Kết hợp nguồn ngân sách trung ương và địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020
Thời gian qua, nhờ triển khai và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản trong lĩnh vực dân số, bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… Để tiếp tục làm tốt công tác dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như duy trì và củng cố các thành tích đã đạt được trong lĩnh vực này, ngày 31-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1125/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình). Cơ quan quản lý Chương trình là Bộ Y tế; cơ quan phối hợp là các bộ, ngành và các địa phương liên quan.
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 được xây dựng và phê duyệt trên cơ sở 04 Chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực Y tế - Dân số giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, khác với các Quyết định phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia lĩnh vực Y tế giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 1125/QĐ-TTg không chỉ quy định mục tiêu, chỉ tiêu mà quy định cả các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình và nhiệm vụ chi từ các nguồn kinh phí.
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 được triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Chương trình góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu, phòng chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình được triển khai nhằm duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng…
Đồng thời, Chương trình sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 26 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và một số dự án khởi công mới phù hợp với định hướng phát triển của ngành, ưu tiên các tỉnh có khó khăn, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
8 dự án thành phần
Chương trình gồm 8 dự án: Dự án 1 “Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến”; Dự án 2 “Tiêm chủng mở rộng”; Dự án 3 “Dân số và phát triển”; Dự án 4 “An toàn thực phẩm”; Dự án 5 “Phòng chống HIV/AIDS”; Dự án 6 “Bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học”; Dự án 7 “Quân dân y kết hợp” và Dự án 8 “Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế”.
Dự án 1: Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhằm mục tiêu chủ động phòng chống một số dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm. Khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh, tật lứa tuổi học đường.
Dự án 2: Tiêm chủng mở rộng, với mục tiêu giữ vững các kết quả đã đạt được tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắc xin phòng ngừa; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng.
Dự án 3: Dân số và phát triển xác định mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số về thể chất nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Củng cố, phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng; quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Giảm tử vong và tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, thu hẹp chênh lệch các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền trong cả nước.
Dự án 4: An toàn thực phẩm, nhằm mục tiêu chung: Kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Dự án 5: Phòng, chống HIV/AIDS xác định nhiệm vụ khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020; giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm.
Dự án 6: Bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học nhằm bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học.
Dự án 7: Quân dân y kết hợp, xác định mục tiêu chung: Tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng trọng điểm quốc phòng an ninh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao; tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp.
Dự án 8: Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế, nhằm mục tiêu theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá bảo đảm thực hiện Chương trình hiệu quả. Triển khai các hoạt động truyền thông y tế, chủ động góp phần phòng, chống bệnh tật nâng cao sức khỏe người dân và cộng đồng.
Những điểm mới về kinh phí và sử dụng kinh phí
Kinh phí thực hiện Chương trình: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 19.380 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 20.413 tỷ đồng), trong đó, từ ngân sách nhà nước: Vốn đầu tư phát triển: 607 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.640 tỷ đồng); Vốn sự nghiệp: 8.913 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết: 5.000 tỷ đồng; Vốn ODA và viện trợ: 4.360 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác: 500 tỷ đồng.
Để hướng dẫn thực hiện Chương trình, ngày 21-3-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 07-5-2018. Theo đó, có những điểm mới về quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 như quy định các nhiệm vụ chi từ nguồn kinh phí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.
Thông tư số 26/2018/TT-BTC chỉ quy định các nội dung và mức chi để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg. Những nội dung và mức chi đã quy định tại các Thông tư hướng dẫn các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số trong giai đoạn 2011-2015 nhưng giai đoạn 2016-2020 không được quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg thì không tiếp tục quy định tại Thông tư số 26 (gồm: mua màn chống muỗi cho hoạt động phòng, chống sốt rét, chi đặc thù hỗ trợ cán bộ y tế làm các xét nghiệm thực hiện hoạt động phòng, chống sốt rét và sốt xuất huyết trong chiến dịch, chi đặc thù cán bộ y tế lập phiếu sàng lọc bệnh nhân tâm thần, lập bảng phỏng vấn, lập bệnh án cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, chi hỗ trợ Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, chi tăng cường năng lực các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS).
Các nội dung chi giai đoạn 2011-2015 chi từ nguồn ngân sách trung ương như: Mua vật tư tiêm chủng (trừ bơm kim tiêm và hộp an toàn), phương tiện tránh thai; vật tư, trang thiết bị, hóa chất thông dụng của Chương trình; chi tiêu hủy bơm kim tiêm, phương tiện tránh thai, thuốc, vắc xin, mẫu bệnh phẩm, vật tư, hóa chất hết hạn sử dụng, chất thải độc hại thuộc Chương trình.
Hỗ trợ chi phí đi lại cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo đến kiểm tra tình trạng bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa từ tuyến huyện trở lên.
Chi hỗ trợ cán bộ y tế, dân số; thù lao cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên (trong đó bao gồm cán bộ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số, nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS).
Chi xây dựng, duy trì, cập nhật hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của các Dự án tại địa phương.
Chi tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, quản lý, kiểm tra, giám sát của địa phương sẽ do ngân sách địa phương bố trí để thực hiện.
Về nguyên tắc xác định mức chi, Thông tư số 26/2018/TT-BTC quy định, đối với các nhiệm vụ đã có quy định nội dung và mức chi tại các văn bản hiện hành thì nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại các văn bản hiện hành.
Đối với nội dung chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, nội dung thuộc nhiệm vụ chi của cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương: Mức chi bằng khoảng 1,3 lần mức chi quy định tại các Thông tư hướng dẫn Chương trình giai đoạn 2011-2015 theo tốc độ tăng CPI năm 2018 so với năm 2012, 2013. Riêng một số nội dung chi giai đoạn 2011-2015 quá thấp, chưa phù hợp với thực tế như trả công người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét và sốt xuất huyết, Thông tư đã điều chỉnh tăng bằng 1,5 lần mức cũ.
Đối với các nội dung chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Mức chi giữ nguyên như của giai đoạn 2011-2015. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh xem xét, trình HĐND cùng cấp quyết định mức chi cao hơn để hỗ trợ cán bộ y tế, cộng tác viên và các nội dung hoạt động của Chương trình thuộc phạm vi chi của ngân sách địa phương.
Trong giai đoạn 2011-2015, để đạt được mục tiêu của Chương trình, kinh phí chủ yếu được bố trí từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016-2020, kinh phí Trung ương chủ yếu bố trí cho các hoạt động ưu tiên gồm: Vắc xin, vật tư tiêm chủng, thuốc, hóa chất, phương tiện tránh thai, chi cho công tác an toàn thực phẩm… Các hoạt động chuyên môn khác (khám sàng lọc, tư vấn xây dựng mô hình điểm, quản lý đối tượng, biên soạn tài liệu, diễn tập, triển khai chiến dịch…) giảm tối đa kinh phí thực hiện do khả năng ngân sách hạn chế và chuyển một số nhiệm vụ do ngân sách địa phương đảm bảo.
Các địa phương cần bố trí cân đối đủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nguồn ngân sách nhà nước lĩnh vực y tế (giảm chi trực tiếp của ngân sách nhà nước cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; dành nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tăng chi y tế dự phòng và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách khác trong lĩnh vực y tế), bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương quy định tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Các địa phương cần quan tâm xây dựng dự toán chi từ ngân sách địa phương bảo đảm hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu không thuộc đối tượng được xét chuyển nguồn sang năm sau. Vì vậy, năm nay (năm 2018), các dự án phải triển khai hết các nhiệm vụ được giao (kể cả ngân sách năm 2017 chuyển sang). Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi theo qui định định mức phân bổ theo hướng: Dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng và khoảng 30-40% cho trạm y tế xã…./.
Quyết sách mới cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2  (20/09/2018)
Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi  (20/09/2018)
Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi  (20/09/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 17 đến ngày 23-9-2018)  (19/09/2018)
Mấy khía cạnh lý luận về dân vận, công tác dân vận  (19/09/2018)
Mấy khía cạnh lý luận về dân vận, công tác dân vận  (19/09/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay