Thành phố Cần Thơ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng tầm đội ngũ cán bộ các cấp
TCCSĐT - Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cấp thành phố đến cơ sở đạt chuẩn.
Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị Trung ương về công tác cán bộ, ngày 18-5-2012, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “Về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn” (viết tắt là Nghị quyết số 10-NQ/TU). Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và kịp thời có văn bản cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình thực tế của từng đảng bộ, cơ quan, đơn vị.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2020. Có 05/09 quận, huyện đã ban hành nghị quyết về thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; hầu hết các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý.
Qua 05 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy, hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.
Đào tạo theo hướng chuẩn hóa; hạn chế đào tạo tràn lan, không đúng đối tượng, không đúng yêu cầu
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tập trung vào 03 nhóm đối tượng: Một là, những cán bộ thuộc chức danh lãnh đạo, quản lý đã được bổ nhiệm, bố trí nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định; hai là, những cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực công tác đạt chuẩn và trên chuẩn cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện toàn diện cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… theo từng chức danh, ngạch, bậc, đáp ứng yêu cầu của từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị và vị trí việc làm, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu sau đại học để có đội ngũ cán bộ giỏi trên từng ngành, lĩnh vực.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, thành phố chi từ ngân sánh nhà nước gần 116 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho 69.348 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Về đào tạo chuyên môn: Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã cử 4.907 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn trong nước và nước ngoài. Thành phố chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân và các chức danh công chức xã, phường, thị trấn; đào tạo sau đại học nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có trình độ cao phù hợp với sự phát triển của thành phố.
Về đào tạo lý luận chính trị: Đối tượng được tập trung đào tạo là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ dự nguồn. Việc tuyển chọn, cử cán bộ đi đào tạo được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy trình. Trong 05 năm qua, toàn thành phố có 998 cán bộ, đảng viên được cử đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị (hệ tại chức và hệ tập trung); các cấp ủy, tổ chức đảng đã cử 7.707 cán bộ, đảng viên học các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 1.233 cán bộ, đảng viên học các lớp sơ cấp chính trị.
Về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: Thành phố đã cử 283 cán bộ, đảng viên đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng; 248 cán bộ, đảng viên đào tạo, bồi dưỡng, học tập ở nước ngoài; 4.138 cán bộ, đảng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước; 13.196 cán bộ, đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác. Ban Thường vụ Thành ủy phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực II tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 232 cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 03. Sở Nội vụ và Trường Chính trị thành phố đã phối hợp mở 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho 26.031 lượt cán bộ, công chức các ngành và các đoàn thể.
Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh: Cán bộ được cử đi bồi dưỡng theo đối tượng và số lượng phân bổ hằng năm của Hội đồng quốc phòng - an ninh các cấp. Trong 05 năm, thành phố đã cử 13.445 lượt cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh tại Học viện Quốc phòng, Trường Quân sự Quân khu 9, Trường Quân sự thành phố. Ngoài ra, các ngành, địa phương còn tổ chức bồi dưỡng cho 6.413 cán bộ thuộc đối tượng 4 và 4.745 cán bộ thuộc đối tượng 5.
Về công tác luân chuyển cán bộ: Từ năm 2012 - 2017, thành phố đã thực hiện luân chuyển 257 cán bộ; trong đó, luân chuyển dọc từ trên xuống 156 cán bộ, từ dưới lên 49 cán bộ; luân chuyển ngang 52 cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ đã tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ qua thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của thành phố.
Về thực hiện chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng: Ngoài việc thực hiện tốt các quy định chung của Đảng và Nhà nước, thành phố còn quy định các chính sách cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã giải quyết cho 811 trường hợp hoàn thành khóa học sau đại học được hưởng chế độ hỗ trợ khuyến khích đào tạo sau đại học, hỗ trợ 32 bác sĩ tuyến thành phố tăng cường về tuyến y tế xã, phường. Ở cấp xã, từ năm 2012 đến nay, có 698 cán bộ, công chức sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo được xét nâng ngạch lương theo quy định và được hưởng lương theo đúng trình độ đã được đào tạo.
Về tuyển dụng, thu hút cán bộ, công chức, viên chức: Hàng năm, các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thi tuyển công chức, viên chức báo cáo về cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch thi tuyển, tuyển dụng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã tổ chức 03 kỳ thi tuyển công chức, 03 kỳ thi nâng ngạch công chức hành chính. Năm 2014, thành phố tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại 03 đơn vị sự nghiệp. Việc phân công, bố trí, sử dụng công chức, viên chức sau tuyển dụng được thực hiện theo trình độ năng lực, vị trí việc làm và hầu hết các công chức, viên chức đều tiếp cận nhanh với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết quả bước đầu và bài học kinh nghiệm
Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể là:
Về trình độ chuyên môn: có 17.801 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên, chiếm 62,35% số cán bộ, công chức, viên chức. Về trình độ lý luận chính trị: 11.711 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, chiếm 40,03%. Về bồi dưỡng quản lý nhà nước: có 17.136 cán bộ, công chức, viên chức đã được bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên, chiếm 60,03%. Về trình độ ngoại ngữ: 17.964 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ cao đẳng, đại học và trình độ B, C trở lên, chiếm 62,93%. Về trình độ tin học: 20.196 cán bộ, công chức, viên chức, chiếm 70,74%, có trình độ cao đẳng, đại học và trình độ A, B.
Đến cuối năm 2017, toàn thành phố có 25.826/28.546 cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cấp xã) đạt chuẩn theo quy định, chiếm 90,47% (tăng 24,68 % so với trước khi có Nghị quyết số 10-NQ/TU). Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về chuyên môn chiếm 98,13%; đạt chuẩn về chính trị 98,40%.
Nhìn chung, theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, 05 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập trung theo hướng chuẩn hóa, gắn với công tác quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng cần thiết khác; số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực thành phố có bước phát triển mới; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ khoa học - kỹ thuật, chuyên môn sâu, tay nghề cao ngày càng tăng, phục vụ khá tốt yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hầu hết các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác giảng dạy cả về lý luận và thực tiễn; thực hiện tốt liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài thành phố; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng cường; kinh phí phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng được phân bổ kịp thời, đúng kế hoạch.
Các trường hợp cử đi đào tạo đều được lựa chọn trên cơ sở quy hoạch, yêu cầu sử dụng và vị trí việc làm, đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn. Hầu hết các cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm học tập; phần lớn cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và sau đào tạo đều nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được bước đầu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các cấp trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đó là:
- Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và sử dụng cán bộ; chưa chú ý việc đào tạo nguồn cán bộ lâu dài, cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đào tạo thiếu cân đối giữa đào tạo lý luận chính trị và chuyên môn; giữa đào tạo chuyên môn với việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Một số nơi vẫn còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ chưa đạt chuẩn theo quy định.
- Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có mặt chưa đồng đều. Một số lĩnh vực còn thiếu cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành như: khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, nông nghiệp, phát triển nông thôn. Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện học tập để có bằng cấp; hoặc còn nặng về học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu tích cực học tập lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học để đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
- Việc tranh thủ học bổng quốc gia, quốc tế còn rất ít, việc huy động các nguồn kinh phí từ xã hội hóa phục vụ cho công tác đào tạo chưa được nhiều, chủ yếu sử dụng ngân sách thành phố.
Những bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của các cấp ủy đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ việc triển khai, quán triệt nghị quyết, các chủ trương, chính sách có liên quan đến việc thể chế hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Thứ hai,, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở bảo đảm về cơ cấu, tiêu chuẩn, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thông thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, nhu cầu chuẩn hóa và phát triển nguồn nhân lực thành phố.
Thứ tư, các đơn vị, địa phương phải chủ động quan hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, mở rộng liên kết, thực hiện đa dạng các hình thức, loại hình đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; quan tâm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời, thực hiện chính sách khuyến khích học tập, trọng dụng người tài, đức và bố trí, sử dụng hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ
Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ và Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Thành ủy về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tập trung lãnh đạo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố theo hướng chất lượng cao, đi đôi với tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng phát huy phẩm chất năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực phát triển có thể mạnh của thành phố. Xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2020 và hằng năm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với công tác quy hoạch cán bộ, bố trí và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả, tránh lãnh phí nguồn nhân lực. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cần toàn diện cả về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, ngoại ngữ, tin học…; đồng thời, chú trọng đào tạo chuyên sâu sau đại học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở những ngành, lĩnh vực mà thành phố cần có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, tăng cường liên kết với các trung tâm đào tạo, học viện, trường của Trung ương thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kết hợp giữa đào tạo chính quy, tập trung với đào tạo không tập trung, giữa dài hạn với ngắn hạn, giữa đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài. Trường Chính trị thành phố và các cơ sở đào tạo của thành phố cần tăng cường phối hợp với các quận, huyện, cơ quan, đơn vị mở các lớp đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ...
Bốn là, thực hiện tốt các chủ trương, quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuyển dụng công chức, viên chức phải xuất phát từ yêu cầu công việc, phù hợp với tiêu chuẩn của vị trí việc làm và yêu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Công tác tuyển dụng phải bảo đảm khoa học, dân chủ, minh bạch và hiệu quả, tuyển chọn đúng những người thật sự có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào công tác tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Song song đó, thường xuyên rà soát, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đúng theo trình độ, năng lực, sở trường, tiêu chuẩn; thực hiện tốt việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng chuẩn, chấm dứt tình trạng bổ nhiệm rồi đào tạo sau.
Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, chương trình giảng dạy, học tập; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho Trường Chính trị thành phố, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện và các cơ sở đào tạo của địa phương; kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phục vụ tốt yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và phát triển nguồn nhân lực của thành phố.
Sáu là, rà soát, bổ sung các chủ trương, quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác. Đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn từ xã hội phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tranh thủ học bổng từ nước ngoài để đào tạo cán bộ khoa học giỏi, chuyên môn đầu ngành, phục vụ tốt cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-6-2018)  (20/06/2018)
Xã hội hóa y tế - tiếp cận từ góc độ tư tưởng Hồ Chí Minh  (20/06/2018)
Thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm  (20/06/2018)
"Nóng" vấn đề liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm  (20/06/2018)
Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (20/06/2018)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm Trung Quốc  (20/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên