Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến 26-5-2019

Minh Huệ tổng hợp
21:48, ngày 27-05-2019
TCCSĐT - Các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; Bộ Nội vụ thông tin một số kết quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức năm 2018; PAR INDEX 2018: Đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương; Bến Tre hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh; Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; Bình Phước phát động cuộc thi "Sáng kiến cải cách hành chính"; là những tin nổi bật tuần qua.

Tạo bứt phá cải cách hành chính

Để tạo “bứt phá” trong hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và từng thành viên tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra chuyên ngành…

Thứ hai, tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, phản ánh về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. Trong đó lưu ý các ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương; trong đó, tập trung vào đánh giá theo chuyên đề, ví dụ: chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề đánh giá về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp (nghiên cứu, bổ sung đánh giá về chi phí không chính thức, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc), bảo đảm khách quan, hiệu quả, thực chất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố, công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Thứ tư, chủ động tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện đúng và trúng những vấn đề đang là nút thắt, rào cản, đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trong đó tập trung giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh… để lan tỏa tinh thần cải cách, tạo động lực mới tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng phát triển đất nước.

Một số kết quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, thực hiện chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở), có 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng. Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo việc thực hiện thí điểm của 14 cơ quan Trung ương và 15 địa phương. Qua tổng hợp báo cáo của 14 cơ quan Trung ương, có 9 cơ quan đã tổ chức thi tuyển với 30 vị trí; 13/15 địa phương đã tổ chức thí điểm thi tuyển với 109 vị trí.

Trong tổng số 284.668 công chức được đánh giá, phân loại, có 76.695 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 26,94%); 197.377 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 69,34%); 6.732 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (chiếm 2,36%) và không hoàn thành nhiệm vụ có 1.690 người (chiếm 0,59%). Đối với viên chức, có 1.104.393 người được đánh giá, phân loại, trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 300.866 người (chiếm 27,24%), hoàn thành tốt nhiệm vụ 740.792 người (chiếm 67,08%); hoàn thành nhiệm vụ 70.042 người (chiếm 6,34%); không hoàn thành nhiệm vụ 4.244 người (chiếm 0,38%).

Thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, đến nay, số lượng vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức; cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 125 tổ chức, tăng 7 tổ chức; tổng cục và tổ chức tương đương là 29 tổ chức, tăng 2 tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, theo đó, số lượng ban (vụ) thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là 52 tổ chức, giảm 1 tổ chức; đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ là 154 tổ chức, giảm 37 tổ chức.

Đối với các tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, so với Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, tăng 2 tổng cục. Như vậy, số vụ và tương đương thuộc tổng cục hiện là 219 tổ chức, tăng 6 tổ chức; cục thuộc tổng cục là 102 tổ chức, tăng 2 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục là 128 tổ chức, tăng 5 đơn vị.

Tính đến năm 2019 (biên chế khối Chính phủ quản lý) đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015. Tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương giảm 3,87% so với năm 2015.

PAR INDEX 2018: Đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương

Theo kết quả PAR INDEX 2018 được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 24-5, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 82,68% và không bộ nào có kết quả Chỉ số dưới 70%; trong đó, có tới 14 bộ, ngành có Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Tuy nhiên, chỉ có 8 bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cao nhất với kết quả là 90,57%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả thấp nhất với giá trị 75,13%. Khoảng cách giữa hai cơ quan này là 15,44% (năm 2017, khoảng cách này là 20,23%).

So sánh giá trị Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 với năm 2017 cho thấy, có 15 đơn vị tăng điểm số so với Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,11% (từ 72,61% năm 2017 lên 80,72% năm 2018). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 và cũng là năm thứ 4 liên tiếp trụ vững ở ngôi vị này, tuy nhiên, điểm số của ngành này năm 2018 đã giảm 1,79% so với năm 2017 và 2,11% so với năm 2016.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, không có chỉ số thành phần nào đạt trên 90%. Chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt giá trị trung bình cao nhất là 88,14%. Ngoài ra, các chỉ số thành phần: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính có giá trị trung bình trên 80%. Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ có giá trị trung bình thấp nhất, 75,26%.

Tại lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tiếp tục cho thấy một số bộ, ngành còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy; về thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; về đánh giá, phân loại công chức, viên chức.

Cải cách thủ tục hành chính mặc dù điểm số đã tăng đáng kể, từ 76,30% năm 2017 lên 81,78% năm 2018, tuy nhiên, kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cho thấy các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai thủ tục và tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn theo quy định.

