TCCSĐT - Sáng 13-10-2016, trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp phê chuẩn tổng thư ký mới của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký mới được phê chuẩn, ông Antonio Guterres đã bày tỏ cam kết sẽ phụng sự tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bằng thái độ công tâm.

Các quốc gia ASEAN cần xây dựng một cơ chế hợp tác về an ninh mạng
 
 Quan chức ASEAN tham dự Hội nghị. Ảnh: Vietnam+

Từ ngày 10-10 đến ngày 12-10-2016, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về an ninh mạng. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Yaacob Ibrahim nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng đối với phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Bảo đảm an ninh mạng không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi nước, mà còn cần phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm, xây dựng năng lực và thể chế, tạo một hành lang pháp lý và bộ tiêu chuẩn thống nhất trong khu vực cũng như tăng cường các cuộc diễn tập chung xử lý các sự cố,... Để thúc đẩy mục tiêu này, Bộ trưởng Y. Ibrahim cho biết Singapore sẽ tài trợ 10 triệu SGD (tương đương 7,7 triệu USD) cho chương trình nâng cao năng lực và khả năng ứng phó sự cố về an ninh mạng; tài trợ cho sáng kiến toàn cầu “không gian mạng xanh” (CyberGreen) nhằm hỗ trợ các nước nâng cao nhận thức và có các biện pháp phòng ngừa, đối phó với các rủi ro từ không gian mạng.

Tại Hội nghị, đại diện các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanma, Brunei và Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng năng lực, thể chế; nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như ban hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các quốc gia, đồng thời khẳng định duy trì các diễn đàn đối thoại thường xuyên ở cấp khu vực cũng như với các đối tác về vấn đề an ninh mạng; xây dựng chiến lược về an ninh mạng; bảo đảm tính kết nối giữa các quốc gia; xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi để thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân, góp phần giảm bớt gánh nặng cho chính phủ và tăng cường nhận thức cho người dân; đặc biệt là tổ chức các cuộc diễn tập chung để giải quyết các sự cố.

11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ tại Anh
 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Shannon.cs/TTXVN

Ngày 12-10-2016, theo kết luận trong báo cáo thường niên đầu tiên của ông Kevin Hyland trên cương vị Ủy viên độc lập đánh giá kết quả việc thực hiện Đạo luật chống chiếm hữu nô lệ thời hiện đại, tại Anh ước tính hiện có khoảng 11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ dưới nhiều hình thức. Trong vòng một năm qua (tính từ tháng 8 năm ngoái), cảnh sát Anh ghi nhận tổng cộng 956 vụ vi phạm đạo luật trên trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, chỉ có 127 vụ được đưa ra ánh sáng và các đối tượng phạm pháp bị luận tội hoặc bị triệu tập ra tòa. Con số này khá khiêm tốn so với số liệu của Cơ chế Truyền tin quốc gia (NRM), vốn được thiết lập để xác định các nạn nhân của tình trạng cưỡng ép làm nô lệ, theo đó ghi nhận tới 3.359 trường hợp trong cùng thời gian. Ông K. Hyland kết luận Anh đã không tiến hành điều tra đầy đủ, để có thể tiến hành khởi tố những kẻ phạm tội. Theo ông, đây là kết quả của việc thiếu hợp tác giữa các cơ quan chức năng, để lọt lưới những đối tượng phạm tội.

Để khắc phục tình trạng này, ông K. Hyland khuyến cáo Anh cần huy động mọi nguồn lực để đối phó với nạn buôn người, các cơ quan an ninh đều phải nhập cuộc và có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các nước là nguồn cung nô lệ từ châu Phi (Nigieria), Đông Âu (Albania) hay một số quốc gia Đông Nam Á. Với 30 năm kinh nghiệm điều tra tội phạm có tổ chức, ông K. Hyland đặc biệt nhấn mạnh sự phối hợp của các nước. Theo thống kê, mỗi năm, tội phạm cưỡng ép nô lệ hiện đại kiếm lợi tới 150 tỷ USD, trong khi thế giới chỉ chi 1 tỷ USD cho cuộc chiến chống loại hình tội phạm này. Đạo luật chống chiếm hữu nô lệ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3-2015. Các nhà hoạt động đã ca ngợi đạo luật này là bước đi lớn trong cuộc chiến đang ảnh hưởng 46 triệu người trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc mới Antonio Guterres cam kết phụng sự tất cả các quốc gia bằng thái độ công tâm
 
 
Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres. Ảnh: portugal-india.com

