Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-02-2017)

Nhân Hòa (tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT)
23:53, ngày 21-02-2017
TCCSĐT - Chủ tịch Quốc hội tiếp đoàn công dân gương mẫu tỉnh Thanh Hóa; Tưng bừng Ngày hội xuống đồng - Xây dựng nông thôn mới; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho 6 cơ quan; Nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines cùng các đồng phạm ra hầu tòa; Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý tưởng xây dựng đất nước… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Coi trọng và chủ động thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân

Chiều 14-2, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2016, thảo luận trọng tâm phối hợp công tác năm 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những kết quả triển khai Quy chế phối hợp công tác đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong năm 2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng như thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Năm 2017, Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt trọng tâm tăng cường phối hợp, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp để người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc, phát huy vai trò người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo.

Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đặt trọng tâm phối hợp mở rộng và tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân; tiếp đón các đoàn quốc tế thăm, làm việc với Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Chủ tịch Quốc hội tiếp đoàn công dân gương mẫu tỉnh Thanh Hóa

Chiều 16-2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đoàn gồm 70 công dân gương mẫu, đại diện tập thể kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô, kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu về thăm tỉnh Thanh Hóa (20-2-1947 – 20-2-2017).

Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến.

Trong không khí đầm ấm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệt liệt chào mừng và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Xuân mới tới các công dân gương mẫu, tập thể kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa.

Bày tỏ ấn tượng trước thành tích của những cá nhân gương mẫu, tập thể kiểu mẫu trong các mặt công tác, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cách đây tròn 70 năm, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được đón tiếp Bác Hồ về thăm và làm việc lần đầu tiên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà các đại biểu đã đạt được; đồng thời đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa gắn việc tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân kiểu mẫu. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Tưng bừng Ngày hội xuống đồng - Xây dựng nông thôn mới

Ngày 16-2, tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức “Ngày hội xuống đồng - Xây dựng nông thôn mới” Xuân Đinh Dậu năm 2017.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh trống khai hội và cùng với lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Nam Định, nhân dân địa phương tham dự các hoạt động của ngày hội.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết ngày hội xuống đồng được nhiều địa phương tổ chức, trở thành một hoạt động ý nghĩa, cổ vũ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất khi bước vào Năm mới.

Ngày hội xuống đồng cũng là dịp để các cấp Hội Nông dân tuyên truyền thành tựu trong sản xuất nông nghiệp và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là sự kiện cổ vũ, động viên hội viên nông dân các địa phương hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Sáng 16-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tới thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng kết luận, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đây sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của Khu Công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng này nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia trên địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội với quy mô 1.586ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có chín dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và ba trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5ha thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hiện nay, đã có 36 dự án đi vào hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc, học tập.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc giữ vững định hướng, mục tiêu lâu dài để triển khai các hạng mục xây dựng, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo; là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp cùng thành phố Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ thời gian tới. Cùng với đó là chú trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại khu công nghệ có diện tích rất lớn này phù hợp với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho 6 cơ quan


Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư và danh mục dự án đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 cho Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (gọi tắt là bộ, ngành trung ương).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết danh mục dự án đủ thủ tục đầu tư và mức kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 cho các bộ, ngành trung ương trên.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đôn đốc các bộ, ngành trung ương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 hoặc phân bổ chưa đúng quy định khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết đồng thời, rà soát phương án phân bổ chi tiết số vốn chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa đúng quy định của bộ, ngành trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-2-2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương được giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 thông báo cho các đơn vị danh mục và mức kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cho từng dự án theo quy định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25-2-2017.

Nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines cùng các đồng phạm ra hầu tòa

Sáng 16-2, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Các bị cáo phải ra trước vành móng ngựa trong vụ án này gồm: Trần Văn Liêm, sinh năm 1955, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines; Trần Văn Khương, sinh năm 1951, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt, sinh năm 1980, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines cùng bị xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 - Bộ luật hình sự.

Ba bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” bị bắt tạm giam, riêng bị cáo Giang Văn Hiển, sinh năm 19590, bố đẻ bị cáo Giang Kim Đạt, bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”được tại ngoại.

Khởi tố 5 bị can liên quan tới vụ án Trịnh Xuân Thanh


Ngày 15-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can, gồm:

1. Lương Văn Hòa, sinh năm 1980, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC.

2. Lê Xuân Khánh, sinh năm 1976, Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC.

3. Nguyễn Lý Hải, sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC (hiện là nhân viên Phòng Kỹ thuật thi công Ban Điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2).

4. Nguyễn Thành Quỳnh, sinh năm 1973, Giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Miền Trung.

5. Lê Thị Anh Hoa, sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa (Cấm đi khỏi nơi cư trú).

Các bị can trên bị khởi tố về tội Tham ô tài sản, Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý tưởng xây dựng đất nước

Ngày 17-02, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Liên hiệp các Hội cần tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để trí thức đi đầu trong việc truyền bá, phổ biến những tinh hoa trí thức của nhân loại, góp phần thiết thực vào việc nâng cao dân trí và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 141 hội thành viên; 430 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc; 101 cơ quan báo chí, tập hợp hơn 2,8 triệu hội viên, trong đó có 1,5 triệu hội viên là tri thức, tương đương khoảng 1/3 trí thức cả nước.

Báo cáo Thủ tướng, ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Liên hiệp các Hội đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội; các dự án, đề án mang tính chiến lược như Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; Đề án Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050… Liên hiệp các Hội cũng đã cử nhiều chuyên gia tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức tập hợp đông đảo các trí thức.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân thì việc lắng nghe ý kiến của người dân, của giới trí thức là rất cần thiết. Thủ tướng khẳng định, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào có ý tưởng xây dựng đất nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ 6 vấn đề dư luận quan tâm

Ngày 17-02, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Xây dựng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, xóa bỏ những rào cản, “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp; đồng thời truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ 6 vấn đề. Đây cũng là những vấn đề mà người dân, dư luận đang rất quan tâm.

Thứ nhất, Bộ Xây dựng phải sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Thứ hai, hiện công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, yếu kém; quy hoạch chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện.

Thứ ba là vấn đề nhà ở. Chính sách phát triển nhà ở là chính sách hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, không dồn nén dân cư vào trung tâm các thành phố, xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô.

Thứ tư về vấn đề đơn giá vật liệu xây dựng. Đơn giá vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đã ban hành nhưng về các địa phương lại điều chỉnh đơn giá.

Thứ năm là vấn đề vật liệu xây dựng liên quan đến bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng lưu ý đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo các vật liệu mới, vật liệu tái chế, vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường để đưa vào sản xuất, xây dựng.

Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng. Số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn thấp. Do đó, Bộ Xây dựng cần báo cáo, giải trình thêm với Chính phủ về vấn đề này và tiếp tục chỉ đạo việc niêm yết và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.