Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến ngày 11-3-2018
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không dùng câu chữ tạo kẽ hở cho cán bộ thi hành công vụ lợi dụng
Ngày 09-3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Theo ông Ngô Hải Phan, nhằm hiện thực hóa quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, Hội đồng đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại với đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, gần 1.000 doanh nghiệp châu Âu, hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động, đầu tư tại Việt Nam để tiếp nhận 23 nhóm vấn đề với gần 100 phản ánh, kiến nghị. Trong đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị 17 vấn đề, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản trả lời của 7/9 bộ, cơ quan liên quan đến 15/17 kiến nghị, trong đó, 10 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị 21 vấn đề và nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư tài chính, du lịch và những khó khăn của các doanh nhân trẻ trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản trả lời của 7/10 bộ, cơ quan liên quan đến 20 kiến nghị, trong đó, 15 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị 21 vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến vấn đề người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; dự thảo nghị định liên quan đến Luật Môi trường; vấn đề nhập khẩu máy móc cũ quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN; quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản trả lời của 8/8 bộ, trong đó, 9 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam kiến nghị 4 nhóm vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp kinh doanh thương mại, thuế và hải quan; y tế và sức khỏe; lựa chọn tiêu dùng; phát triển thông minh và bền vững. Văn phòng Chính phủ nhận được 08/16 văn bản trả lời của các bộ, cơ quan liên quan, trong đó, 9 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Hiện nay, cơ quan thường trực của Hội đồng đang tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Việc tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được các thành viên Hội đồng thực hiện tích cực. Nhiều ý kiến tại Hội nghị đánh giá hoạt động của Hội đồng trong năm qua là rất tích cực, tạo chuyển biến tốt trong công tác cải cách hành chính. Nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, năm qua là năm “được mùa về cải cách hành chính”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến các vấn đề chuỗi logistic; tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng, năng suất lao động; hạ tầng; dòng chảy lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ... Nhấn mạnh đến Nghị quyết 01/NQ-CP với các chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng “xúm tay vào cải cách”, nhấn mạnh “không thể nói giảm số lượng nhưng biến tướng từ 3 thành 1. Nếu 3 điều kiện mà gom lại thành 1 coi như cắt giảm 2 là không được. Rồi biến tướng thành câu chữ, không lượng hóa được vấn đề, càng gây những rào cản bức xúc hơn”.
“Không có mã HS, không có quy chuẩn, không có tiêu chuẩn mà chỉ dùng hình tượng là “đảm bảo tốt”, “đảm bảo đẹp”, “đảm bảo sạch” là rất không ổn. Không được dùng những từ ngữ, câu chữ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tạo kẽ hở lợi dụng cho cán bộ thi hành công vụ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng đề nghị thành viên Hội đồng, phát hiện, đưa ra những phản ứng chính sách kịp thời khi có những vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô, chính sách ở các lĩnh vực, nhất là khi có tác động của thị trường khu vực và quốc tế; quan tâm cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng các chỉ số lượng hóa cụ thể.
Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2018. Thông báo nhấn mạnh nhiệm vụ:
Nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả ở các địa phương.
Tiếp tục phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần lập ra tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo đã giao bảo đảm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành việc thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh, chế độ thông tin báo cáo.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, bảo đảm tính kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả, tích hợp các dịch vụ công này với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường xây dựng, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Hoàn thành việc triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017. Sử dụng có hiệu quả các chỉ số này để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, công khai, minh bạch để người dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tạo sự đồng thuận của xã hội, đồng thời người dân được hưởng thụ thành quả của công cuộc cải cách.
Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-01-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực.
Bến Tre: Đẩy mạnh tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ viên chức
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong 4 năm 2018-2021, tỉnh Bến Tre có kế hoạch giảm 169 biên chế công chức. Ngoài ra, trong 3 năm 2019 -2021, tỉnh sắp xếp giảm ít nhất 1.370 biên chế sự nghiệp, bình quân mỗi năm 457 người. Giai đoạn 2018-2021, Bến Tre giảm ít nhất 739 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố, bình quân mỗi năm giảm 185 người. Tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố, gắn với mô hình hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư.
Về lộ trình thực hiện, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2018-2021 với định hướng đến năm 2021 giảm đủ chỉ tiêu 10% công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, người hoạt động không chuyên trách cấp xã so với năm 2015.
Để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, ngành chức năng tỉnh Bến Tre phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hướng đến hình thành tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức hội tinh gọn, giảm bớt đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo. Tỉnh mạnh dạn giải thể, sáp nhập các cơ quan, đơn vị hoạt động kém hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, Bến Tre đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới hoạt động, sắp xếp lại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là sự nghiệp giáo dục, các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị sự nghiệp khoa học, kỹ thuật khác.
Năm 2018, tỉnh Bến Tre đã được Bộ Nội vụ đã thẩm định giảm 525 biên chế sự nghiệp. Trước đó, năm 2017, tỉnh đã thực hiện giảm 392 biên chế sự nghiệp và 30 biên chế công chức.
Tinh giản bộ máy để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, mới đây Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Khi chưa có Nghị quyết số 18 và 19, Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, đã rà soát và sắp xếp lại bộ máy chính trị, đơn vị công, nghiên cứu các vị trí công tác một cách hợp lý. Tuy nhiên, lúc đó Quảng Ninh vừa làm vừa xin ý kiến của Trung ương.
Ngay sau Nghị quyết số 18, 19 chính thức được ban hành, tỉnh xác định Quảng Ninh là “nơi có đủ điều kiện” để thực hiện. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21 để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết số 18, 19 một cách sâu hơn, rộng hơn và chủ động hơn. Cụ thể, ngoài việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đã làm thí điểm từ trước, đến nay sẽ triển khai mở rộng hơn; đồng thời, tiến hành hợp nhất các cơ quan.
Hiện tỉnh đã ký quyết định thành lập cơ quan giúp việc chung cấp tỉnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện như: Tổ chức với Nội vụ, Cơ quan Ủy ban kiểm tra với Thanh tra, Văn phòng cấp ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban Nhân dân ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh và có đủ điều kiện. Tới đây, Quảng Ninh triển khai dứt điểm việc chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cấp huyện, chức năng tài chính, phục vụ về Văn phòng cấp ủy.
Quảng Ninh đã giải thể các cơ quan công lập khi những công việc của cơ quan này đã được xã hội hóa. Đồng thời, tỉnh đã rà soát và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng hợp nhất và tự chủ tài chính như đã hợp nhất 3 đoàn nghệ thuật chèo, cải lương, kịch thành một đoàn nghệ thuật chung; hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp công phòng chống các dịch bệnh của Sở Y tế thành một cơ quan kiểm soát dịch bệnh…
Quảng Ninh khẳng định mục tiêu lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết số 18, 19 cũng như Đề án 25 không phải là tinh giảm mà hướng tới làm tinh giản bộ máy để tập trung được đầu mối, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tránh hiện tượng đông nhưng không rõ trách nhiệm.
Việc sắp xếp lại bộ máy góp phần nâng cao trách nhiệm vai trò của cơ quan với công việc, hiệu quả phân bổ nguồn lực tính chủ động của đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn. Chuyển dần từ bao cấp sang hướng dịch vụ, đòi hỏi cán bộ công chức, viên chức thay đổi thái độ, không còn biểu hiện ban phát, thay vào đó là tinh thần thái độ phục vụ nhân dân có trách nhiệm.
Việc rà soát được biên chế, tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp nhằm tiết kiệm được chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Các nội dung Nghị quyết của Trung ương 6 Khóa XII có nhiều vấn đề được nâng lên tầm chủ trương chung xuất phát từ tổng kết mô hình thực tế triển khai ở Quảng Ninh thời gian qua. Đây là một sự khích lệ, cũng là thuận lợi để các cấp, các ngành tiếp nhận, triển khai nội dung Nghị quyết. Bắt tay vào triển khai Nghị quyết, Quảng Ninh có được sự đồng thuận với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị “Vì lợi ích chung của đất nước, của xã hội; việc gì thấy rõ hiệu quả, có lợi cho nhân dân, cho đất nước, cho sự nghiệp chung thì kiên quyết thực hiện” - một tinh thần chung xuyên suốt mà Quảng Ninh có được từ việc triển khai Đề án 25./.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn tiếp Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JBIC  (12/03/2018)
“Ngũ họa”, “Tứ tôn” và “Ngọn lửa” cháy lên!  (12/03/2018)
PVN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch quý I/2018  (12/03/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-3-2018)  (12/03/2018)
Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam  (11/03/2018)
Hơn 8 triệu cử tri Cuba đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội  (11/03/2018)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay