Vị thế quan trọng của người thầy trong đổi mới giáo dục hiện nay
Theo những tổng kết mới đây, các nhà khoa học đã cho rằng: lịch sử phát triển của giáo dục nhân loại gắn liền với sự thay đổi vai trò, vị thế của người thầy; và nền giáo dục của thế giới đang phát triển ở thời kỳ thứ tư. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ chuyển giao trực tiếp tri thức (người thầy cần có khả năng truyền đạt lại những tri thức mà mình đã thu nhận được đến với học trò). Thời kỳ thứ hai là thời kỳ cải tiến phương thức truyền đạt (ứng với sự ra đời của kĩ thuật ấn loát) để học trò dễ tiếp thu hơn. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ soạn thảo những sách học chuyên biệt và thời kỳ thứ tư là thời kỳ của việc học tập có hướng dẫn. Nếu như ở thời kỳ thứ nhất, yêu cầu đối với người thầy là khả năng đọc rộng và truyền đạt tốt; thì ở thời kỳ thứ hai, năng lực đó sẽ là lựa chọn và sắp xếp các bài học và truyền đạt theo lối thử nghiệm mò mẫm; ở thời kỳ thứ ba sẽ là việc truyền đạt kết hợp với sử dụng sách giáo khoa và tài liệu học tập. Như vậy từ “ống dẫn thông tin” đến “chất xúc tác của quá trình hướng dẫn thông tin” hiện nay, vai trò và vị thế của người thầy đã có những thay đổi khá khác biệt.
Từ những năm gần giữa thế kỉ XX, John Dewey (1859-1952) - nhà giáo dục nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ đề ra tư tưởng: dạy học là giao việc cho học sinh “làm” chứ không phải giao vấn đề cho học sinh “học”; còn Tsunesaburo Makiguchi (1871-1944) - nhà cải cách giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản cũng cho rằng: truyền đạt tri thức - không phải và không bao giờ là mục đích của giáo dục. Mục đích của giáo dục là hướng dẫn quá trình học tập và đặt trách nhiệm học tập vào trong tay mỗi học sinh. Giáo dục được xem như là quá trình giáo viên hướng dẫn học sinh hoạt động nhận thức để “tự phát triển”. Vì thế, một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông là đào tạo những giáo viên có thể làm những người hướng dẫn có hiệu quả cho học sinh khi học tập chứ không phải là những người truyền thụ "những mảnh tri thức chết". Ông cảnh báo: "người thầy phải thôi nhồi nhét tri thức cho học sinh và phải hướng dẫn họ tự nỗ lực khai tâm cho mình". Người thầy phải tự quyết định xem mình có phải là người chuyên tổ chức việc truyền đạt tri thức hay là người thức tỉnh mỗi sự quan tâm và sự tò mò của bản thân học sinh. Người thầy quyết định như thế nào về vấn đề này - Tsunesaburo Makiguchi quả quyết - đó sẽ là "tác nhân quan trọng nhất" trong cải cách giáo dục, và hơn thế nữa, trong công cuộc thay đổi toàn bộ quan niệm và phương pháp giáo dục(1). Đây là quan niệm từng gây được sự chú ý của các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo tư tưởng vốn quan tâm đến sự cải cách và hồi sinh nền giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới - trong đó có Nhật Bản. Theo đó, vị trí của người thầy không phải đứng giữa môn học và học sinh mà ở cạnh học sinh như một hướng dẫn viên, kích thích và duy trì hứng thú học tập của học sinh.
Xuất phát từ yêu cầu của chiến lược phát triển con người và những đòi hỏi bức bách của công cuộc cải cách giáo dục ở nước ta cách đây hơn một phần ba thế kỉ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đã phát biểu: "Phải dạy cho học sinh biết suy nghĩ, suy nghĩ bằng trí óc của mình, và diễn tả sự suy nghĩ đó theo cách của mình thế nào cho tốt nhất"(2). Dạy học nhằm tạo ra sự tác động trong nhận thức và tình cảm, sự tích cực suy nghĩ, niềm đam mê ham thích sáng tạo, tìm tòi của học sinh chứ không phải tạo ra thói quen trông chờ và bắt chước - đó là một tư tưởng quan trọng, kiên quyết và mạnh mẽ; một khát vọng cách mạng cho khoa học nghiên cứu phát triển giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta hiện nay.
