Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-10-2017

Đức Toàn tổng hợp
16:37, ngày 09-10-2017
TCCSĐT - Chính phủ yêu cầu các bộ xóa bỏ ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh; thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức Hà Nội; kiểm tra cải cách hành chính ở Bạc Liêu; là những tin nổi bật tuần qua.

Chính phủ yêu cầu các bộ xóa bỏ ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh

Chính phủ vừa đưa ra yêu cầu cụ thể về số lượng các điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý của từng bộ, trong khi nhiều Bộ trưởng đã nêu rõ quyết tâm cắt giảm các giấy phép con. Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP vừa được ban hành ngày 03-10, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, Nghị quyết xác định việc “bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng” là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính phủ giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, khẩn trương xây dựng Nghị định về kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ trong tháng 12-2017. Còn Bộ Tư pháp chủ trì, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

Chỉ tính từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 Nghị quyết trong đó yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Đó là Nghị quyết phiên họp thường kỳ các tháng 6, 7, 8 và cả Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22-8. Trong đó, Nghị quyết tháng 7 giao rõ nhiệm vụ cho các bộ rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sốt ruột với các thành viên Chính phủ: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”. Trong tháng 9 vừa qua, một sự kiện được dư luận hết sức chú ý và hoan nghênh là việc Bộ Công Thương lên phương án cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý. Tại phiên họp Chính phủ ngày 03-10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đánh giá cao động thái này của Bộ Công Thương và cho rằng đây là “bài học chung cho các bộ”.

Thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa ký Quyết định 842/QĐ-HĐTV thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính làm Trưởng ban; Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới làm Phó Trưởng Ban.

Các thành viên tham gia Ban IV gồm đại diện các cơ quan, tổ chức: Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Hiệp hội tôm Bình Thuận, Hội đồng tư vấn Du lịch, Ban cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Tập đoàn VinaCapital.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu kinh tế quốc gia; chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân hoạt động theo Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 360/QĐ-HĐTV ngày 31-5-2017 của Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Trong 2 ngày 05 và 06-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ XXI năm 2017, với chủ đề "Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0".

Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển công nghệ thông tin cùng các bộ, các ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin cho rằng, đây là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.

Năm 2016, xếp hạng của Việt Nam về chính phủ điện tử đã có nhiều cải thiện, tăng 10 hạng so với năm 2014 và chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển chính phủ điện tử loại khá. Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị và hình thành những thành phố chất lượng sống tốt hơn là xu thế tất yếu trước áp lực phát triển ngày càng gia tăng của các đô thị tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Trong quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông chỉ là một công cụ giúp thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Chiến lược xây dựng thành phố thông minh cần phải xem xét một cách chặt chẽ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tránh đầu tư tràn lan các hệ thông thông tin hoặc quá chú trọng công nghệ thông tin mà coi nhẹ các vấn đề cơ bản của thành phố.

Sau lễ khai mạc đã diễn ra 3 hội nghị chuyên đề: Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, an toàn an ninh thông tin; Phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; Chia sẻ kinh nghiệm triển khai và trao đổi các nội dụng hướng dân thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Tại các chuyên đề này, đại biểu các đơn vị, địa phương tham gia hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học và những khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình triển khai chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh; đồng thời lắng nghe những trao đổi của các nhà quản lý, diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ nêu lên các yếu tố chủ chốt để xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính phủ điện tử, đó là: sự cam kết của lãnh đạo, sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ phù hợp, quản lý các chương trình của chính phủ dựa trên hiệu năng thông qua phân tích dữ liệu, quản trị công nghệ thông tin hiệu quả, chuyển đổi thủ tục hành chính theo hướng dịch vụ lấy người dân làm trung tâm.

Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức Hà Nội

Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là công chức) trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được dư luận đặc biệt quan tâm. Cơ quan soạn thảo cho rằng đây là chuẩn mực văn hóa phát ngôn để định hướng công chức phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ với tổ chức và cá nhân.

Tại điều 3, quyền và trách nhiệm phát ngôn, dự thảo quy định công chức không bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. Còn tại điều 5, ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn, công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. Đây là những vấn đề khó mà dự thảo đã chạm tới, nhằm điều chỉnh lại trách nhiệm và ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn của công chức.

Thực tế, việc sử dụng mạng xã hội và trang cá nhân đang phổ biến đối với hầu hết mọi người, trong đó có cả công chức. Trước quan điểm quy định này khó thực hiện, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định: Dù bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội và trang cá nhân là quyền mỗi người nhưng không thể tự do công kích, bôi xấu người khác hoặc bày tỏ quan điểm đi ngược với những quy định của cơ quan mình công tác, hay chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Việc phát ngôn xuyên tạc còn là hành vi vi phạm pháp luật và công chức lại càng không được phép.

Đối với vấn đề hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, những người soạn thảo dự thảo khẳng định những quy định đưa ra là chuẩn mực để định hướng văn hóa phát ngôn của công chức. Quy định này để nhắc nhở công chức có những thói quen trên ý thức rèn luyện, sửa chữa để chuẩn hóa ngôn ngữ của mình, làm cho người đối diện nghe và hiểu được. Nếu công chức có ý thức, thói quen nói ngọng, nói lắp và sử dụng ngôn ngữ địa phương cơ bản sửa được.

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc xây dựng Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức không chỉ định hướng cho công chức về chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật phát ngôn. Hơn nữa, việc này cũng góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa người Hà Nội, xây dựng đội ngũ công chức Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Xây dựng Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của công chức chính là cụ thể hóa Quy tắc ứng xử của công chức mà thành phố Hà Nội đã ban hành. Hiện tại, Hà Nội chưa có quy định nào cụ thể về trách nhiệm phát ngôn, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của công chức. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng dựa trên yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội và đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của các ban ngành, đoàn thể, hiện đã trình dự thảo để UBND thành phố xem xét.

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bạc Liêu

Ngày 05-10, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ do bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về kết quả cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc vận hành Trung tâm này. Có 3/7 huyện, thị xã, thành phố đã đưa vào vận hành thử nghiệm, riêng thành phố Bạc Liêu được UBND tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo đã triển khai nhân rộng tại các huyện còn lại, được đầu tư cơ sở vật chất và phần mềm đồng bộ, hiện đại…

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn như: Nhận thức người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương về cải cách hành chính còn hạn chế, chưa xem nhiệm vụ cải cách hành chính là trọng tâm và thường xuyên; công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương chưa thực sự được chú trọng; thực hiện cơ chế một cửa liên thông chưa cao; một số lĩnh vực tiến độ giải quyết còn chậm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi Quyết định số 09/2015/QĐ–TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, trong đó có quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện; quy định một số chế độ đặc thù cho cơ quan tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh; rà soát, đơn giản hóa, ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính theo quy định thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường để thống nhất tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến để tập huấn, hướng dẫn, giới thiệu về chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường theo định kỳ; mở các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về mô hình, cách thức vận hành, tổ chức hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương…

Về những kết quả cải cách hành chính tại Bạc Liêu thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng báo cáo tình hình công tác cải cách hành chính của Bạc Liêu, phản ánh toàn diện các mặt công tác, nêu được những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế cùng định hướng được công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị, Bạc Liêu cần tăng cường các biện pháp để sớm hoàn thiện nền hành chính hiện đại; cải thiện mối quan hệ của chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, Bạc Liêu cần có kế hoạch rà soát, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng theo hướng bố trí đúng ngành, nghề, lĩnh vực được đào tạo, có năng lực, trình độ và trách nhiệm trong công việc; coi trọng hơn nữa việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc tổ chức đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính…/.