Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - tấm gương người cộng sản mẫu mực

PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Dung Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
22:41, ngày 01-04-2014

TCCSĐT - Là người luôn thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, gương mẫu,... tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương cho các thế hệ cách mạng, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo.

1. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02-4-1904, trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cha mất sớm, nên ngay từ khi còn nhỏ, đồng chí đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống và giúp đỡ gia đình, sớm thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước và nung nấu ý chí và quyết tâm tìm con đường cứu dân, cứu nước.

Năm 1925, đồng chí được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí đã được sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, giảng dạy. Sau khi hoàn thành khóa học, đồng chí trở về nước hoạt động. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thiết lập được đường dây liên lạc bằng đường thủy Hải Phòng - Hồng Công - Quảng Châu. Tuyến đường này đã đưa nhiều thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự các khóa huấn luyện do Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức và chuyển tài liệu, sách báo về trong nước.

Hoạt động ở Hải Phòng, đồng chí bị mật thám theo dõi, năm 1927 đồng chí đã bí mật vào Sài Gòn hoạt động trong kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ. Cùng với các đồng chí trong kỳ bộ, đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở của Hội trong công nhân. Cuối năm 1928, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí lại trở về Hải Phòng để thiết lập một đường dây liên lạc quốc tế bằng đường biển Hải Phòng - Pari, thông qua các thủy thủ làm việc trên tàu. Nhờ đường dây liên lạc này mà nhiều sách báo, tài liệu, tin tức từ nước ngoài được chuyển về trong nước thuận lợi và an toàn.

Giữa năm 1929, đồng chí được Tổng bộ Thanh niên cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, sau đó đến Thượng Hải, để xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều và thiết lập đường dây liên lạc từ Trung Quốc về nước.

Tháng 5-1931, đồng chí bị địch bắt, thực dân Pháp dùng mọi nhục hình để tra tấn, song chúng không khai thác được gì. Chúng giải đồng chí về Sài Gòn một thời gian, rồi lại đưa ra Hà Nội. Ở trong tù, đồng chí đã vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù, tham gia thành lập chi bộ Đảng trong tù. Cái tên Sao Đỏ được xuất hiện từ đây.

Năm 1932, thực dân Pháp đưa đồng chí về Hải Dương xét xử. Mặc dù không có chứng cớ, nhưng tòa án thực dân vẫn kết án đồng chí tù khổ sai chung thân và đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Không chịu khuất phục trước kẻ thù, đồng chí đã cùng anh em tù tìm cách vượt ngục. Thoát khỏi ngục tù đế quốc, đồng chí trở về Hải Dương tiếp tục hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng.

Giữa năm 1933, trong một chuyến đi công tác lên Bắc Giang, đồng chí lại bị địch bắt. Tòa án đề hình Bắc Giang xử đồng chí án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đến năm 1935, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La.

Cuối năm 1943, Chi bộ Đảng trong nhà tù Sơn La tổ chức cho đồng chí vượt ngục, trở về tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng vùng an toàn khu ven Hà Nội. Đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công phụ trách công tác tài chính và binh vận của Đảng.

Với những hoạt động tích cực và uy tín lớn của đồng chí, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào (8-1945), đồng chí là một trong 5 người được bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Sau khi đất nước giành được độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, như: Trưởng ban Tài chính kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên ở Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Dù phải đương đầu với những cuộc tra tấn dã man của quân thù, đồng chí không hề nao núng tinh thần, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Cái tên Sao Đỏ không chỉ là tấm gương sáng đối với những người cách mạng, mà còn là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Đất nước được độc lập chưa được bao lâu, chính quyền cách mạng đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Để giữ vững chính quyền cách mạng, tập hợp lực lượng, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự nguyện rút lui khỏi Chính phủ, nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ. Đánh giá về hành động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã nói: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”(1).

Bằng ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự học tập, rèn luyện để trở thành một cán bộ xuất sắc của Đảng, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó, từ lĩnh vực kinh tế, tài chính, đến thanh tra, binh vận,... công việc nào đồng chí cũng làm có hiệu quả...

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một người cộng sản mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Dù giữ nhiều cương vị khác nhau, song suốt đời đồng chí luôn có cái tâm trong sáng, không màng tới danh lợi cho bản thân. Trong cuộc đời, đồng chí luôn có tác phong quần chúng, giản dị, khiêm tốn, thái độ cởi mở, chân thành, thẳng thắn, thương yêu anh em, bạn bè, đồng chí, chăm lo đến đời sống của nhân dân. Những tên gọi thân thương “Sao Đỏ”, “Anh Cả” mà nhiều người thường gọi, chính là biểu hiện sự tôn vinh, lòng kính trọng những phẩm chất mẫu mực, trong sáng của đồng chí.

Đối với cán bộ, đảng viên, bên cạnh việc tu dưỡng, rèn luyện lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, theo đồng chí Nguyễn Lương Bằng thì cần phải đặc biệt coi trọng vấn đề phẩm chất đạo đức, lối sống. Nhìn vào thực tiễn, đồng chí thấy có một số cán bộ, đảng viên ít nhiều ảnh hưởng lối sống tư sản và các lối sống phi vô sản khác, điều đó đã gây tác hại không chỉ cho Đảng, cho cách mạng, mà còn cho cả bản thân họ nữa. Thí dụ như: Tham ô vặt, công tư nhập nhằng, hủ hóa, kèn cựa, địa vị, tự phụ, suy bì... Đồng chí cho rằng, nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện đó là do lập trường giai cấp, quan điểm chính trị chưa vững vàng, chưa đúng đắn; việc giáo dục quản lý cán bộ ở đơn vị còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt là còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí yêu cầu cán bộ, đảng viên cần học tập thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi thứ xa hoa, lãng phí, thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, lành mạnh. Muốn vậy, phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phải có ý chí cách mạng kiên cường, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, giữ vững đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thường xuyên học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn nhắc nhở anh chị em, phải tiết kiệm, tiết kiệm trong sử dụng phương tiện làm việc, tiết kiệm trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Theo đồng chí, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, cái gì cần chi thì vẫn phải chi. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), kể lại: “Khi ký Hiệp định ra vay bạn một số tiền để chi tiêu cho sứ quán (vì bấy giờ ta chưa có nguồn ngoại tệ), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nêu nguyên tắc: “Tiền chúng ta vay sau này sẽ phải trả nên phải chi tiêu hết sức dè sẻn”. Cùng với việc mua sắm ban đầu bảo đảm điều kiện vật chất tối thiểu cho hoạt động của một cơ quan đại diện, trang bị tối thiểu cho chỗ ăn, chỗ ở của cán bộ, nhân viên, anh còn cho xây dựng một chế độ cung cấp từ áo, quần đến ăn uống cho cán bộ nhân viên; ngoài ra mỗi người được cấp tùy theo cấp bậc từ 50 rúp cũ (chỉ bằng 5 rúp sau khi đổi tiền) đến 100 rúp cũ. Là Ủy viên Trung ương, Đại sứ, anh cũng chỉ nhận 100 rúp (bằng 10 rúp bây giờ). Như vậy, anh theo chế độ chung và mặc dù anh em ra sức thuyết phục, anh cũng chỉ chịu nhận hơn anh em cán bộ, nhân viên một ít, không đáng kể. Anh căn dặn cán bộ phải “đói cho sạch, rách cho thơm”, không cần sang, chỉ cần sạch sẽ, đứng đắn, vì dù làm việc gì, hàm cấp nào, là cán bộ, nhân viên Đại sứ quán mình đều mang tư cách đại diện cho đất nước, cho dân tộc”(2).

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương), là một trong những người có nhiều năm sống, làm việc cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhận xét: “Những năm được sống và hoạt động cùng anh Nguyễn Lương Bằng, tôi thấy anh là một con người rất khiêm tốn, trung thành, đặc biệt anh rất tiết kiệm, tiết kiệm nổi tiếng. Ý thức tiết kiệm của anh không phải chỉ cho bản thân mà cho cái chung. Không bao giờ anh sử dụng xe công để đi việc riêng. Đối với anh em, đồng chí, bao giờ anh cũng chân tình, chu đáo, cẩn thận”(3).

Đồng chí Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), viết: “Ông Nguyễn Lương Bằng là người cũng như Bác Hồ quyết tâm không sa vào con đường danh lợi, dốc lòng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, đồng bào, ngày đêm chăm lo hoàn thành nhiệm vụ. Anh Cả trước sau đều giữ nếp sống cao thượng của một người cách mạng, không có một chút của riêng. Ở sâu tại một phố vắng của Hà Nội, ông chỉ nhận một ngôi nhà nhỏ với những tiện nghi rất sơ sài và người giúp việc. Những năm đầu ông vẫn trèo đèo, lội suối, đi bộ hoặc đi xe đạp. Bình sinh chính trực, khiêm tốn, giấu mình, vùi đầu vào công việc, coi trọng của công, không mảy may vụ lợi, mưu danh, sau khi qua đời, ông chỉ để lại một tấm gương, một tiếng thơm...”(4).

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, gương mẫu. Chính vì vậy, đồng chí đã trở thành người cộng sự đắc lực và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương cho các thế hệ cách mạng, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo. Đảng ta nhận định: “Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí bất diệt”(5)./.
-------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 160

2. Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 210

3. Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, sđd, tr. 200

4. Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, sđd, tr. 220

5. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ngày 23-7-1979, Báo Nhân dân, ngày 24-7-1979