Lý thuyết dạy học "lấy người học làm trung tâm" có nguồn gốc từ John Dewey với tư tưởng "Học sinh là mặt trời quy tụ xung quanh nó mọi phương tiện giáo dục" từng được các nhà khoa học sư phạm nước ta thảo luận sôi nổi cũng là một vấn đề đáng chú ý, nó cũng từng được đề cao ở phương Tây và Nhật Bản - nhưng hiện nay, ngay cả các nước đang phát triển, để thực hiện điều đó cũng cần có những chỉ dẫn linh hoạt thông qua việc thiết kế các phương án dạy học đồng kiến tạo (Learner-centered instruction: constructivist approaches to teaching).
Điều này cho thấy, một tư tưởng lý thuyết khi ứng dụng vào thực tế rất cần có cách nhìn nhận, nghiên cứu và phát triển nó theo những bình diện khoa học và điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, bởi tư tưởng giải phóng tiềm năng sáng tạo của học sinh là cực kỳ quan trọng - nhưng cũng có điều quan trọng là không ai thay thế được ông thầy trong nhà trường như V. I. Lênin đã có lần lưu ý. Về vấn đề vai trò của giáo viên, đã từng có ý kiến nhấn mạnh: "đã là một nhà trường, bất cứ ở điều kiện thế nào, cho dù thô sơ nhất thì cũng phải có hai yếu tố: người thầy - người dạy, và học trò - cái trung tâm, cái đối tượng. Không có hai yếu tố này thì không thành trường. Một bên phải giảng dạy, một bên cần tiếp thu, nên trong bất cứ điều kiện như thế nào cũng cần đến phương pháp". Như vậy, trong những vấn đề cốt yếu cần được tiếp tục ưu tiên nhấn mạnh trong nhà trường phải chăng còn là vấn đề vị thế của người dẫn dắt, tổ chức quá trình lĩnh hội kiến thức cho học sinh và đặc biệt là vấn đề vai trò của phương pháp dạy học mang tính đặc thù bộ môn - chứ không hẳn là xu hướng chỉ đề cao đến mức tuyệt đối hoá vai trò của học sinh một cách chung chung và hình thức. Luật Giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 14- 6-2005, Điều 5: Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục cũng nêu rõ: "Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên". Như vậy, thêm một lần vấn đề đổi mới phương pháp dạy học được khẳng định cả ở phương diện bản chất và mục tiêu thực hiện.
Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 04-11-2013 "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Đảng ta đã xác định quan điểm chỉ đạo: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học". Theo đó, phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: "Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;... Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực". Như vậy, hoạt động dạy học trong nhà trường không phải là cung cấp kiến thức một chiều, ghi nhớ máy móc; mà nhằm huấn luyện cho học sinh cách học. Có thể nói: quan điểm chỉ đạo và các giải pháp này đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng không chỉ trước những thử thách của tài năng và lương tâm nghề nghiệp, mà còn có ý nghĩa khuyến khích và yêu cầu cao đối với sự sáng tạo của mỗi người thầy.
Giáo dục (tiếng Anh: Education) thường được hiểu theo nghĩa chung là phương cách học tập theo đó kiến thức, kỹ năng và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Theo đó, các yếu tố tương tác trong quá trình giáo dục là người dạy - người học - mục tiêu - nội dung - phương pháp - môi trường dạy học, trong đó mục tiêu của chương trình giáo dục chi phối đến toàn bộ các yếu tố khác. Chương trình dạy học truyền thống được các nhà khoa học gọi là “chương trình giáo dục định hướng nội dung” - trong đó, nội dung các môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa thành tựu của các ngành khoa học tương ứng. Ưu điểm của chương trình này là kiến thức cần hình thành cho học sinh được trình bày theo hệ thống lớp học và cấp học một cách bài bản. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của thực tiễn và sự tăng tốc như vũ bão của công nghệ thông tin trên thế giới hiện nay, chương trình giáo dục định hướng nội dung đã tỏ ra không còn ưu thế. Các nước có nền giáo dục tiên tiến đã nhanh chóng chuyển sang “chương trình giáo dục định hướng năng lực” - tức thay vì trả lời câu hỏi “học sinh học được kiến thức gì” nay chuyển sang trả lời câu hỏi “học sinh học để làm được gì”? Như vậy, dạy học theo định hướng phát triển năng lực cũng có thể được hiểu là thông qua quá trình dạy học, học sinh có khả năng vận dụng được một cách thuần thục các kiến thức, kỹ năng và phẩm chất/thái độ đã được học vào các tình huống thực tiễn, luôn luôn chủ động và thành công trong công việc của mình. Quá trình phát triển năng lực là quá trình liên tục trải nghiệm, vì vậy, quá trình giáo dục theo định hướng năng lực cũng chính là quá trình giáo viên hướng dẫn học sinh vừa hình thành năng lực phổ thông (literacy) vừa hình thành năng lực học tập suốt đời (lifelong learning).
Nhiều năm qua, đội ngũ giáo viên đã quen thuộc với việc chú trọng giúp cho học sinh tiếp thu được một hệ thống kiến thức theo các môn học được quy định trong chương trình giáo dục. Trên thực tế, nói như Galileo Galilei: Người ta không thể dạy một người nào đó, mà chỉ có thể giúp đỡ để người đó tự mình khám phá. Câu nói đó có phần thiên về khẳng định vai trò phát triển tự thân của người học nhưng không phải phủ nhận vai trò định hướng, tổ chức của giáo viên trong quá trình giáo dục. J.A.Cômenxki - một nhà giáo dục vĩ đại, đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa nhân văn, nhà hoạt động xã hội lớn của Séc trong những năm giữa thế kỉ XVII gọi giáo viên là người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh” - đó cũng là một cách vinh danh vị thế cao cả của người thầy trong quá trình thắp lửa, khơi nguồn và định hướng tương lai cho các thế hệ người học.
Bác Hồ từng khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ghi nhận: "Nghề dạy học là nghề cao quí trong các nghề cao quí"; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm giảng dạy của đội ngũ nhà giáo: "Học sinh học nhiều, nhớ nhiều là điều đáng khuyến khích, nhưng quyết đó không phải là điều chủ yếu. Điều chủ yếu là dạy suy nghĩ, dạy sáng tạo... Vấn đề là: Dạy cái gì? Học cái gì? Luyện tập cho học sinh cái gì là chủ yếu: bộ óc hay chỉ là trí nhớ?... Phải dạy cho học sinh biết suy nghĩ, suy nghĩ bằng trí óc của mình và diễn tả sự suy nghĩ đó theo cách của mình thế nào cho tốt nhất.
Ngày nay, sự hiểu biết của con người luôn luôn đổi mới. Cho nên, dù học được trong nhà trường bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ là rất có hạn. Thế thì cái gì là quan trọng? Cái quan trọng là rèn luyện bộ óc, rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp học tập, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng kiến thức, phương pháp vận dụng tốt nhất bộ óc của mình. Bởi vì bộ óc của con người có thể phát huy được tất cả cái hay, cái mới và phát huy mãi mãi.
Chúng ta phải làm thế nào, bằng giáo dục phổ thông, qua giáo dục phổ thông, mà rèn luyện cho học sinh có bộ óc để suy nghĩ, để tiếp thụ cái gì có giá trị, sau đó, tự học và vận dụng, sáng tạo". Về vấn đề này, Antoine De La Garanderie - tiến sĩ triết học, giám đốc trung tâm nghiên cứu tại trường Đại học Tổng hợp Lyon II - một trong những nhà sư phạm Pháp nổi tiếng từ những năm 80 của thế kỷ XX đã nhận xét rằng: nếu hiểu được cách thức hoạt động trí óc của mỗi học sinh thì giáo viên hoàn toàn có thể giúp học sinh đó tiến bộ. Như thế, việc mỗi giáo viên đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu cấu trúc hoạt động tư duy sáng tạo của học sinh trong giờ dạy học một cách thấu đáo sẽ có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả tiếp nhận của các em - nói như nhà giáo dục Nga S. A. Amonasvili: “cải tổ phương pháp - đó không phải là hệ thống các thủ tục hướng tới (ví dụ như: phân chia lại các phương pháp, cách thức, phương tiện dạy học) mà nhà giáo tự cải tổ mình, cải tổ quan điểm, cách nhìn, cách hình dung”. Đó là một thử thách, cũng là một gợi ý thú vị đối với các nhà giáo - những tấm gương sáng về tự học và sáng tạo, tràn đầy tâm huyết với nghề nghiệp trong thời kì bùng nổ thông tin, kinh tế thị trường và những thế hệ học sinh đang khao khát tự tin bước vào kỉ nguyên mới của thế giới hiện đại./.
--------------------------------------------
(1) T. Makiguchi: Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo. NXB Trẻ, 1994, tr. 19-20.
(2) Phạm Văn Đồng: Tuyển tập văn học. NXB Văn học, 1996, tr. 389, 396.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Cơ quan Tình báo Bulgaria  (29/11/2016)
Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập trên biển khu vực Trường Sa  (29/11/2016)
Trưởng ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Nhật Bản  (29/11/2016)
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có tham luận quan trọng tại APA-9  (29/11/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến ngày 27-11-2016)  (29/11/2016)
Hợp tác Quốc phòng Việt-Nhật toàn diện, thực chất và tin cậy lẫn nhau  (29/11/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay