“Bệnh hình thức” trong sinh hoạt chi bộ và giải pháp khắc phục

Nguyễn Thị Mai Anh TS, Tạp chí Cộng sản
22:46, ngày 04-01-2018

TCCS - Ngày 30-3-2007, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02-3-2012, về nội dung sinh hoạt chi bộ. Từ đó đến nay, thông qua sinh hoạt thường kỳ, nhiều chi bộ đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, việc sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn nặng về hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao cần có giải pháp khắc phục.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”(1); “Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt. Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong chi bộ phải thật thà đoàn kết nhất trí”(2); “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”(3). Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ, “phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”(4). Chi bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, do vậy hoạt động của chi bộ (mà chủ yếu thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ) chính là nhằm thống nhất tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng, để thực hiện mục tiêu của Đảng, duy trì cầu nối này cũng là nhằm tăng cường tính chiến đấu, tạo sức mạnh cho Đảng, gây dựng và giữ vững niềm tin trong nhân dân.

Với nhiệm vụ đề ra chủ trương, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; liên hệ mật thiết, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng..., các chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng. Bởi đây chính là nơi, là lúc để thực hiện các nhiệm vụ trên; là nơi truyền đạt, chỉ đạo, phân công cụ thể và các đảng viên tiếp thu, tổ chức thực hiện các công việc.

Cũng chính vì vậy, Điều lệ Đảng đã có những quy định cụ thể về sinh hoạt định kỳ đối với từng cấp. Cụ thể, theo quy định của Điều lệ Đảng: “Đảng ủy, chi ủy cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần” (Điều 22, khoản 4); “Đảng bộ cơ sở họp thường lệ mỗi năm hai lần; họp bất thường khi cần. Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần (Điều 22, khoản 6).

Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của chi bộ, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ mỗi đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Chi bộ không sinh hoạt thường kỳ xem như ngưng hoạt động. Chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh việc bảo đảm thực hiện nghiêm túc sinh hoạt định kỳ, trong cuộc họp cần có sự phân công rõ ràng, nội dung sinh hoạt thiết thực và thời gian phù hợp để mọi đảng viên trong chi bộ có thể phát huy dân chủ và bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tiễn đã cho thấy, những chi bộ trong sạch, vững mạnh là những chi bộ duy trì sinh hoạt chi bộ nền nếp, có nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực, có hình thức sinh hoạt đa dạng, có chất lượng tốt.

Trong những năm qua, sinh hoạt chi bộ đã được thực hiện tương đối bài bản, nghiêm túc, theo định kỳ hằng tháng. Về nội dung, đa số các chi bộ đã thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương, bên cạnh đó đã xây dựng các chuyên đề riêng phù hợp, thống nhất với chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và xuất phát từ nhiệm vụ phát sinh của cơ quan, đơn vị. Về hình thức, cơ bản đều có phân công thư ký ghi chép và sử dụng hình thức lấy biểu quyết để ban hành nghị quyết. Công tác chuẩn bị, điều hành sinh hoạt chi bộ của cấp ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ cũng cơ bản được nâng cao. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ tương đối tốt. Đảng viên có trách nhiệm hơn trong tham gia phát biểu ý kiến, tham luận, thảo luận tìm giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại. Tinh thần tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một là, một số chi bộ tiến hành sinh hoạt không đúng định kỳ, không chủ động chuẩn bị nội dung sinh hoạt trước. Thậm chí có nơi, bí thư chi bộ chưa thực sự coi trọng và chấp hành nghiêm chỉnh việc thi hành Điều lệ Đảng, không tổ chức sinh hoạt, khi sinh hoạt thì không nghiêm túc, không coi trọng chất lượng sinh hoạt. Có chi bộ chỉ tiến hành họp chi bộ một năm một lần vào dịp cuối năm để bình bầu phục vụ thi đua cuối năm. Ngay cả sổ nghị quyết ghi biên bản các buổi sinh hoạt định kỳ cũng không có nội dung chi tiết, không thể hiện các vấn đề cụ thể, không có các giải pháp được đề xuất để việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ được tốt hơn. Thực tiễn này cho thấy việc sinh hoạt ở một số chi bộ còn hình thức, chưa có chất lượng.

Hai là, đối với chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp, chế độ sinh hoạt chi bộ định kỳ tương đối nền nếp, tuy nhiên, nội dung thường nặng về công tác chuyên môn, ít bàn về công tác xây dựng chi bộ, nhất là một số vấn đề nổi lên gần đây về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống... Thậm chí có những nơi còn coi vấn đề lối sống là chuyện cá nhân, thuộc cá tính mỗi người nên tránh không đề cập. Tình trạng sau khi họp cơ quan, đơn vị xong thì mời đảng viên ở lại “tranh thủ” sinh hoạt chi bộ khá phổ biến. Chính sự thiếu nghiêm túc trong việc thu xếp thời gian sinh hoạt, chuẩn bị nội dung sinh hoạt đã dẫn đến tình trạng cả bí thư, cấp ủy và các đảng viên đều coi sinh hoạt chi bộ là cho xong việc, cho có sinh hoạt để ghi sổ nghị quyết, cho đúng lịch hằng tháng phải sinh hoạt, từ đó dẫn đến ý thức tự phê bình và phê bình có nhiều hạn chế, thậm chí có những buổi sinh hoạt không có ý kiến phát biểu, chỉ 5-10 phút đã kết thúc.

Ba là, đối với các chi bộ nông thôn, do thực tế các đối tượng đang trong độ tuổi lao động đều ra thành phố kiếm việc làm, ở nông thôn đa số là người già và trẻ nhỏ nên các chi bộ nông thôn thường gặp phải những khó khăn như đảng viên cao tuổi chiếm tỷ lệ cao, đây là những người không còn tham gia công tác, đã nghỉ hưu và thường chỉ quan tâm đến các vấn đề vĩ mô như các chính sách lớn của Nhà nước, các chuyện “quốc gia đại sự” như bô- xít,... nhưng lại thiếu quan tâm đến chuyện phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển văn hóa... của làng mình, xóm mình. Trong khi đó, các đảng viên trẻ tuổi số lượng đã ít lại có xu hướng không phát biểu.

Bốn là, nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ còn đơn giản, chưa bám sát Hướng dẫn số 09-HD/TW của Ban Tổ chức Trung ương. Nhìn chung, phần đánh giá tình hình tư tưởng đảng viên gắn với việc học tập Bác để nâng cao nhận thức cho đảng viên còn sơ sài, thậm chí có chi bộ không thực hiện. Trong sinh hoạt chủ yếu là truyền đạt nghị quyết, văn bản cấp trên, bí thư ít khơi gợi ý kiến và các đảng viên ngại phát biểu nên việc phân tích, đánh giá, liên hệ với thực tiễn còn ít. Tình trạng ít đề cập đến các vấn đề của cơ quan, đơn vị, chi bộ, ít bàn bạc, thảo luận nên việc tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ cũng hạn chế.

Năm là, hạn chế rõ nhất là tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ phụ thuộc cơ bản vào bí thư. Khi bí thư là người độc đoán, không muốn nghe góp ý, không bố trí sinh hoạt và thời gian sinh hoạt hợp lý để các đảng viên góp ý ... Mặt khác, các đảng viên trong chi bộ cũng không muốn tự phê bình và phê bình người khác. Tâm lý “không động chạm”, “muốn yên thân”... khá phổ biến. Thực trạng này khiến một bộ phận lãnh đạo muốn làm gì thì làm, có dấu hiệu làm sai cũng không được góp ý. Tính chiến đấu trong sinh hoạt bị triệt tiêu. Các đảng viên không quan tâm, không coi trọng, không nêu ý kiến chủ quan cá nhân, không quan tâm đến từng công việc cụ thể của tập thể.

Sáu là, trình độ đội ngũ cán bộ cấp ủy, bí thư, phó bí thư còn hạn chế (hạn chế về khả năng chỉ đạo, điều hành; hạn chế trong hiểu biết về công tác đảng...). Điều 12, Điều lệ Đảng quy định cấp ủy viên phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh; chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có kiến thức và năng lực tham gia lãnh đạo tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đoàn kết cán bộ, đảng viên, được quần chúng tín nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ bí thư chi bộ không phải ở đâu cũng bảo đảm được các tiêu chuẩn này. Ở nhiều chi bộ, đồng chí bí thư điều hành sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, thiếu khoa học, dàn trải, dẫn tới đảng viên dự sinh hoạt khó tham gia đóng góp ý kiến; chưa phân công hợp lý nhiệm vụ cho từng đảng viên; chưa có đánh giá mang tính tổng quan trong tóm tắt, kết luận; thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; chưa giải quyết được các vấn đề đảng viên đưa ra; chưa tạo được uy tín đối với đảng viên, chưa đoàn kết được tập thể chi bộ. Yêu cầu đặt ra đối với bí thư chi bộ là phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, lắng nghe phát biểu của đảng viên và gợi mở những vấn đề thiết thực để đảng viên thảo luận. Bí thư phải điều hành để chi bộ trao đổi, thảo luận kỹ, tạo sự thống nhất trước khi biểu quyết. Những vấn đề đang còn có những ý kiến khác nhau, bí thư phải tuân thủ đúng quy trình, giữ vững quan điểm của người chủ trì, bảo đảm khách quan, dân chủ. Nhìn chung, vai trò của bí thư là rất quan trọng, mỗi bí thư phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao.

Bảy là, một số chi bộ chưa coi trọng tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề, chưa bám sát nội dung hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Những chuyên đề lớn như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ được đề cập chung chung, không liên hệ thực tiễn cơ quan, đơn vị, không gắn với công việc của từng cá nhân đảng viên, tập thể chi bộ. Những vấn đề mới nảy sinh, sát với cơ sở cần thảo luận, như giáo dục rèn luyện đảng viên, xây dựng khu dân cư văn hóa, giữ gìn trật tự an ninh, phòng, chống các tệ nạn xã hội ở địa bàn dân cư,... càng ít được bàn bạc tìm giải pháp hạn chế, khắc phục. Những vấn đề cốt lõi của thôn, buôn như lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; công tác xóa đói giảm nghèo; việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và vận động xây dựng thôn, buôn văn hóa,... không thường xuyên đưa ra để chi bộ thảo luận.

Tám là, sau sinh hoạt cấp ủy, bí thư chưa phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để biến chương trình, nghị quyết thành hành động trong khi đây chính là cơ sở quan trọng để sinh hoạt lần sau lấy làm căn cứ, cơ sở để kiểm điểm các nội dung đã phân công, đánh giá công việc đã làm được đến đâu, hiệu quả ra sao. Chính từ tình trạng không tổ chức đánh giá công việc, làm tốt không được khen thưởng, động viên, làm không tốt không bị phê bình, kỷ luật; công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều tổ chức đảng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ mà chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp, dẫn đến hoạt động của cơ quan, đơn vị kém hiệu quả.

Nhìn chung, do sinh hoạt chi bộ còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao nên các đảng viên không quán triệt được tinh thần các chủ trương của đảng ủy cấp trên, không nắm được tình hình triển khai công việc cụ thể của chi bộ, cấp ủy. Bí thư cũng không nắm được tâm tư nguyện vọng, diễn biến tâm lý của đảng viên, không đề ra được các giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn tại của chi bộ. Do vậy, rõ ràng, việc sinh hoạt chi bộ không đều, hiệu quả thấp đã dẫn đến hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của những hạn chế trước hết là ở nhận thức của một số cấp ủy cũng như ý thức, trách nhiệm của đảng viên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh chưa đầy đủ. Thứ hai, cấp ủy cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ít kiểm tra, hướng dẫn về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để khắc phục kịp thời tình trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ kém. Thứ ba, việc đánh giá phân loại chi bộ, đảng viên có những hạn chế, chưa tạo động lực cho đảng viên và chi bộ phấn đấu nâng cao chất lượng sinh hoạt. Thứ tư, việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ bí thư chi bộ chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ bí thư chi bộ hiện nay chất lượng chưa đồng đều, thiếu cập nhật kiến thức về xây dựng đảng. Thậm chí, có bí thư chi bộ còn thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, uy tín không cao.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa quan trọng của sinh hoạt chi bộ và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, thực hiện nghiêm túc và có chất lượng việc sinh hoạt chuyên đề. Thời gian tới, các chi bộ cơ sở cần xác định, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng Đảng; đồng thời cũng là một trong những biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt Chi bộ. Bí thư Chi bộ phải bố trí lịch sinh hoạt hợp lý; chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt; phải trăn trở suy nghĩ và nêu cao trách nhiệm bản thân, phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm, dám bày tỏ chính kiến, dám ủng hộ cái đúng, dám phê phán cái sai...

Thứ tư, nâng cao ý thức đảng viên trong sinh hoạt Chi bộ. Đảng viên phải nắm vững nội dung, chương trình của một buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề để có cơ sở giám sát vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ... Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần coi trọng việc xây dựng tình đồng chí, đồng nghiệp, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau... Có như vậy sinh hoạt chi bộ mới thực sự chất lượng, chi bộ mới nâng cao được năng lực, sức chiến đấu, mới xây dựng được các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, mới giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Thứ năm, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của chi bộ cơ sở; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; xử lý nghiêm những đảng viên, kể cả cấp ủy viên không chấp hành việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng...

Trong bối cảnh hiện nay, khi việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã và đang dần đi vào thực chất, từng tổ chức cơ sở đảng, từng cấp ủy, bí thư chi bộ, đảng viên càng cần nhận thức rõ rằng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một chi bộ chỉ được nâng cao khi sinh hoạt chi bộ giữ được nền nếp, có sự nghiêm túc và chất lượng sinh hoạt thực sự được coi trọng. Đây cũng chính là cơ sở nền tảng để các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đó là mục tiêu và động lực quan trọng để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

-------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 210

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 317

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 243

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 210 - 211