Hà Nội chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng

Tin: Quang Hưng Ảnh: Mai Lan
21:28, ngày 06-10-2018

TCCSĐT - Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng có chiều hướng diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra trường hợp tử vong.

* Tại thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.639 trường hợp mắc tay chân miệng ở 30 quận, huyện, thị xã. Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng thời gian gần đây số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng và chủ yếu gặp ở lứa tuổi dưới 5 tuổi. Hiện nay, trên cả nước đã ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Trước nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong cả nước, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; đảm bảo cung ứng đủ cloramin B, trang thiết bị cần thiết cho xử lý dịch. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện triển khai chống dịch, phối hợp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Đặc biệt, ngành Y tế phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống tay chân miệng như: Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ...

Đối với các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan trên địa bàn, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu, điều trị tay chân miệng; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện, không để xảy ra tử vong.

Song song với công tác khám, điều trị các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để thông tin về trường hợp mắc bệnh, chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2018 đều cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên bệnh sởi đang gia tăng và bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, đạt đỉnh tháng 10,11.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thời gian qua chưa phát hiện có chủng vi rút lạ nào như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Để phòng, chống dịch bệnh cuối năm đặc biệt trong thời điểm giao mùa - thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển như: Cúm, cúm mùa, thủy đậu, sởi...các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, thực hiện biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của ngành y tế. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt, ho và triệu chứng lạ cần đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

** Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 05-10, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đã kiểm tra đột xuất công tác điều trị các bệnh lây nhiễm và làm việc với các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tính đến sáng 05-10, Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện đang điều trị 155 ca tay chân miệng, trong đó có 12 ca nặng độ 3; hai ca nặng độ 4 phải thở máy. Từ đầu mùa dịch đến nay, một trẻ đã tử vong do tay chân miệng tại Bệnh viện.

Do lường trước được sự phức tạp của dịch bệnh này, ngay từ tháng 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành tập huấn cho 100% bác sỹ, điều dưỡng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện máy móc điều trị. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tập huấn cho bác sỹ chuyên khoa nhi của các bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam để phân luồng điều trị ngay từ tuyến dưới, tránh dồn hết bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.

Về cơ sở vật chất, do Khoa Nhiễm - Thần kinh quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chủ động cải tạo, sửa chữa lại khu căng tin cũ trước đây để mở rộng thành 3 phòng bệnh tiếp nhận bệnh nhi với các điều kiện đạt chuẩn như có phòng làm việc, giường bệnh, khu vệ sinh riêng, đảm bảo đủ điều kiện điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại, 3 phòng bệnh này đang tiếp nhận các bệnh nhi bị tay chân miệng thể nhẹ.

Ngoài bệnh tay chân miệng, đến ngày 05-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 100 trẻ mắc sốt xuất huyết và 60 trẻ mắc bệnh sởi.

Liên quan đến tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng, báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 50 trẻ nhập viện. Thời điểm ngày 05-10, Bệnh viện có 116 ca điều trị nội trú về tay chân miệng, 3 ca mắc độ 4 và đã có 2 trường hợp tử vong. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang có 50 ca tay chân miệng nội trú. Dự kiến trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ bố trí thêm một khu mới khoảng 40 giường để tiếp nhận bệnh nhi tay chân miệng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù tổng số ca tay chân miệng, sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố vẫn đang ở mức giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên với diễn biến gia tăng nhanh chóng trong 2 tuần cuối tháng 9 trở lại đây, các bệnh viện không được chủ quan. Ngoài việc chuẩn bị thuốc men, nhân lực, cơ sở vật chất để điều trị tích cực cho bệnh nhi, các bệnh viện cần phân loại bệnh ngay từ ban đầu và chuyển bớt về bệnh viện tuyến dưới nhằm tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bố trí một khoa dự phòng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhi trong trường hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 quá tải./.