Quảng Ninh chú trọng xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động và người thu nhập thấp
TCCS - Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều mỏ than và các dự án khu công nghiệp đang đi vào hoạt động, kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở công nhân rất lớn, trong khi đó, thị trường đất đai, bất động sản ở mức khá cao khiến việc “an cư lạc nghiệp” của người lao động trở nên rất khó khăn. Chính vì vậy, việc chăm lo giải quyết vấn đề về nhà ở cho công nhân lao động và người thu nhập thấp luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa nhanh, các đô thị được mở rộng về không gian, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng đô thị; đã và đang hình thành nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị trên đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thu hút và phát triển đa dạng loại hình nhà ở, nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở; đáp ứng yêu cầu hạ tầng, nhà ở ngày càng cao của người dân, từ đó thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Quảng Ninh dành sự quan tâm, chăm lo và tìm giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo, ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở công nhân. Các khu công nghiệp tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân. Giai đoạn 2010 - 2020 đã có nhiều dự án được đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, với 2.720 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 8.000 công nhân. Các đơn vị trong Tổng Công ty Đông Bắc đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng diện tích đất trên 10,6ha, với tổng số trên 1.000 căn chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân hầm lò. Khu công nghiệp Hải Yên ở thành phố Móng Cái đầu tư xây dựng được 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng, với tổng số 696 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 công nhân.
Tỉnh cũng đã thực hiện quy hoạch trên 600ha quỹ đất (20% trong các dự án nhà ở thương mại) để làm nhà ở xã hội, 55ha đất nhà ở cho công nhân gắn liền với khu công nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã khởi công xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 2.327 căn hộ (tương ứng 187.000m2 sàn). Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai thủ tục về chấp nhận đầu tư đối với 6 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, công nhân ngành than, gồm: khu nhà ở xã hội tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà (khoảng 1.000 căn hộ); khu nhà ở xã hội tại lô đất OXH-01 thuộc khu đô thị tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh và Hà Lầm, thành phố Hạ Long (khoảng 950 căn hộ); 4 dự án nhà ở công nhân ngành Than (tổng quy mô khoảng 420 căn hộ), tiến hành khởi công các dự án trên trong giai đoạn 2023 - 2024, với tổng số khoảng 2.370 căn hộ.
Để cụ thể hóa Nghị quyết các kỳ Đại hội, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đề án, chương trình, kế hoạch về nhà ở, trong đó có Đề án Phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động ngành than, khu công nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh; Kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 3-4-2023, của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu khởi công, xây dựng khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tương ứng 24.400 căn nhà: 10.500 căn nhà ở công nhân khu công nghiệp; 4.300 căn nhà ở công nhân ngành than có thu nhập trung bình, 9.600 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 3 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, có dự án nhà ở xã hội tại Kim Sơn, Đông Triều do Công ty cổ phần Gốm màu Hoàng Hà làm chủ đầu tư, với tổng số 589 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 1.700 người. Hiện, dự án đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng xong 50 căn nhà liền kề, ước tính khoảng 7.000 m2 sàn. Dự án Khu nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn với tổng số có 300 căn hộ, đến nay đã hoàn thành 100 căn hộ và bố trí cho cán bộ, công nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn vào ở. Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang đầu tư dự án khu nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% khu đô thị Hà Khánh rộng 2ha, với 927 căn hộ. Cùng với đó, tỉnh đã quy hoạch 9 địa điểm đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long; dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị theo quy định để kêu gọi đầu tư.
Hiện các khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp Đông Mai, khu công nghiệp Việt Hưng, khu công nghiệp Cái Lân đang thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân, gồm: Dự án nhà ở công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên) có quy mô 9,1ha, tổng số 960 căn hộ chung cư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 7.500 công nhân; Dự án thiết chế Công đoàn tại đồi Thủy Sản, phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) có quy mô 1,2ha, tổng số 250 căn hộ chung cư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân; Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động tại khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà - Giai đoạn 1 có quy mô 18,84ha, tổng số 1.408 căn hộ chung cư và 304 căn nhà liền kề, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 12.000 công nhân.
Mặc dù vậy, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay còn gặp không ít khó khăn, bất cập, chưa đạt được kết quả như mong muốn, mới chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tỷ lệ diện tích nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị hoàn thành mới đạt 74%. Tỷ lệ diện tích nhà ở cho công nhân hoàn thành đạt 30,2% so với mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển nhà ở. Trong khi dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu nhà ở cho các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh cần khoảng 6.700 căn hộ, với tổng diện tích trên 536.000m2. Nguyên nhân của sự chậm trễ trên được chỉ ra là do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai. Lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp, nên các doanh nghiệp, tổ chức không mặn mà đầu tư nhà ở cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp.
Mặt khác, do nhiều thủ tục, nội dung phức tạp nên trong thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nhà ở xã hội. Phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tập trung không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn thành phố Hạ Long. Ngoài ra, các khu công nghiệp, khu sản xuất trên địa bàn tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, người dân còn có khả năng thu xếp nhà ở khu vực đô thị, ven đô với mức thấp nên việc thu hút, huy động doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội tập trung còn hạn chế. Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà ở công nhân, chủ yếu sử dụng lao động địa phương tại chỗ, có trường hợp thuê nhà trọ của người dân với quy mô lớn cho công nhân ở, thiếu tính chuyên nghiệp. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Trình tự thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đối với các cá nhân có thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội còn rườm rà, phức tạp, khó tiếp cận được để vay vốn... Do đó, thời gian tới, Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, chú trọng việc lập kế hoạch chi tiết, đề xuất chủ trương đầu tư, hoàn thiện hồ sơ thủ tục; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt./.
Vietcombank vươn lên dẫn đầu Bảng xếp hạng Mức độ hài lòng của khách hàng đối với ngân hàng tại Việt Nam 2023  (15/11/2023)
Phát triển truyền hình đa nền tảng trong kỷ nguyên số ở Việt Nam  (15/11/2023)
Cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực ở Trung Quốc  (15/11/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam  (15/11/2023)
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới  (14/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm