngay chính tại chiến trường ác liệt năm xưa - quê hương nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Đồng thời, góp phần khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trên con đường hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
Trước đó lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Bình Giã, thuộc thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không tiếc máu xương, tuổi xuân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên thắng lợi của chiến dịch Bình Giã. Với niềm tự hào và biết ơn sâu sắc, các đại biểu tri ân sự hy sinh, đóng góp của thế hệ đi trước vì độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời, bày tỏ quyết tâm đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay  (01/12/2024)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni  (28/11/2024)
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024  (16/11/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường  (08/11/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay