TCCSĐT - Trong chuyến thăm Nga từ ngày 15 đến 17-10 của Tổng thống Ai Cập El-Sisi, Nga và Ai Cập đã ký kết thỏa thuận Hợp tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện. Đây là thỏa thuận hợp tác ở mức cao nhất giữa hai nước, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương.

Chương mới trong quan hệ Nga - Ai Cập

 
 Tổng thống Ai Cập El-Sisi và Tổng thống Nga V. Putin tại buổi ký kết. Ảnh: rferl.org

Hai bên đã tập trung thảo luận về những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt hợp tác kinh tế với những nội dung ưu tiên hàng đầu như việc nâng kim ngạch thương mại song phương, tăng cường hợp tác đầu tư đặc biệt tại khu kinh tế Kênh đào Suez và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Nga và Ai Cập cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tổng thống V. Putin đã hoan nghênh sự phát triển thành công trong quan hệ song phương trong những năm gần đây. Ông cho biết, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Năm 2017, kim ngạch thương mại đã tăng 62%, cộng thêm 28% trong 6 tháng đầu năm 218. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh đây là thành quả của chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ song phương, trong đó có các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thiết bị và phương tiện. Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập El-Sisi đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong các dự án chung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng phối hợp những nỗ lực với Nga trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Ai Cập - đất nước đông dân nhất thế giới Arab - là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Cairo cũng tăng cường xuất khẩu nông sản sang Moscow. Trong khi đó, Nga là nguồn cung lúa mì ổn định của Ai Cập. Ai Cập là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với du khách Nga.

Một thực tế không thể phủ nhận là với người dân Ai Cập, dấu ấn Nga hiện diện tại quốc gia này qua những công trình mang tính biểu tượng như đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, nhà máy luyện kim và nhiều cơ sở công nghiệp nặng khác. Nỗ lực khôi phục quan hệ hợp tác truyền thống với Nga nằm trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế mà chính quyền của Tổng thống El-Sisi đang theo đuổi. Còn đối với Nga, với vị thế là một quốc gia “có tiếng nói” trong khu vực, Ai Cập được đánh giá là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và mở rộng không gian ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi.

Theo giới quan sát, việc Ai Cập và Nga trở thành Đối tác Toàn diện là một thắng lợi lớn trong lĩnh vực đối ngoại của Tổng thống El-Sisi trong năm 2018, kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2014. Chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã đưa quan hệ hai nước đến một chương mới, đồng thời mở ra triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị.

Xu hướng hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên

 
 Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: baoquocte.vn

Nhằm thực thi Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9-2018 tại làng đình chiến Panmunjom, hai miền Triều Tiên ngày 15-10 đã tổ chức hội đàm cấp cao liên Triều và công bố thông cáo chung về 7 nội dung nhất trí. Đây được coi là những bước đi cụ thể trong nỗ lực làm mới lại quan hệ hợp tác liên Triều.

Tại cuộc đối thoại, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thảo luận việc triển khai Tuyên bố Bình Nhưỡng được ký giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại cuộc gặp vào tháng 9 vừa qua, đồng thời đề ra kế hoạch cụ thể cho các cuộc đối thoại cấp chuyên viên sắp tới.

Sau cuộc hội đàm, hai bên đã công bố thông cáo chung về các nội dung nhất trí đó là: lịch trình hội đàm quân sự cấp tướng và hội đàm Chữ thập Đỏ liên Triều; tiến hành điều tra thực địa tuyến đường sắt Gyeongui từ cuối tháng 10 và tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Đông từ đầu tháng 11, nhằm kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ dọc bờ biển phía Đông và phía Tây; tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới trong khoảng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tới.

Về lĩnh vực hợp tác lâm nghiệp, hai bên nhất trí sẽ tổ chức hội đàm về hợp tác lâm nghiệp liên Triều vào ngày 22-10 với các nội dung: phòng trừ bệnh héo lá do tuyến trùng ở cây thông, hiện đại hóa vườn ươm, bảo hộ và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Hai bên cũng sẽ họp bàn về hợp tác y tế vào cuối tháng 10 để thảo luận phương án ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Hội đàm thể thao liên Triều sẽ được tổ chức trong tháng 10. Quan chức hai nước sẽ tiến hành thảo luận về việc xúc tiến cùng tham gia các sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có Olympic mùa Hè Tokyo 2020, và vấn đề chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic mùa Hè 2032.

Hội Chữ thập Đỏ liên Triều sẽ họp tại núi Geumgang vào tháng 11, nhằm giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tại đây, hai bên sẽ thảo luận về những vấn đề cần thiết để tiến hành sửa chữa, bảo trì Trung tâm đoàn tụ các gia đình bị ly tán tại núi Geumgang. Về lịch trình buổi biểu diễn tại Seoul của Đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng, vốn dự kiến diễn ra trong tháng này, hai bên nhất trí sẽ xúc tiến thảo luận trong thời gian sớm nhất.

Trong bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên tin rằng, sự hợp tác thiết thực sẽ là lối thoát cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc các quan chức cấp cao hai miền Triều Tiên tại cuộc đối thoại ngày 15-10 thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mới nhất với những kết quả cụ thể phần nào thu hẹp khoảng cách lòng tin, vốn được cho là nguyên nhân chính khiến những nỗ lực phi hạt nhân hóa đến nay chưa có tiến triển.

Triển vọng đàm phán giữa Anh và EU về Brexit vẫn mờ mịt

 
 Thủ tướng Anh T. May tại cuộc họp thượng đỉnh. Ảnh: TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) nhằm tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa EU và Anh liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit không đạt được kết quả.

Tại cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Anh T. May ở Brussels (Bỉ) ngày 17-10 để bàn về kế hoạch Brexit, lãnh đạo các nước EU cho rằng hiện giờ các cuộc đàm phán Brexit chưa đạt được tiến bộ dù hai bên đã rất nỗ lực. Trước đó, trong bài phát biểu của mình trước lãnh đạo 27 nước EU, Thủ tướng Anh T. May cho biết bà sẵn sàng xem xét đề xuất kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển đổi của EU như là một phần của thỏa hiệp về bất đồng đường biên giới Ireland. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, bà T. May đã không đưa ý tưởng mới nào nhằm phá vỡ những bế tắc về vấn đề này. Trong khi đó tại Anh, ngay sau khi biết được ý kiến của Thủ tướng T. May về đề xuất kéo dài thời kỳ chuyển đổi của EU, một số nhân vật trong đảng Bảo thủ chống lại kế hoạch Brexit của Thủ tướng T. May đã công khai lên tiếng kêu gọi Thủ tướng T. May hãy “bước sang một bên và để cho người có thể đàm phán được đảm nhận trọng trách này”. Chính đảng lớn nhất tại Bắc Ireland là DUP, đảng mà Chính phủ thiểu số của bà T. May cần dựa vào để có được số phiếu ủng hộ quá bán tại Quốc hội, cũng tỏ ra không hào hứng trước đề xuất trên vì cho rằng sẽ không giải quyết được vấn đề đường biên giới Ireland.

Chính phủ Anh cho biết quan điểm của Thủ tướng T. May là Thỏa thuận rút khỏi Brexit khi trình ra Quốc hội Anh sẽ chỉ thông qua “đồng ý” hay “không đồng ý”, chứ không đưa ra để các nghị sĩ bàn bạc sửa đổi nội dung của thỏa thuận này. Hiện nay một số nghị sĩ Anh đang vận động để bổ sung thêm nội dung tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới về việc nước Anh có nên ở trong EU hay không vào trong nội dung thỏa thuận rút khỏi Brexit để Quốc hội xem xét thông qua. Một số nghị sĩ ủng hộ Brexit mạnh mẽ khác lại mong muốn thúc đẩy để Anh theo mô hình thỏa thuận tự do thương mại mà Canada đã ký với EU. Tuy nhiên, ý định này từng bị Thủ tướng T. May thẳng thừng bác bỏ.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU bàn về Brexit, các cuộc đàm phán “nước rút” ngày 14-10 giữa London và Brussels về một thỏa thuận Brexit cũng đã không đạt được kết quả, tiếp tục vướng mắc trong vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.

Afghanistan với cuộc bầu cử quốc hội và địa phương

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: vtv.vn

Sáng 20-10 theo giờ địa phương, gần 9 triệu cử tri Afghanistan bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Hạ viện trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ bạo lực. An ninh được siết chặt với sự hiện diện của 54.000 binh sĩ và cảnh sát bảo đảm an ninh tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Cuộc bầu cử Quốc hội và các hội đồng địa phương tại Afghanistan được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử bầu cử của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Khoảng 2.450 ứng cử viên chạy đua giành 249 ghế tại Hạ viện với nhiệm kỳ 5 năm, bao gồm một ghế dành riêng cho dân tộc Sikh thiểu số. Theo Ủy ban bầu cử độc lập, ban đầu nhà chức trách dự định mở 7.355 trung tâm bầu cử trên cả nước, nhưng chỉ có 5.100 được mở trong ngày bầu cử, do các mối quan ngại về an ninh. Ngoài tỉnh Kandahar, tỉnh Ghazni cũng phải hoãn bỏ phiếu vì các lý do an ninh. Trước đó, phiến quân Taliban đã đưa ra một loạt tuyên bố dọa sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu.

Tổng thống Afghanistan A. Ghani đã đi bỏ phiếu ở Kabul. Trong một phát biểu ngắn phát trên truyền hình, ông A. Ghani kêu gọi người dân sử dụng quyền công dân của mình để đi bỏ phiếu. Ông cũng nhắc nhở những người sẽ trúng cử rằng họ được bầu để phục vụ người dân và bảo đảm pháp trị. Liên hợp quốc hỗ trợ tiến trình bầu cử đã kêu gọi người dân Afghanistan “tận dụng cơ hội này để thực hiện quyền hiến định của mình”, đồng thời hy vọng cuộc bầu cử diễn ra an toàn và an ninh.

17 năm qua Afghanistan rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này, bao gồm cả Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từ đầu năm 2015, IS đã mở rộng sự hiện diện tại Afghanistan khi mất đi các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria. Hiện nay, IS cùng với Taliban và al-Qaeda… đang kiểm soát thực tế tới 3/4 lãnh thổ Afghanistan, đe dọa nghiêm trọng an ninh của đất nước và an toàn cuộc sống của người dân Afghanistan.

Bối cảnh trên cho thấy, chính quyền Afghanistan đang đứng trước thách thức an ninh nghiêm trọng khi vừa phải đối phó với Taliban, vừa lo ngăn cản sự thâm nhập và bành trướng của các phần tử khủng bố IS trong khu vực. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi vào thời điểm Afghanistan chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương, phiến quân Taliban đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan để ngăn cản cuộc bầu cử, vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Cùng với hành động này, Taliban đã kêu gọi người dân Afghanistan tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội khi cáo buộc Mỹ sử dụng cuộc bầu cử này nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị của Washington cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Tính từ đầu chiến dịch tranh cử tại Afghanistan đến nay, hơn 10 chính trị gia đã bị Taliban sát hại trong quá trình tiếp xúc cử tri ở cuộc bầu cử quốc hội lần này. Bên cạnh đó, nhiều vụ tấn công và đánh bom liều chết do Taliban tiến hành trong những tháng qua tại các điểm vận động tranh cử, văn phòng ủy ban bầu cử, các chốt kiểm soát an ninh, sở cảnh sát Afghanistan cũng đã khiến hàng trăm người thương vong.

Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Afghanistan thời kỳ hậu Taliban cầm quyền được tổ chức năm 2005, và lần thứ 2 vào năm 2010. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lập pháp lần thứ 3, ban đầu dự định tổ chức vào đầu năm 2015 tiếp sau cuộc bầu cử tổng thống, đã nhiều lần bị trì hoãn cho đến thời điểm này mới được tiến hành. Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Afghanistan, cuộc bầu cử Quốc hội lần này được xem là phép thử quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống A. Ghani.

Đại liên minh cầm quyền Đức đối mặt khó khăn sau cuộc bầu cử bang Bayern

 
 Cử tri bang Bayern đi bỏ phiếu. Ảnh: TTXVN

Ngày 14-10, hơn 9,5 triệu cử tri bang Bayern đã tham gia cuộc bỏ phiếu bầu ra cơ quan lập pháp mới của bang. Tuy nhiên, đây lại là một ngày tồi tệ đối với Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), khi đảng này đã mất đa số tỷ lệ ủng hộ trong quốc hội bang. Kết quả này sẽ khiến cho cả CSU và đại liên minh cầm quyền ở Đức gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả bỏ phiếu sơ bộ vào 19h15 cùng ngày (giờ Đức), tỷ lệ ủng hộ với CSU chỉ đạt 35,6% (giảm 12,1%), đảng Xanh đạt 18,3% (tăng 9,7%), đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đạt 10,9% (tăng 10,9%), đảng Dân chủ xã hội (SPD) 9,7% (giảm 10,9%), đảng Dân chủ tự do (FDP) 5,1% (tăng 1,8%), đảng Cánh tả 3,3% (tăng 1,2%), các đảng tự do 11,6% (tăng 2,6%) và đảng thiểu số 5,2% (giảm 3,2%) (kết quả so sánh với cuộc bầu cử năm 2013).

Đây được được coi là kết quả không mấy bất ngờ, bởi trước thềm cuộc bầu cử bang Bayern, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, CSU có nguy cơ mất đi đa số trong cuộc bầu cử này. Theo kết quả thăm dò của Kênh truyền hình ZDF ngày 09-10, CSU chỉ nhận được 34% số phiếu ủng hộ, giảm từ mức 47,7% trong cuộc bầu cử 4 năm trước và là kết quả tồi tệ nhất mà đảng này nhận được trong cuộc bầu cử tại bang Bayern kể từ năm 1950.

Với kết quả này, mặc dù vẫn là lực lượng chính trị mạnh nhất trong quốc hội bang Bayern, nhưng có thể coi là thất bại nặng nề đối với đảng CSU bởi đảng này đã mất đa số tuyệt đối trong quốc hội bang. Tương tự, đảng CSU là đảng SPD. Trong khi đó, kết quả bầu cử được coi là thắng lợi lớn đối với đảng Xanh và đảng cực hữu AfD khi các đảng này đã dành vị trí thứ hai, thứ tư trong quốc hội bang Bayern.

Phương tiện truyền thông Đức đánh giá, CSU đã trải qua một thất bại đau đớn nhất trong vòng 60 năm qua tại bang mà CSU hiện diện duy nhất trên toàn nước Đức. Bang Bayern được coi là “thành trì” của đảng CSU trong liên đảng bảo thủ cầm quyền của đương kim Thủ tướng A. Merkel. Tại Đức, Bayern luôn được đánh giá là “một bang kiểu mẫu”. Hai chữ “thất nghiệp” gần như là không tồn tại, khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,8% và tỷ lệ tội phạm cũng thấp nhất cả nước. Từ những năm 1950 trở lại đây, CSU hầu như luôn là đảng duy nhất cầm quyền tại bang giàu có miền Nam nước Đức này mà không phải liên minh với đảng nào khác.

Với kết quả mất đa số tỷ lệ ủng hộ trong quốc hội bang Bayern, CSU sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ bang. Để thành lập chính phủ đa số bang Bayern, CSU sẽ phải đàm phán để thành lập liên minh với các đảng khác và có các khả năng gồm: Liên minh CSU - đảng các cử tri tự do; CSU - đảng các cử tri tự do - FDP; CSU - đảng Xanh; CSU - SPD - FDP.

Việc CSU mất đa số tỷ lệ ủng hộ trong quốc hội bang tại cuộc bầu cử bang Bayern cũng đồng nghĩa với một sự suy yếu của liên đảng bảo thủ. Một CSU thất bại sẽ tác động không nhỏ tới Thủ tướng A. Merkel khi chỉ 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử nghị viện bang quan trọng tại bang Hessen. Một kết quả bầu cử bang không thuận lợi của CSU cũng có thể sẽ trở nên khó kiểm soát hơn đối với Thủ tướng. Những người Xã hội Cơ đốc giáo tại bang Bayern có thể sẽ gia tăng áp lực lên Thủ tướng, bởi trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, họ cũng luôn coi chính sách quốc gia là nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của đảng này hiện nay.

Tuy nhiên, thất bại của CSU tại cuộc bầu cử bang Bayern cũng chưa hẳn là tiêu cực đối với liên minh cầm quyền tại Đức cũng như với Thủ tướng A. Merkel. Bởi kết quả của cuộc bầu cử có thể buộc CSU phải thay đổi cách tiếp cận trong một số vấn đề, giúp giảm bớt căng thẳng trong nội bộ liên đảng cầm quyền, nhất là liên quan đến vấn đề nhập cư. Hơn nữa, sự “suy yếu” của CSU cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của những thay đổi mang tính cơ cấu đang tác động lên các đảng truyền thống lớn tại Đức./.