Sáng 13-10-2016, trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp phê chuẩn tổng thư ký mới của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký mới được phê chuẩn, ông Antonio Guterres đã bày tỏ cam kết sẽ phụng sự tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bằng thái độ công tâm, dựa trên những nguyên tắc đã được nêu rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc. Ông A. Guterres khẳng định những vấn đề của thế giới phức tạp ngày nay chỉ có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận khiêm nhường - theo đó một mình Tổng Thư ký không thể đưa ra tất cả các câu trả lời, không thể áp đặt quan điểm của mình, mà thay vào đó cần phải điều động những nhân viên tốt, đóng vai trò là người điều phối, tập hợp, gây dựng cầu nối và là người trung gian trung thực để giúp tìm ra những giải pháp có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm Ban Ki-moon bày tỏ tin tưởng ông A. Guterres là sự lựa chọn tuyệt vời để chèo lái Liên hợp quốc trong bối cảnh tổ chức này đang phải đang đối phó với những thách thức mới. Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Peter Thompson nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc tiến trình bầu chọn tổng thư ký năm nay được tiến hành theo cách thức mới, qua đó bảo đảm ứng cử viên được lựa chọn là người xứng đáng nhất, có năng lực nhất và có quyết tâm cao nhất đối với thực hiện những mục tiêu và những nguyên tắc đề ra trong hiến chương Liên hợp quốc. Trong bài phát biểu của mình, đại diện các nhóm nước thành viên Liên hợp quốc (nhóm châu Phi, nhóm châu Á - Thái Bình Dương, nhóm Đông Âu, nhóm Mỹ Latinh, nhóm Anh, Tây Âu và một số nước khác) đều cam kết sẽ ủng hộ và hợp tác với ông A. Guterres trong bối cảnh Liên hợp quốc đang đứng trước đòi hỏi cải tổ để thích ứng với những thách thức của thời đại mới.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 21
 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Ngày 14-10-2016 tại Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 21 (AEMM 21). Tại Hội nghị, hai bên tập trung kiểm điểm và đề ra định hướng phát triển quan hệ ASEAN - EU. Các nước đều hoan nghênh những tiến triển đạt được kể từ Hội nghị AEMM 20 năm 2014 tại Brussel, Bỉ, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch hành động (giai đoạn 2013 - 2017) thực hiện Tuyên bố Nuremberg về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - EU. Đến nay EU là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Năm 2015, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa ASEAN và EU đạt 228,2 tỷ USD, chiếm 10% tổng thương mại của ASEAN; đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN chiếm 19,6 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng đầu tư vào ASEAN.

Hai bên đề cao tầm quan trọng của quan hệ ASEAN - EU và mong muốn đưa quan hệ lên tầm cao mới, làm sâu sắc hơn hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ nỗ lực hướng tới nâng cấp quan hệ ASEAN - EU thành đối tác chiến lược, thông qua ‘‘Tuyên bố Bangkok về Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu ASEAN - EU vì các mục tiêu chiến lược chung’’, trong đó đề ra phương hướng, khuôn khổ và biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

BRICS: Kêu gọi hợp tác chống tham nhũng, khủng bố và dịch bệnh
 
 Lãnh đạo 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thông qua Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng như Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên. Ảnh: indianexpress.com

Chiều 16-10-2016, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tám Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) diễn ra ở bang Goa của Ấn Độ, lãnh đạo 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thông qua Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng như Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên, trong đó đề ra hoạt động cụ thể của nhóm trong năm tới. Theo hãng tin Nga TASS, đại diện 5 nước BRICS cũng thông qua Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau trong tạo lập khuôn khổ cho các nghiên cứu nông nghiệp, tình hình của Ủy ban hợp tác thuế quan BRICS, cũng như Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau giữa các học viện ngoại giao 5 nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng các nước thành viên BRICS cần xây dựng một văn bản pháp lý cũng như có cơ chế nhằm chấm dứt các hành vi rửa tiền và tham nhũng. Ông N. Modi cũng kêu gọi các nước BRICS tăng cường liên lạc trong các vấn đề an ninh và chống khủng bố, bảo đảm cuộc sống yên bình cho người dân. Cụ thể, theo Thủ tướng Ấn Độ, để chống khủng bố, các nước BRICS cần phối hợp hành động; cần cắt đứt mọi nguồn cung tài chính, vũ khí, đào tạo cũng như hỗ trợ chính trị cho những kẻ khủng bố. Bên cạnh đó, Thủ tướng N. Modi kêu gọi 5 quốc gia thành viên tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, đường sắt và thể thao. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất các nước BRICS phát triển cơ chế hợp tác chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như bệnh Ebola, virus Zika..., đồng thời soạn thảo một quan điểm chung nhằm điều chỉnh vấn đề thương mại điện tử./.