TCCSĐT - Chiều 04-10, Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã làm việc tại Đồng Nai, khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh và hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Tình hình mắc sởi ở Đồng Nai

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng. Trong đó, tỉnh ghi nhận hơn 4.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017 (có 2 trường hợp tử vong); hơn 6.100 ca mắc tay chân miệng (giảm 12% so với cùng kỳ).

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng đoàn công tác, do đang là mùa của các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhiều loại bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp. Do đó, công tác dự phòng là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần phải có giải pháp chủ động phòng chống để đề phòng dịch bệnh phát tán và lây lan.

Ông Trần Đắc Phu cho biết, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả người dân cần đảm bảo vệ sinh thân thể, nơi ở. Đặc biệt những nơi công cộng như trường học, nhà trẻ cần được đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh không bùng phát. Ở các trường học, mẫu giáo, nhà trẻ cần phải có hướng dẫn các thầy cô làm vệ sinh, tẩy rửa đồ chơi, trang thiết bị học tập, đồng thời có quy chế xử phạt những trường hợp không chấp hành; cấp hóa chất tẩy rửa sàn nhà cho các trường học, xử lý phân đúng cách không để tràn lan ra môi trường.

Do đặc thù Đồng Nai là địa phương có đông công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nên việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp là điều rất cần thiết. Công nhân thường xuyên phải làm việc trong nhà máy, ít có điều kiện được tiếp xúc với thông tin báo chí… nên khó nắm được tình hình dịch bệnh và phương pháp phòng tránh.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác nêu rõ đa số trẻ mắc bệnh sởi là do không tiêm chủng hoặc chưa được tiêm. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ là 1 trong 3 tỉnh khu vực phía Nam được đưa vào chương trình tiêm vắcxin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi. Với những trẻ ngoài độ tuổi nêu trên, Cục Y tế dự phòng đề nghị Đồng Nai cân đối mua vắcxin tiêm chủng cho những đối tượng này.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày, bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo.

Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Biểu hiện của bệnh là: Sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Trước đây, hầu hết trẻ em đều mắc sởi, tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin sởi trong nhiều năm qua đã khống chế thành công bệnh sởi.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin là bền vững. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng từ 6-9 tháng sau khi ra đời.../.