Xây dựng chính quyền số, thúc đẩy cải cách hành chính Thủ đô Hà Nội - Nhìn từ phương diện ba chủ thể
TCCS - Cải cách hành chính có đối tượng là nền hành chính, nhưng xét về bản chất, đối tượng cải cách hành chính là con người, bởi con người là chủ thể xây dựng nền hành chính. Những nguyên tắc, quy định của nền hành chính đều do con người lập ra và vận hành. Hơn nữa, con người còn là chủ thể hưởng thụ của nền hành chính văn minh, tiến bộ. Để hoàn thành mục tiêu cải cách nền hành chính trên địa bàn Thủ đô, cần xem xét nhiều chiều cạnh khác nhau, trong đó có việc nâng cao năng lực của các chủ thể xây dựng chính sách, pháp luật, cung cấp dịch vụ hành chính công và các chủ thể hưởng thụ nền hành chính.
Các chủ thể cải cách hành chính
Thực hiện cải cách hành chính là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân. Giữa ba chủ thể này có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau. Khi các chủ thể này cùng hướng đến một mục tiêu và cùng ứng dụng một phương pháp, một công cụ chung thì mục tiêu cải cách hành chính sẽ nhanh chóng đạt được. Ngược lại, nếu cải cách chỉ được tiến hành từ một phía, chắc chắn cải cách hành chính sẽ là một chặng đường dài khó khăn. Nhà nước là chủ thể ban hành chương trình, mục tiêu quốc gia về cải cách hành chính. Vì vậy, hiệu quả cải cách hành chính ở Thủ đô Hà Nội và quá trình xây dựng chính quyền số phụ thuộc vào những cố gắng, nỗ lực của hai chủ thể là chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Thứ nhất, về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước
Cải cách hành chính là đơn giản hóa hệ thống văn bản, quy định, biện pháp, cách thức tiến hành, sửa đổi, cải tiến nền hành chính nhà nước về: thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ công vụ, quy chế công chức… Những sửa đổi này được thực hiện theo kế hoạch, có mục tiêu nhất định và xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với vai trò ban hành thể chế, chính sách, Nhà nước xác lập tính chất nền hành chính, quản lý tổng thể nền hành chính, bảo đảm cho nền hành chính quốc gia vận hành nhịp nhàng, đồng bộ. Nhà nước có chức năng quy định, xác lập cấp độ, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền các địa phương trong mối quan hệ hài hòa với nền hành chính quốc gia.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, trước yêu cầu phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số,… như hiện nay, Chính phủ là cơ quan xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ trong cả nước. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia, đầu mối kết nối các địa phương và là cở sở để thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý công dân…
Thứ hai, vai trò, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội
Về cơ bản, cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, mà mục tiêu là làm cho hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Căn cứ vào các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách đặc thù, chính quyền thành phố Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính theo đúng quy định pháp luật; thực hiện phân công, phân cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền cấp dưới nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và thế mạnh riêng có của từng ngành, từng địa phương để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phục vụ nhân dân của nền hành chính(1); đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ với các phần mềm chương trình mang tính liên thông, kết nối giữa các cấp, ngành và là đầu mối kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia(2).
Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Các thành tố “sáng tạo, phát triển” được đề cập với hàm nghĩa là hệ thống thể chế, hệ thống hạ tầng, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức,… phải bảo đảm tính thích ứng với sự thay đổi, phát triển của thực tiễn, điều chỉnh chế độ, chính sách, quy định về TTCH chính kịp thời(3). Với 47/79 nhiệm vụ đã hoàn thành, chiếm 59%, công tác cải cách hành chính trong 9 tháng đầu năm 2023 của thành phố Hà Nội chuyển biến rất tích cực. Ủy ban nhân dân UBND thành phố đã ban hành 4 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 67 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở; 42 quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC; phê duyệt 1.207 quy trình nội bộ giải quyết TTHC.
Thứ ba, vai trò, trách nhiệm của người dân Thủ đô
Về khía cạnh là người thụ hưởng các dịch vụ hành chính công, vấn đề đặt ra là công dân của Thủ đô Hà Nội cần phải nâng cao khả năng, nhận thức, hiểu biết, theo kịp trình độ phát triển của xã hội và công nghệ thông tin hiện đại, cụ thể là nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, khả năng cập nhật các quy định mới, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công. Hơn nữa, công dân cần có đủ khả năng sử dụng công nghệ thông tin để nắm bắt tình hình, thông tin kinh tế - xã hội, cải cách hành chính trên hệ thống thông tin điện tử và sử dụng các dịch vụ công được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại của thành phố. Năng lực của chủ thể hưởng thụ nền hành chính đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của các chương trình cải cách hành chính ở Thủ đô. Nếu nền hành chính được trang bị hệ thống hiện đại, đội ngũ công chức thực thi công vụ chuyên nghiệp, nhưng người dân - đối tượng thụ hưởng - không có khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ hiện đại thì hiệu quả của những chương trình cải cách sẽ bị hạn chế. Do vậy, với đặc thù là tính tương tác của các thiết bị công nghệ trên nền tảng internet, sự phát triển đồng bộ về năng lực cung ứng, tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại của cả ba chủ thể này mới có thể phát huy hiệu quả trong việc cải cách hành chính.
Một số giải pháp xây dựng chính quyền số
Để cải cách, xây dựng chính quyền số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân, tiếp cận từ góc độ ba chủ thể, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, bên cạnh việc ban hành những kế hoạch, chương trình phục vụ cải cách tổng thể nền hành chính quốc gia, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô qua từng giai đoạn, từng thời kỳ, đồng thời cần tập trung vào hai vấn đề cơ bản là: hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo cơ chế tài chính để phát triển đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đến cơ sở.
Hai là, thành phố cần khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu của Thủ đô trong việc thực hiện các chương trình, nghị quyết của Chính phủ về xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số… Cần tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu hoạt động thông suốt trong tổng thể hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự vận hành thông suốt của các phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND thành phố; tích cực giám sát, đôn đốc có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch của thành phố; rà soát, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong cải cách nền hành chính, TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần thống nhất, công khai, minh bạch, đồng bộ hóa hệ thống thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, ưu ái, nể nang,… trong việc giải quyết TTHC; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công; chuẩn hóa quy trình tuyển dụng, xây dựng, nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức.
Ba là, đối với người dân, trước mắt, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đồng thời triển khai những chương trình phổ biến, hướng dẫn người dân về những vấn đề liên quan đến TTHC; bố trí công chức thường trực hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện TTCH. Về chiến lược lâu dài, cần triển khai các chương trình giáo dục công nghệ thường xuyên, đồng bộ với chương trình giáo dục pháp luật, trang bị cho người dân khả năng sử dụng công nghệ nhất định để thực hiện các giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu hực hiện TTHC của cá nhân./.
Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9  (15/09/2023)
Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế  (08/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp