Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 02 đến ngày 08-4-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
21:42, ngày 09-04-2018
TCCSĐT - Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2018; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: Giáo phận Hà Nội có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển đất nước; Ngày làm việc đầu tiên, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023; Múa Khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Chính phủ về quản lý vốn; Công an Phú Thọ bắt tạm giam nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh; Đổi mới mô hình Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể theo hướng tinh gọn; Chủ tịch Quốc hội đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Thủ tướng: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay

Sáng 02-4, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Ba dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là phiên họp cuối quý 1, quý đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 với nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.

Phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 1/4 chặng đường của năm 2018, kinh tế xã hội quý 1 tiếp tục tăng trưởng thuận lợi trên các lĩnh vực.

GDP quý 1 2018 cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, gấp đôi cùng kỳ 2017; nông nghiệp tăng 2,08%, lúa xuất khẩu tốt với giá cao, thủy sản tăng trưởng tốt, thị trường được mở rộng. Công nghiệp và xây dựng tăng 9,77%, cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 4,46%. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh đạt gần 14%. Dịch vụ tăng 6,7%, cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, trong đó bán buôn bán lẻ tăng 7,45%.

Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tổ chức được Hội nghị quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến vào kịch bản tăng trưởng 2018, theo hướng phấn đấu đạt ít nhất ở mức 6,7% (cao hơn mức Quốc hội giao 6,5%), cùng với đó là khắc phục yếu kém tồn tại trong quý 1; tạo đà tăng trưởng cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2018

Chiều 02-4, ngày sau phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, đồng thời trả lời câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên báo chí.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ đã diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chính phủ nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật:

- Tăng trưởng GDP Quý I-2018 tăng 7,38%, cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016. Động lực chính của tăng trưởng là 1) ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), 2) ngành chế biến, chế tạo, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% (Quý I: năm 2015 tăng 9,5%; năm 2016 tăng 9,1% và năm 2017 tăng 7,8%); 3) ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); 4) ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

Về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 02 kịch bản: (i) Kịch bản 1: tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới. (ii) Kịch bản 2: tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%. Đây là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được; cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: Giáo phận Hà Nội có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển đất nước

Sáng 02-4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã tới thăm, chúc mừng Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội nhân dịp Lễ phục sinh năm 2018.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chúc Hồng y, các tu sĩ tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội và đồng bào có đạo một mùa Lễ phục sinh an lành, có nhiều niềm tin, hy vọng mới trong cuộc sống. Bà Trương Thị Mai khẳng định: Ban Dân vận Trung ương và Giáo phận Hà Nội có mối quan hệ gần gũi, phối hợp nhiều mặt trong công việc. Thời gian qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế xã hội; đời sống người dân được cải thiện, đặc biệt là đối với người nghèo. Trong những kết quả tích cực đó có sự đóng góp không nhỏ của Giáo phận Hà Nội, Hồng y Phê rô Nguyễn Văn Nhơn cùng đồng bào Công giáo trên địa bàn.

Thay mặt Giáo phận Hà Nội, Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những ghi nhận tích cực của Ban Dân vận Trung ương đối với sự đóng góp của Giáo phận. Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu tiến bộ của đất nước, Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nhấn mạnh: Đồng bào Công giáo thuộc Giáo phận Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, dõi theo và ủng hộ những bước tiến vững chắc của đất nước trên tinh thần chia sẻ, hướng tới tương lai.

Ngày làm việc đầu tiên, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023

Chiều 03-4, tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã tiến hành ngày làm việc đầu tiên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ chính thức khai mạc vào sáng 04-4. Đại hội sẽ có nhiệm vụ tổng kết phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2013 - 2018; quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 - 2023; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa IV, bầu Ban Chấp hành khóa V và bầu đoàn đại biểu Công đoàn Viên chức đi dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Tại Đại hội, các đại biểu tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Tại ngày làm việc đầu tiên, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam đã thảo luận và quyết định các nội dung quan trọng: Thông qua chương trình, quy chế Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; nghe báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức khóa IV; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Văn kiện Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam; tập trung thảo luận, biểu quyết thông qua Đề án nhân sự Ban Chấp hành. Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 đồng chí; Đoàn Thư ký có 3 đồng chí; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 5 đồng chí.

Múa Khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vừa qua, tại Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đã diễn ra Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ lần thứ IV - năm 2018 và đón Bằng công nhận Nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là sự kiện nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.

Ngày hội tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông; khích lệ khả năng sáng tạo các giá trị văn hóa mới; gắn kết nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, đồng thời tạo điểm nhấn để quảng bá những tiềm năng du lịch của huyện Đồng Hỷ với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngày hội đã có các hoạt động phong phú diễn ra như: trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông, thi múa Khèn, Liên hoan văn nghệ quần chúng, thi ẩm thực, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông…

Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Chính phủ về quản lý vốn

Ngày 05-4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 làm việc với đại diện Chính phủ và các bộ, ngành về dự thảo Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng được Thủ tướng ủy quyền chủ trì báo cáo với Đoàn giám sát.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết thực hiện kế hoạch giám sát, trong hơn 5 tháng qua, Đoàn giám sát đã làm việc với 9 bộ, ngành, 8 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp nhà nước.

Tại phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ cùng đại diện Chính phủ thảo luận về dự thảo Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết cũng như các vấn đề liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Dự kiến, trong tháng Tư, dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó, Đoàn giám sát sẽ hoàn chỉnh báo cáo vào và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, vào tháng 5 và tháng 6-2018.

Công an Phú Thọ bắt tạm giam nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Chiều 06-4, Bộ Công an ra thông báo chính thức về việc Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”.

Theo thông báo, căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356 và ra Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam bốn tháng đối với Phan Văn Vĩnh (sinh năm 1955, tại Nam Định; nơi cư trú: 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cùng ngày 06-4, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Văn Vĩnh.

Đổi mới mô hình Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể theo hướng tinh gọn

Sáng 06-4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội".

Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết trong 30 đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bên cạnh những thành tích, ưu điểm đạt được đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả trên một số lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch rõ ràng. Điều đó đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới, phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai nghiên cứu đề tài "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội". Nghiên cứu đã được thực hiện trong vòng 12 tháng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các lãnh đạo, quản lý, với nhiều nội dung được phân tích, đánh giá trên nhiều phương diện khoa học.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định những ý kiến tại hội thảo có ý nghĩa đối với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về công tác cán bộ và tổ chức cán bộ; đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 04-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Chủ tịch Quốc hội đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu

Sáng 07-4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-02 năm Mậu Thìn 248 - 22-02 năm Mậu Tuất 2018) và khai hội Lễ hội Bà Triệu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 diễn ra với các nghi thức truyền thống với các hoạt động tế lễ (lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị) và dâng hương tại đền thờ, khu lăng mộ Bà Triệu, đình làng Phú Điền, rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà... theo nghi thức cổ truyền.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và những tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế.

Ban tổ chức Lễ hội Bà Triệu cũng triển khai gian triển lãm trưng bày với chủ đề “Thanh Hóa miền di sản,” tổ chức các dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa, kết nối các tour du lịch trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa với đền Bà Triệu.../.