Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11-9 đến ngày 17-9-2017)
TCCSĐT - Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Sóc Trăng; Kết quả Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân; Thủ tướng dự lễ khai giảng năm học mới tại Học viện Quốc phòng; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 10; Thủ tướng thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 tại Hà Tĩnh; … là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Khẩn trương hoàn tất giải phóng mặt bằng, triển khai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
Sáng 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia Hà Nội để đôn đốc, xử lý tại chỗ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng một đô thị đại học, trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt.
Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có 29.397 sinh viên đại học chính quy; 6.206 học viên cao học; 1.523 nghiên cứu sinh. Để tiếp cận mô hình đại học 4.0, Đại học Quốc gia Hà Nội đã kiến tạo các điều kiện có thể mở các chương trình đào tạo mới, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, sàn giao dịch sản phẩm và hỗ trợ khởi nghiệp, 02 doanh nghiệp theo mô hình Spin-off, hiện đang làm thủ tục để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị và nhà khoa học thành lập 02 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Một số ý tưởng khởi nghiệp đã bắt đầu được đầu tư cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ. Theo nghiên cứu mới được Cổng thanh toán điện tử iPrice cùng Quỹ đầu tư 500 Startups (tháng 8-2017) thực hiện, với 27 startup và 56 nhà sáng lập, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu về số lượng các nhà sáng lập startup theo học.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ quan tâm, hỗ trợ tích cực để nhà trường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tập thể thày và trò Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo để đạt kết quả cao nhất.
Cơ bản tán thành với các đề xuất, kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng đồng ý để nhà trường điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dự án tại Hòa Lạc; xây dựng cơ chế mở cho các cơ sở giáo dục đại học khác gia nhập Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành kiến nghị về cải thiện chế độ, chính sách với chuyên gia, giảng viên cao cấp, giáo sư, phó giáo sư của nhà trường; thực hiện thí điểm cơ chế khoán chi và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho nhà trường.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn công tác đã tới hiện trường, thị sát các khu vực, vị trí xây dựng các công trình, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Tại các điểm thị sát, Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiến hành chuyển giao Ban Quản lý dự án và ủy quyền đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành khẩn trương phối hợp tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm triển khai xây dựng.
Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Sóc Trăng
Ngày 12-9, Đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và các ban, ngành tỉnh Sóc Trăng để công bố Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại địa phương.
Đây là Kết luận thực hiện theo Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW, ngày 25-4-2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà Đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát tại Sóc Trăng từ ngày 04 đến 15-8-2017.
Theo Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, trong thời gian kiểm tra, giám sát tại Sóc Trăng, Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; tiến hành kiểm tra, giám sát tại Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Cù Lao Dung.
Qua công tác tự kiểm tra, giám sát, Sóc Trăng đã phát hiện 07 cán bộ, đảng viên vi phạm về tham nhũng; đã xử lý kỷ luật khai trừ đảng 07 đảng viên; phát hiện 50 cán bộ, đảng viên sai phạm về kinh tế, đã xử lý khiển trách 08, cảnh cáo 10, cách chức 01, khai trừ 14, xóa tên 01 đảng viên. Ngành Thanh tra đã thực hiện 38 cuộc thanh tra hành chính, kinh tế, phát hiện sai phạm 83.463.060.000 đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 53 tập thể, 315 cá nhân sai phạm; kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra 03 vụ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý điều tra 47 vụ với 95 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế. Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 47 vụ với 92 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế. Tòa án xét xử 42 vụ với 113 bị cáo phạm tội về tham nhũng, kinh tế.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí đánh giá cao Sóc Trăng đã tạo điều kiện và phối hợp cùng đoàn để đoàn hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát một cách khách quan, cụ thể. Qua kiểm tra, giám sát, một số số liệu của Đoàn chưa khớp với báo báo của tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là báo cáo dự thảo của đoàn, tỉnh cần có giải trình làm rõ hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn công tác số 6 cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng chưa đạt hiệu quả cao...
Đoàn công tác kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế, bảo đảm nghiêm minh đúng quy định của pháp luật...
Kết quả Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân
Ngày 12-9-2017, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp báo thông tin kết quả Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị.
Sau 02 ngày tiến hành Hội nghị, bằng hình thức thảo luận theo tổ dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hoặc thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, góp phần đánh giá toàn diện việc nâng cao chất lượng công tác xét xử tại các tòa án thời gian qua theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đồng thời, xác định đúng những nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót và tìm ra các giải pháp để khắc phục.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu trong thời gian tới, tòa án các cấp trong cả nước cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, tích cực triển khai 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, bao gồm: 1- Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; 2- Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; 3- Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án; 4- Công khai bản án, quyết định của tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; 5- Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; 6- Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; 7- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; 8- Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; 9- Nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán; 10- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; 11- Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án; 12- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang, thiết bị, phương tiện làm việc cho các tòa án; 13- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án; 14- Làm tốt công tác thi đua - khen thưởng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân
Ngày 12-9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13-9-1945 - 13-9-2017). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội tới dự.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống 72 năm qua của ngành Tòa án nhân dân.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba tặng các tập thể, cá nhân thuộc hệ thống Tòa án nhân dân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án nhân dân” tặng các cá nhân có quá trình đóng góp cho sự nghiệp trưởng thành của hệ thống Tòa án nhân dân.
Thủ tướng dự lễ khai giảng năm học mới tại Học viện Quốc phòng
Ngày 13-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2017 - 2018 của Học viện Quốc phòng.
Quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Học viện Quốc phòng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, trở thành một trung tâm giáo dục-đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự hàng đầu của Quân đội và Quốc gia, có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp tới toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sỹ đến dự Lễ khai giảng Học viện Quốc phòng năm học mới.
Biểu dương kết quả mà Học viện Quốc phòng đã đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh quốc phòng an ninh là sự nghiệp trọng đại của quốc gia, dân tộc. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Đề cập đến tình hình thế giới có nhiều thay đổi, cộng đồng quốc tế đang phải đối phó thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, Thủ tướng cho rằng bối cảnh đó đặt ra những vấn đề mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt và vận dụng tốt quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, kết hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Học viện tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện-đào tạo phù hợp với đối tượng tác chiến và thực tiễn các phương thức tiến hành chiến tranh trên thế giới hiện nay, bảo đảm sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn, cập nhật thông tin mới nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cao cấp không những giỏi về quân sự mà còn là những nhà chiến lược về quốc phòng, quân sự; có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy tốt, nhạy bén về chính trị, xử lý linh hoạt sáng tạo các tình huống chiến lược trên cương vị chức trách được giao; có khả năng tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền về quốc phòng, quân sự.
Thủ tướng mong muốn Học viện có tầm nhìn lớn hơn để tiếp tục xây dựng và phát triển thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự tầm cỡ quốc tế và khu vực.
Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự giúp hai nước Lào và Campuchia; đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo quan chức Quốc phòng đa quốc gia...
Cùng với đó, Học viện tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và chiến sỹ; xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học tập, nghiên cứu tiêu biểu với tình đồng chí, tình đồng đội, tình cảm chân thành giữa thầy và trò.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 10
Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017.
Công điện gửi tới Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Công điện nêu rõ: Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12 - 13, giật cấp 15; từ ngày 15 đến 16-9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ” với các nhiệm vụ chủ yếu được công điện nêu cụ thể.
Thủ tướng thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 tại Hà Tĩnh
Tiếp tục hoạt động chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 10, sáng 16-9-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rời Quảng Bình, di chuyển ra Hà Tĩnh - một trong hai địa phương Bắc miền Trung nằm trong vùng tâm bão, chịu thiệt hại nặng nề sau khi bão số 10 đi qua.
Thủ tướng và Đoàn công tác đã tới thăm, thị sát việc khắc phục hậu quả bão lũ tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của Hà Tĩnh do ảnh hưởng của cơn bão số 10.
Tại đây, Thủ tướng đề nghị lực lượng đang làm nhiệm vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, nỗ lực triển khai liên tục việc tái thiết các phòng học, nhà điều hành, công trình xây dựng của nhà trường đã bị tốc mái hoàn toàn do tác động của bão số 10; khẩn trương khôi phục lại hoạt động bình thường của thày và trò nhà trường, để các em học sinh sớm đi học trở lại.
Thăm và tặng quà một số gia đình hộ dân, gia đình chính sách, hộ kinh doanh tại huyện Kỳ Anh chịu thiệt hại nặng về tài sản sau bão số 10, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh tập trung mọi nhân, vật lực cho công tác khắc phục hậu quả bão số 10, nỗ lực để ổn định đời sống, sinh hoạt của bà con trong thời gian sớm nhất.
Thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 69.112 nhà dân bị đổ, tốc mái. Trong đó, các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh (17.500 nhà), huyện Kỳ Anh (23.500 nhà), Cẩm Xuyên, Lộc Hà...
Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà), trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị ngập toàn xã với 2.400 hộ, có nới ngập sâu từ 0,6m đến 0,7m.
Trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000ha nước ngọt và 1.100ha mặn, lợ (800ha tôm và 300ha nhuyển thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Grobet, thuộc xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng.
Gần 1.000 ha lúa mùa và nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng nặng và khoảng 70% diện tích cây xanh, cây lâm nghiệp bị đỗ gãy chưa thể thống kê được; khoảng 8.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hư hại. Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái.
Sau khi nghe lãnh đạo các bộ báo cáo và đề xuất các giải pháp khắc phục thiệt hại sau bão, Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 10 có cường độ lớn, nhưng Trung ương và các địa phương đã có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời với nhiều biện pháp sáng tạo, cụ thể, dứt điểm.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò truyền thông đối với nhân dân được phát huy. Đặc biệt nhân dân đã tự giác nhận thức và chủ động trong phòng, chống sức tàn phá của cơn bão. Do đó, mặc dù bão lớn, vào nhanh, nhưng thiệt hại ít.
Biểu dương các cơ quan chức năng đã chủ động phòng chống bão nên đã hạn chế thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, Thủ tướng giao Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổng kết, rút kinh nghiệm trong phòng chống bão từ công tác phòng chống bão số 10.
Chỉ đạo những công việc sau bão, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do bão, trong đó lực lượng Quân đội, Công an huy động đủ quân số cần thiết.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ lượng gạo cần thiết cho tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ trực tiếp 40 tỷ đồng để tỉnh xây dựng hai cột ăngten phát sóng. Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng sửa chữa nhà cửa, nhất là các hộ gia đình chính sách theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Hiệp hội doanh nghiệp dược “lánh mặt” buổi kiểm tra chuyên ngành  (20/09/2017)
Nhiều ý kiến về mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Phòng chống tham nhũng  (20/09/2017)
Cách tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Phong Quang  (20/09/2017)
Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài  (20/09/2017)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung  (20/09/2017)
Chủ tịch nước gửi điện thăm hỏi vụ động đất mạnh ở Mexico  (20/09/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên