Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến 25-11-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
16:01, ngày 26-11-2018
TCCSĐT - Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mạnh tay cắt giảm các thủ tục kinh doanh, Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, TP. Hồ Chí Minh chấm dứt thực hiện báo cáo bằng văn bản giấy, Hà Tĩnh loại bỏ thủ tục rườm rà gây khó người dân và doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách dịch vụ hành chính công, là những tin nổi bật tuần qua.

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Cụ thể, Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Theo đó, thay vì quy định cụ thể điều kiện trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên, Nghị định 150 chỉ quy định, trụ sở của nhà xuất bản có diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.

Nghị định số 150/2018/NĐ-CP cũng đơn giản hóa điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được sửa đổi như sau: Có máy chủ đặt tại Việt Nam; có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử...

Về tiêu chuẩn nhân lực kỹ thuật để điều hành, quản lý quá trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, Nghị định 150/2018/NĐ-CP chỉ quy định nhân lực kỹ thuật phải được đào tạo về công nghệ thông tin và bỏ điều kiện về thâm niên công tác.

Về biện pháp kỹ thuật quy định tại điểm b Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 45 Luật Xuất bản, Nghị định 150/2018/NĐ-CP yêu cầu phải có giải pháp kỹ thuật chống xâm nhập trái phép qua hệ thống mạng Internet.

Nghị định 150/2018/NĐ-CP cũng đơn giản hóa điều kiện thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài với việc bỏ điều kiện phải có địa điểm làm trụ sở văn phòng đại diện.

Bên cạnh đó, Nghị định 150/2018/NĐ-CP cũng bãi bỏ đa số các quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đã được nêu tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06-11-2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, chỉ quy định chung điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và bãi bỏ các điều kiện cụ thể về năng lực của chủ trì thiết kế sơ bộ; năng lực của tổ chức tư vấn lập dự án; năng lực của cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án; năng lực của tổ chức tư vấn quản lý dự án; năng lực của chủ trì khảo sát...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mạnh tay cắt giảm các thủ tục kinh doanh

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mạnh tay cắt giảm 69% điều kiện kinh doanh và giảm mạnh danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (giảm trên 76%).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện quy định có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, Bộ đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP, sửa và giảm 131/170 điều kiện.

Từ 01-01-2019 tới đây, khi Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản có hiệu lực và các nghị định hướng dẫn được ban hành, các điều kiện còn lại sẽ tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán của Bộ, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.

Không chỉ giảm các “giấy phép con”, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuất nhập khẩu của Bộ cũng giảm mạnh. Đầu năm 2017, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng.

Năm 2018, Bộ tiếp tục rà soát cắt giảm. Ngày 30-10-2018, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT bao gồm 02 danh mục: danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng; danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng. Như vậy, tỷ lệ cắt giảm lên tới trên 76%. Điều này đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị "Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc, nếu không cải cách sẽ thụt lùi so với các ngành khác. Trong cải cách thủ tục hành chính thì tư tưởng phải thay đổi, tinh thần tích cực, minh bạch, lập các đương dây nóng để giải quyết kịp thời. Cuối năm 2018, tổ công tác của Chính phủ sẽ quay lại kiểm tra toàn bộ công tác cải cách của Bộ. Do vậy, các đơn vị trong bộ phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.

Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 31-10, kết quả tiếp nhận xử lý giải quyết hồ sơ cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 239.671 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 216.375 hồ sơ; đang tiếp tục xử lý 23.296 hồ sơ. Số lượng hồ sơ điện tử các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia nhiều hơn cả năm 2017 là 17.979 hồ sơ (tăng 8,1%). Dù tiếp nhận số lượng hồ sơ tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng việc xử lý, giải quyết cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử vẫn được đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y Vùng II, Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài…đạt trên 98% hồ sơ cấp phép điện tử.

Theo số liệu chính thức tại Hội nghị Công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 02-5-2018 tại Hà Nội, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự bứt phá trên bảng xếp hạng, từ vị trí 13 lên số 7 (82.40 điểm) trong tổng số 19 bộ và cơ quan ngang bộ.

Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính

Chiều 22-11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận Hà Nội đã tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều tích cực, quy mô diện mạo hiện đại, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch đã có nhiều tiến bộ. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng của thành phố đã phát triển vượt bậc, một loạt công trình hạ tầng giao thông, kết nối trung tâm như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp… được hình thành. Trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến, phát triển đô thị theo quy hoạch và dự án đầu tư theo phê duyệt công khai, minh bạch hơn, kiểm soát chặt hơn, thanh tra tốt hơn. Các vấn đề người dân bức xúc và dư luận quan tâm đã được thành phố giải quyết rất tốt.

Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện tốt việc tinh giản biên chế và sắp xếp bộ máy, cách cách thủ tục hành chính. Thành phố đã thực hiện 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người, chuyển nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, cắt giảm nhiều biên chế hưởng lương từ ngân sách. Nhờ đó, chi phí thường xuyên của thành phố giảm nhiều so với trước kia. Vấn đề xã hội hóa với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp được thực hiện tốt. Hoạt động đối ngoại của thành phố mang tầm vóc mới.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao hiệu quả và cải cách của trung tâm dịch vụ công ở Hà Nội nhưng lưu ý rằng mong muốn của người dân rất nhiều, đặc biệt là hồ sơ online và chạy trên nền điện tử, nhận và xét, trả hồ sơ sao cho nhanh nhất.

Tổ trưởng Tổ công tác nhìn nhận, "hồ sơ toàn ký mực tươi thế này không ổn, phải tất cả trên nền điện tử, từng phút, từng giây, ai xử lý thế nào đều phải được lưu dấu vết. Thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng hơn nữa, cắt giảm thời gian và chi phí. Phải mạnh mẽ tham gia chống tiêu cực, tham nhũng vặt”.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý cán bộ sách nhiễu; xử lý kiên quyết các vụ việc sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

TP. Hồ Chí Minh chấm dứt thực hiện báo cáo bằng văn bản giấy

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện về việc chấm dứt thực hiện báo cáo bằng văn bản giấy đối với báo cáo định kỳ và đánh giá chỉ số cải cách hành chính.

UBND thành phố chỉ đạo sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện phần mềm báo cáo. Đồng thời, yêu cầu quán triệt công tác cải cách hành chính gắn với nội dung công tác dân vận của chính quyền. Đặc biệt là tại các đơn vị trực thuộc và UBND các phường, xã, thị trấn; quán triệt, tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho các cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, tập trung đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục cho cá nhân, tổ chức.

Theo đó, các cơ quan đã kết nối phần mềm quản lý và báo cáo, từ nay chấm dứt thực hiện báo cáo bằng văn bản giấy đối với báo cáo định kỳ và đánh giá chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành, UBND quận, huyện. Trong năm 2019, thực hiện lập và ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính trực tiếp trên phần mềm quản lý và báo cáo công tác cải cách hành chính, không ban hành bằng văn bản giấy.

Đây là một trong những bước đột phá của TP. Hồ Chí Minh trong thời đại 4.0, góp phần giải quyết nhanh công việc và tiết kiệm kinh phí.

Hà Tĩnh loại bỏ thủ tục rườm rà gây khó người dân và doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công tỉnh 4.013 hồ sơ, trong đó có 700 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý qua mạng. Trong số 4.013 hồ sơ được tiếp nhận, có 3.966 hồ sơ đã xử lý và trả kết quả trước hoặc đúng hạn; còn lại 47 hồ sơ đang xử lý trong hạn.

Không chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ kịp thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn xây dựng phương án rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong thẩm quyền giải quyết của Sở.

Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND ban hành Quyết định số 853 ngày 02-4-2018 của UBND tỉnh về thay đổi quy trình nộp hồ sơ. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ trực tiếp nộp hồ sơ sang UBND tỉnh và là đầu mối duy nhất tiếp nhận, trả kết quả cuối cùng là quyết định.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục và nội dung thủ tục hành chính được chuẩn hoá thuộc phạm vi quản lý của ngành, đề xuất giải pháp cải tiến quy trình, phương thức, thời gian giải quyết.

Những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã loại bỏ những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính cũng như cải thiện môi trường để thu hút đầu tư cho tỉnh nhà.

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách dịch vụ hành chính công

Trong năm 2017 và đầu năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rất thành công mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công các cấp (PVHCC). Bao gồm Trung tâm PVHCC cấp tỉnh và 9 trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai mô hình một cửa hiện đại cấp xã nhằm xây dựng mô hình thống nhất, đồng bộ từ các cấp.

Với sự đồng bộ hệ thống liên thông thủ tục từ cấp xã đến cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã giúp các cấp lãnh đạo giám sát, theo dõi cụ thể và đôn đốc quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị chuyên môn.

Triển khai mô hình TTHCC các cấp đã đạt được 3 mục tiêu. Thứ nhất, đảm bảo người dân chỉ nộp hồ sơ và nhận hoàn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một địa điểm duy nhất nhằm quản lý thống nhất, đồng bộ việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Thứ hai là đảm bảo số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận tại trung tâm, hướng tới những thành phần hồ sơ này không cần phải nộp lại khi công dân, tổ chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm Hành chính công ở lần tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh...; Thứ ba, đảm bảo việc giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả thủ tục hành chính nhanh, gọn, công khai minh bạch, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như đánh giá mức độ hài lòng, các chỉ số, năng lực cạnh tranh của địa phương... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho chính quyền địa phương giám sát, đôn đốc, theo dõi một cách khách quan, độc lập..../.