Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-12-2017
28 bộ, ngành, địa phương liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ
Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 14 tỉnh, thành phố cùng 2 bộ và hiện đang tiếp tục hoàn thiện liên thông với 12 bộ, ngành, địa phương nữa. Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, về xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm nay, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 14 tỉnh, thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và 2 bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời, đang tiếp tục hoàn thiện liên thông với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và với 10 UBND tỉnh, thành phố Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Sóc Trăng. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn lại để sớm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản.
Văn phòng Chính phủ cũng đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động và trực tuyến; triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng trên mạng nội bộ, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và mạng Internet.
Bộ Nội vụ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ năm 2017
Sáng 22-12, Bộ Nội vụ đã tổ chức kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ năm 2017. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.
Để thực hiện việc thi tuyển này, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị chu đáo, từ kế hoạch đến thông báo tuyển ứng cử viên để nhận các đề tài. Quy trình thủ tục tổ chức kỳ thi tuyển được thực hiện theo đúng Quy chế thí điểm thi tuyển lãnh đạo của Bộ. Sau khi nhận được hồ sơ dự thi, Hội đồng thi đã giao Thanh tra Bộ kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, tất cả ứng cử viên dự thi đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong diện quy hoạch chức danh phó vụ trưởng và tương đương.
Với phần trình bày, bảo vệ đề án xuất sắc, vượt qua các ứng viên, ông Trần Trung Kiên và bà Phạm Thu Hằng đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý lần đầu tiên được Bộ Nội vụ tổ chức, với số điểm lần lượt là 79,9 và 83,4.
Lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đối với bà Phạm Thu Hằng, chuyên viên cao cấp Vụ Hợp tác quốc tế và chức danh Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với ông Trần Trung Kiên, chuyên viên chính Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được Bộ Nội vụ tổ chức trong chiều 22-12, ngay sau khi việc thi tuyển kết thúc.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Sau khi có kết quả điểm thi, Ban Cán sự Đảng bộ đã khẩn trương họp và có biên bản thống nhất 100% với tổng số điểm hội đồng thi đã chấm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định bổ nhiệm ngay đối với hai ứng viên có số điểm cao nhất của Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cả 8 ứng viên dự tuyển đều rất xứng đáng, “nếu cho phép bổ nhiệm hết thì đồng chí nào cũng có thể đủ điều kiện, nhưng thi một chức danh chỉ một người nên phải chọn người có số điểm cao nhất”. Các đề án đưa ra nhiều vấn đề mới, hay, gợi ý cho lãnh đạo Bộ tiếp tục suy nghĩ. Lãnh đạo Bộ sẽ giao các vụ chuyên môn nghiên cứu cả 8 đề án dự thi, rút ra những vấn đề tinh túy nhất để giúp lãnh đạo Bộ trong việc tham mưu quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực đã được phân công.
Qua hai lần thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý (ở Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để có thể hướng dẫn 14 bộ, ngành và 22 địa phương còn lại tiếp tục thi tuyển tốt hơn.
Bà Rịa -Vũng Tàu: Thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng
Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng trên địa bàn tỉnh. Quy chế này được áp dụng thí điểm giai đoạn từ năm 2018-2021.
Theo đó, các chức danh thi tuyển thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy… Người tham gia dự tuyển phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện: hồ sơ, lý lịch cá nhân rõ ràng, đầy đủ, được cơ quan chức năng thẩm định, xác nhận; trong độ tuổi bổ nhiệm; là Đảng viên; có đủ sức khỏe; đáp ứng các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn yêu cầu.
Mục đích của việc thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có tài, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Việc này cũng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút những người có năng lực, phẩm chất đạo đức từ bên ngoài cơ quan, đơn vị cùng tham gia để tuyển chọn, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Qua đó, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các sở, ngành, địa phương…
Theo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ quản lý cấp sở, cấp phòng. Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển phải có đủ tiêu chuẩn, nằm trong quy hoạch và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Trường hợp không công tác tại đơn vị, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm và được quy hoạch chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng sở, ban, ngành, địa phương vẫn được quyền đăng ký tham gia dự tuyển. Người tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được dự tuyển ở vị trí cao hơn không quá hai cấp so với chức vụ hiện đang đảm nhiệm. Trường hợp không đảm nhiệm chức vụ khi dự tuyển phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có).
Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc tuyển chọn sẽ được công bố công khai. Hội đồng tuyển chọn sẽ được phân cấp và thành viên Hội đồng không có quan hệ gia đình, họ hàng với người dự tuyển. Thí sinh sẽ phải trải qua phần thi viết; lập, trình bày đề án. Trong đó, đề án gồm đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn, chỉ ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp; chương trình hành động nếu được bổ nhiệm; kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quản lý, lãnh đạo và trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng, người tham dự.
Liên quan việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam không đúng quy trình, Bộ Nội vụ nói gì?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những sai phạm đối với việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
Trước đó, vào đầu tháng 10-2015, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về cải cách hành chính, cải cách công vụ công chức, trong đó có đề cập đến trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có kết luận Quảng Nam làm đúng quy trình. Sau đó ít ngày, tại buổi gặp mặt báo chí thường kỳ, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức Bộ Nội vụ Lê Minh Hương đã trả lời báo chí là qua nghiên cứu báo cáo và làm việc trực tiếp tại tỉnh Quảng Nam cho thấy việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là đúng trình tự, thủ tục.
Sáng 19-12-2017, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Vụ Công chức, Viên chức - đơn vị có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm công chức - chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, báo cáo Bộ trưởng về việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ làm việc với tỉnh Quảng Nam vào thời gian đầu tháng 10-2015 đối với trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo.
Trên cơ sở báo cáo của Vụ Công chức, Viên chức, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ chỉ đạo xem xét, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền. Kết quả cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ thông tin cho báo chí để thông tin đến bạn đọc theo quy định.
Đăk Lắk: Ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để cải cách hành chính
Hệ thống nhắn tin quản lý và điều hành tác nghiệp điện tử do VNPT triển khai vừa chính thức được đưa vào sử dụng tại Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Hệ thống sẽ được sử dụng để gửi tin nhắn mời họp, thông báo, đôn đốc công việc, chỉ đạo đột xuất, truyền thông nội bộ, trao đổi thông tin... đến tất cả các cơ quan trong tỉnh.
Trước đó, nhiều giải pháp công nghệ thông tin khác trong lĩnh vực Chính quyền điện tử của VNPT cũng đã được triển khai tại Đắk Lắk. Ví dụ Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông đã được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ cung cấp 1.543 bộ thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường. Trong đó có hơn 1.000 thủ tục hành chính công mức độ 2 và 466 thủ tục hành chính công cấp 3, 4. Hơn 1.600 cán bộ công chức của tỉnh đang sử dụng hệ thống này phục vụ công việc hàng ngày.
Toàn ngành giáo dục, các cơ quan khối Đảng bộ trực thuộc tỉnh uỷ, các doanh nghiệp và tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh hiện đang sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản điện tử VNPT iOffice để phục vụ công việc hành chính, quản lý giấy tờ, hồ sơ. Ngoài ra, VNPT hiện đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xây dựng “Trục liên thông văn bản nội tỉnh” để đảm bảo kết nối văn bản điện tử giữa các cơ quan đảng, Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng văn bản điện tử. Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ HĐND các cấp có khả năng hỗ trợ, đáp ứng tất cả các công việc, nghiệp vụ hành chính của HĐND tỉnh. Những công việc thường xuyên như mời họp, lên lịch công tác, lịch tiếp xúc cử tri, quản lý công việc, quản lý chất vấn, theo dõi và quản lý tình hình trả lời đơn thư, trả lời kiến nghị của cử tri của HĐND các cấp… được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng, quản trị theo quy trình một cách tường minh và luôn có thể truy xuất, giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng quá nhiều văn bản, giấy tờ hành chính, lãng phí trong việc sao chụp, gửi văn bản, tài liệu.
Ngoài các giải pháp phục vụ Chính quyền điện tử, nhiều giải pháp của VNPT cũng đang và sắp được triển khai rộng rãi tại Đắk Lắk. Ví dụ như triển khai Cổng thông tin và ứng dụng di động cho du lịch thông minh; Triển khai Quản lý lưu trú, tạm trú, tạm vắng trực tuyến; Triển khai quản lý quy hoạch đặt tên đường, quản lý quy hoạch quảng cáo trên địa bàn… cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Triển khai các giải pháp lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), Camera an ninh kết hợp xử phạt giao thông; Phần mềm quản lý tạm trú, tạm vắng trực tuyến và Ứng dụng tiếp nhận ứng cứu khẩn cấp… phục vụ công tác đảm bảo trật tự trị an của tỉnh.
Thừa Thiên Huế: Công bố hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh
Ngày 23-12, tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông tin về hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, cải cách hành chính luôn được Lãnh đạo tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo điều hành. Năm 2017, Thừa Thiên Huế xác định lấy chủ đề “Năm doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”, thể hiện quyết tâm cao của địa phương trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế thành lập đồng loạt các Trung tâm Hành chính công cấp huyện, công khai 2.149 thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm máy tính trong quá trình xử lý dịch vụ công. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở những Trung tâm Hành chính công cấp huyện của Thừa Thiên Huế dần đi vào ổn định, góp phần tạo lập môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục cho tổ chức, cá nhân.
Trung tâm Hành chính công tỉnh là tổ chức hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm Hành chính công tỉnh, cùng với hệ thống cấp huyện, xã là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính 2018 với 11 nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đồng bộ với thực hiện các nghị quyết và nguyên tắc của Đảng, hướng tới xây dựng nền hành chính “Thân thiện - Đơn giản - Đúng hẹn”./.
Năm 2017 - Một năm đặc biệt  (25/12/2017)
Đồng chí Trương Thị Mai chúc mừng Giáng sinh Giáo phận Đà Lạt  (25/12/2017)
Xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô  (25/12/2017)
Xây dựng các thương hiệu mạnh cho hàng hóa Thủ đô  (25/12/2017)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2017  (24/12/2017)
Trung Quốc và Việt Nam thiết lập “hành lang logistics vàng”  (24/12/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên