Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-02-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
10:02, ngày 20-02-2017
TCCSĐT - Trao đổi với báo chí về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm nên chậm xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Một số nơi ngại va chạm trong tinh giản biên chế

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tính đến cuối tháng 11-2016, đã có 39 lượt bộ, ngành và 121 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2017 với tổng số 18.839 người. Trong đó, các cơ quan đảng, đoàn thể 789 người; cơ quan hành chính 2.342; đơn vị sự nghiệp công lập 12.041; cán bộ, công chức cấp xã 3.553; doanh nghiệp nhà nước 114. “Kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, tuyển chọn được những người có trình độ chuyên môn cao hơn phù hợp với yêu cầu và vị trí công việc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ cũng lưu ý, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh nên việc xây dựng đề án, kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm. Một số địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản. Một số bộ, ngành, địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục và đối tượng tinh giản biên chế theo quy định.

“Bộ Nội vụ đã yêu cầu giải trình, không thống nhất hoặc không thẩm tra đối với 4.314 trường hợp”, Bộ trưởng Nội vụ cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ đặt ra 6 nội dung trọng tâm yêu cầu cần thực hiện tốt để thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả.

Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, tinh giản biên chế phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đi đôi với cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, tập trung rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì.

Thứ tư, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Các địa phương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình.

Thứ sáu, xác định tinh giản biên chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi đơn vị, quyết liệt xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% so với tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015.

Kế hoạch cải cách hành chính ngành Tài chính năm 2017

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động và kịp thời triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động với các giải pháp quyết liệt, các nhiệm vụ cụ thể hóa gắn chặt với trách nhiệm của từng thủ trưởng đơn vị. Việc làm trên đã góp phần quan trọng vào thành công chung của công cuộc cải cách hành chính nước ta, tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2017, trong công tác cải cách hành chính Bộ Tài chính tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08-11-2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được thông qua.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; phấn đấu góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia đưa Việt Nam tiến tới mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 4.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức triển khai các Đề án Hiện đại hóa hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS, Đề án thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia, Đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế;...

Thứ năm, tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, trên cơ sở đó đẩy mạnh phân cấp quản lý và hoàn thiện tổ chức công vụ.

Thứ sáu, nâng cao tính chủ động, chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành tài chính - ngân sách gắn với tăng cường trách nhiệm của địa phương và nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính.

Triển khai trước dịch vụ công trực tuyến sử dụng thường xuyên

Thông báo 82/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị về Chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc yêu cầu các bộ, cơ quan nhất là các bộ thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm (giáo dục, y tế, tài chính, phúc lợi xã hội, lao động, môi trường) lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến đơn giản, có thể triển khai ngay, dịch vụ được người dân sử dụng thường xuyên và dịch vụ có thu phí để tiến hành thực hiện trước. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách đồng bộ. Qua đó, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc.

Thông báo nêu rõ, để nâng cao chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương khắc phục tồn tại, bất cập, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a và các văn bản liên quan về Chính phủ điện tử.

Về thuê dịch vụ công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chọn các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để triển khai thực hiện.

Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thống nhất đầu mối, giao các đơn vị chức năng trực thuộc làm rõ các số liệu cần cung cấp cho các tổ chức quốc tế (UNDP, ITU, UNESCO…) và Liên hợp quốc; định kỳ hàng quý phối hợp nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng bộ của số liệu giữa các cơ quan trước khi bộ chủ trì cung cấp cho các tổ chức quốc tế nêu trên, đồng thời cập nhật cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành mình.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì, đầu mối về cải thiện thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc. Định kỳ hằng quý, hằng năm có Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong các Phiên họp thường kỳ.

Mỗi tháng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ tiếp dân một lần

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 440/QĐ-BCT, ban hành quy chế về trách nhiệm tiếp công dân, việc tổ chức và hoạt động tiếp công dân của Bộ Công Thương và của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Theo quyết định này, mục đích của công tác tiếp công dân của Bộ Công Thương là nhằm lắng nghe, tiếp nhận các thông tin, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp ý kiến của công dân về những hành vi vi phạm đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh theo quy định của pháp luật.

Việc tiếp công dân thường xuyên của Bộ Công Thương được thực hiện trong các ngày làm việc của cơ quan Bộ (trừ ngày nghỉ, ngày lễ, Tết) tại phòng tiếp công dân trong khuôn viên trụ sở của Bộ, tại số 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thanh tra Bộ là cơ quan thường trực tiếp công dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày, vào ngày thứ Sáu trong tuần thứ 3 của tháng. Trường hợp Bộ trưởng đi vắng sẽ ủy quyền cho một thứ trưởng tiếp thay. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng sẽ bố trí tiếp công dân ngoài lịch tiếp công dân theo định kỳ.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm xét xét cụ thể vụ việc và báo cáo Bộ trưởng thời gian tiếp công dân. Đồng thời, Thanh tra Bộ có trách nhiệm cử cán bộ hướng dẫn công dân đến nơi tiếp và thực hiện các quy định về tiếp công dân của Bộ trưởng, giúp Bộ trưởng theo dõi và giải quyết các công việc tiếp theo sau khi tiếp công dân.

Mọi hành vi vi phạm các quy định về tiếp công dân theo quy chế thì tùy thuộc vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-02 và thay thế cho Quyết định số 8513/QĐ-BCT năm 2014 trước đó.

Hà Nội: Dân kêu nhiều về cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục

Xác định việc thực thi, tuân thủ kỷ cương hành chính là khâu yếu nhất hiện nay của thành phố, thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý để ban cán sự thành phố Hà Nội chọn năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”.

Sự thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu minh bạch của đội ngũ cán bộ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính dẫn tới bức xúc trong dư luận nhân dân. Trong 5 năm thực hiện chương trình của Thành ủy Hà Nội khóa 15: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ 2011-2015”, thành phố Hà Nội đã kỷ luật 526 cán bộ công chức. Những cán bộ công chức này phần lớn có hành vi vi phạm chế độ công vụ, công chức và có thái độ ứng xử không chuẩn mực, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thẳng thắn chỉ ra: “Hiện nay dư luận nhân dân, rồi thường trực khi kiểm điểm cuối năm 2016 cũng đánh giá bộ máy chính của thành phố và cán bộ chủ chốt là giám đốc, phó giám đốc đã chuyển động. Nhưng còn trưởng phòng, phó phòng của các sở ban ngành, trưởng phòng, phó phòng của các quận, huyện, rồi giám đốc, phó giám đốc của các ban quản lý dự án của các quận, huyện và đặc biệt là các chuyên viên của các phường, xã, rồi chuyên viên của các sở trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính, người dân còn kêu rất nhiều”.

Để cụ thể, minh bạch hóa việc thực thi kỷ cương hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó nêu rõ mục đích để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”.

Quy tắc quy định cụ thể, rõ ràng trong việc ứng xử với người dân: “Giải quyết yêu cầu, công việc của người dân đúng quy định, quy trình.”. “Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu”; “Không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; không hẹn gặp giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.”…

Cà Mau truyền thông về hoạt động cải cách thủ tục hành chính đến từng người dân, doanh nghiệp

Tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch "Truyền thông về cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017 trên địa bàn tỉnh".

Mục đích là nhằm tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bộ, ngành Trung ương và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao nhận thức của của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, mục tiêu và tâm quan trọng của hoạt động này.

Việc truyền thông còn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể chính trị, chính trị- xã hội trong việc thực hiện truyền thông về cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tiếp cận và thực hiện giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, giúp người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong quá trình giải quyết công việc có liên quan đến thực thi thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân./.