Về phía địa phương, bảng xếp hạng kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 không có quá nhiều sự thay đổi ở nhóm 5 đơn vị dẫn đầu so với năm 2017. Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%. Không chỉ là nơi khởi nguồn và lan tỏa các sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính (thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ năm 2012), Quảng Ninh còn là đơn vị luôn đi đầu trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Trung ương giao như triển khai các mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử, vận dụng sáng tạo mô hình đối tác công tư - PPP.

Đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 là thành phố Hà Nội đạt 83,98%. Đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là Đồng Tháp (83,71%). Vị trí thứ 4 thuộc về Đà Nẵng (83,70%) và thứ 5 là Hải Phòng (đạt 83,68%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính những năm gần đây.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt Chỉ số cao hơn mức trung bình, trong đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả trên 70%. Đáng chú ý, năm 2018 không có địa phương đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19,53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29,76%).

Bến Tre hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh

Chiều 23-5, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố quyết định thí điểm hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho rằng, việc sáp nhập các tổ chức Đảng có chức năng tương đồng với nhau, làm cho các tổ chức Đảng hợp lý hơn, khoa học hơn, phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Bến Tre về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và các nhiệm vụ chuyên môn trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo yêu cầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh khẩn trương ổn định về tổ chức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm chung của hai đơn vị trước đây để khẩn trương xây dựng Nghị quyết Đảng ủy sát hợp với nhiệm vụ và tình hình thực tiễn. Việc xây dựng Nghị quyết trên tinh thần hợp nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của 2 Đảng bộ khối trước đây để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã đề ra.

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trực thuộc Đảng bộ tỉnh Bến Tre có 104 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc.

Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính

Ngày 20-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp như: Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan đơn vị, tiếp tục rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh khẩn trương rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy; khẩn trương hoàn thành danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tuyển công chức - viên chức phù hợp với năng lực, tiêu chuẩn đã được phê duyệt. Các cơ quan tổ chức tiếp nhận, giải quyết, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý đúng quy trình, không làm kéo dài thời gian, giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân khi xảy ra trễ hẹn tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường sự tham gia, đóng góp của người dân, doanh nghiệp vào tiến trình cải cách…

Để thực hiện nghiêm các giải pháp trên, Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện cải cách hành chính tại đơn vị mình, kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Căn cứ Chỉ số cải cách hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chấn chỉnh các hạn chế, nâng cao điểm số, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức…

Trong tháng 3-2019, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của nội dung này nhằm theo dõi, đánh giá khách quan, chính xác và công bằng việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh…

Phát động cuộc thi "Sáng kiến cải cách hành chính"

Ngày 21-5, UBND tỉnh Bình Phước đã phát động cuộc thi "Sáng kiến cải cách hành chính", triển khai xuống các cấp, thông qua việc xây dựng clip và bài viết về cải cách hành chính tại các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, cải cách hành chính là đòi hỏi cấp thiết từ các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để thực thi với kinh nghiệm, hiệu quả cao nhất. Theo đó, cần tìm những sáng kiến tốt nhất để đưa vào phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cuộc thi được triển khai tại các cấp cơ sở để tìm ra những sáng kiến phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao ứng dụng vào công việc hiện nay.

Nội dung về phần thi sáng kiến gồm thi viết đề tài sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tùy tình hình thực tế, từng cơ quan, đơn vị chọn đề tài ở các nội dung cải cách hành chính cho phù hợp.

Tiêu chí cuộc thi yêu cầu phải có tính mới; mang lại hiệu quả hơn so với giải pháp đang thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương và trong phạm vi tỉnh Bình Phước.

Phần thi tuyên truyền bằng hình thức quay video, clip tuyên truyền về cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương (thời gian tối đa 10 phút).

Về cơ cấu giải thưởng, sẽ có một giải Nhất trị giá 3 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 2,5 triệu đồng; một giải Ba trị giá 2 triệu đồng; 2 giải Khuyến khích 1,5 triệu đồng/giải. Một giải bài thi viết “Đề tài sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hay nhất” trị giá 1 triệu đồng; một giải “Video, clip tuyên truyền về cải cách hành chính hay nhất” trị giá 1 triệu đồng.

Bài dự thi của các cơ quan, đơn vị gửi về Ban tổ chức cuộc thi Cơ quan thường trực Sở Nội vụ trước ngày 25-9-2019./.