Học tập tấm gương đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

Vũ Đại Thắng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
18:43, ngày 07-03-2023

TCCS - Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc. Đồng chí đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình tấm gương sáng, tình cảm sâu sắc cùng những kinh nghiệm quý, giúp tỉnh Quảng Bình vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

1- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), được dìu dắt bởi những đảng viên trung kiên đầu tiên của quê hương Quảng Trạch, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến với cách mạng bằng sự nhiệt huyết và tình yêu quê hương đất nước trước cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược. Giai đoạn 1938 - 1948, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà và gây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Năm 1950, đồng chí được điều động về nhận công tác và lần lượt kinh qua các chức vụ tại cơ quan Tổng cục Chính trị. Trải qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như sau ngày đất nước thống nhất trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”, tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh và cho đến khi nghỉ hưu, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn phát huy phẩm chất ngời sáng của người cộng sản kiên trung, người lính cụ Hồ, để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp. Phẩm chất sáng ngời của người lính cụ Hồ và dấu ấn sâu sắc nhất, nổi bật nhất khiến ông trở thành huyền thoại thể hiện rõ nét trong những năm tháng khi ông đảm nhận nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào từ năm 1967 đến tháng 5-1976.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long, cầu hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (năm 1983)_Ảnh: TTXVN

Dấu ấn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã khắc ghi trên từng cung đường, từng trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Đồng chí đã để lại trong lòng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội tham gia lao động, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn một tình yêu thương, lòng kính trọng vô bờ bến. Trên cương vị là Tư lệnh Đoàn 559, với tinh thần táo bạo, kịp thời, sâu sát với thực tiễn, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đưa tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn trở thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc bắc - nam, đông - tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; nhiều trục ngang nối 2 sườn đông - tây, nối các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với tổng chiều dài lên đến 17.000km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km, đường sông dài 600km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350km. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã thực hiện thắng lợi vai trò chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, thỏa mãn yêu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to, thắng lớn. Đặc biệt, tuyến đường đã góp phần rất quan trọng vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh giải phóng miền Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng cao đẹp trong trang sử hào hùng của dân tộc. Huyền thoại về đường Trường Sơn mãi trường tồn trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên sẽ mãi là một phần không thể thiếu của Trường Sơn huyền thoại - một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người đảng viên cộng sản kiên trung, gương mẫu, thẳng thắn, trung thực, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trên mọi cương vị chiến đấu, công tác và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự thao lược, quyết đoán, gan dạ, mưu trí trong lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường, các mặt trận. Đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là một cán bộ có tầm tư duy chiến lược, sâu sát thực tế, rất sắc sảo trong chỉ đạo. Khi được giao phụ trách bất kể lĩnh vực nào, từ chỉ huy tham mưu, chính trị, hậu cần, kinh tế đồng chí đều có những phát hiện, đổi mới mang tính chiến lược. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị chỉ huy dũng cảm, một tư lệnh chiến trường tài năng xuất chúng, nhưng rất bình dị, gần gũi với những câu chuyện đã trở thành giai thoại, như quá trình xây dựng “Đường kín” Tây Trường Sơn - một kỳ tích của quân và dân ta.

2- Đối với quê hương Quảng Bình, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, là địa bàn chịu nhiều bom đạn đánh phá của đế quốc Mỹ, đồng thời cũng là nơi có vai trò quan trọng trên tuyến vận tải Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên nhận được sự theo dõi, chỉ đạo sâu sát của vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nhiều lần về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Bình. Trong những lần về thăm quê hương và những lần đoàn cán bộ của tỉnh đến thăm đồng chí, đồng chí đều có những lời chỉ bảo, căn dặn, ý kiến đóng góp tâm huyết đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị để từng bước xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Khắc ghi những lời căn dặn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Bình theo các mục tiêu mà đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đề ra. Đến nay, sau gần 34 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kinh tế đi vào ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhất là trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cố môi trường biển, dịch bệnh COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt trên 6%/năm, riêng năm 2022 đạt gần 8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm, nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế được hình thành. Ngành du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thương hiệu du lịch tỉnh Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, năm 2022, du lịch tỉnh Quảng Bình đã chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, nhanh chóng phục hồi, phát triển trong điều kiện mới, tổng lượng khách du lịch đạt hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.

Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, thu ngân sách đạt khá, xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng. Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, tỉnh Quảng Bình ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác an sinh xã hội được quan tâm. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được triển khai tích cực, toàn diện. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Trung ương và trên cơ sở thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã đề ra những chủ trương đúng đắn, có những bước đi và biện pháp thích hợp để xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh bước đầu đạt kết quả quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ. Tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên(1). Công tác nội chính, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường; công tác dân vận có nhiều đổi mới...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình_Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định, đến nay tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và diện mạo, với những kết quả toàn diện, tích cực, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên. Kinh tế của tỉnh còn gặp một số thách thức về hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển bền vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, điều hành của chính quyền cơ sở có việc còn thiếu nhạy bén, chủ động. Tính chủ động, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cán bộ, công chức có mặt chưa cao. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao... Những hạn chế nói trên đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà những nhiệm vụ nặng nề trong thời gian tới, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa với các giải pháp thiết thực để khắc phục trên con đường phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Học tập tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; phát huy truyền thống của quê hương và những thành quả đã đạt được để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-1-2012, “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2018, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,” gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””. Trong đó, chú trọng đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cốt cán có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đề cao ý thức đổi mới sáng tạo trên cơ sở sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện các nghị quyết chuyên đề, các khâu đột phá của tỉnh. Tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; đưa công nghiệp, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và mũi nhọn; tập trung xây dựng các khu kinh tế, nhất là khu kinh tế Hòn La sớm trở thành khu kinh tế tổng hợp trong vùng kinh tế động lực nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, nhất là về hạ tầng giao thông, điện lưới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã. Quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hợp tác xã và đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Thực hiện quyết liệt, bứt phá, đổi mới sáng tạo các giải pháp xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Huy động tổng hợp các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư các dự án lớn có tính lan tỏa, tạo thành chuỗi sản xuất có giá trị và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững.

Thứ ba, tiếp tục chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát hiện, đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài; phát huy có hiệu quả vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia. Xây dựng cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài gắn với khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa để văn hóa thực sự đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng; quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, những địa bàn khó khăn, người có công, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư có chất lượng, tạo việc làm có năng suất, mang lại thu nhập cao và cơ hội nghề nghiệp tốt cho người lao động; phát huy vai trò của kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03-6-2017, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chú ý hơn nữa trong phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã nhằm tạo nhiều việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho người dân; tăng cường hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển rừng; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo; không ngừng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, góp phần tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các doanh nghiệp, người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống, triệt phá các loại tội phạm; bảo đảm an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ... Tăng cường công tác đối ngoại, nhất là quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Học tập tấm gương sáng ngời của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình càng nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm, phát huy truyền thống của quê hương, con người Quảng Bình, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nguyện nêu cao tinh thần vượt khó vươn lên, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo./.

------------------------

(1) Năm 1989, từ hơn 25 nghìn đảng viên đến nay Đảng bộ tỉnh đã có hơn 76 nghìn đảng viên