Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở đảng

PGS,TS. Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh TS. Ông Văn Năm, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
16:50, ngày 07-08-2013
TCCSĐT - Tự phê bình và phê bình là một vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là công cụ sắc bén để giáo dục đảng viên, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; giữ vững chế độ tập trung dân chủ và chủ động đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn trong nội bộ Đảng, bài viết này nghiên cứu về vai trò của tự phê bình và phê bình, nhận diện về phản tự phê bình và phê bình, những nguyên nhân của hạn chế và trên cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Nhận diện phê bình và tự phê bình trong Đảng

Trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội không có mô hình sẵn có nên Đảng ta vừa làm vừa học tập, tổng kết kinh nghiệm, trong đó có những sai lầm, khuyết điểm đã được kịp thời được khắc phục, sửa chữa trong nội bộ để giữ vững sự lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I. Lê-nin viết: “… chỉ có kẻ nào không làm một công việc thực tiễn nào mới không bị sai lầm”(1) và “sai lầm cũng dạy chúng ta nhiều bài học…, chúng ta sẽ học tập bằng tự phê bình”(2). Hơn nữa, “Những sai lầm thường khi lại bổ ích, nếu người ta học tập được về những sai lầm đó, nếu những sai lầm đó tôi luyện con người”(3). Khẳng định thêm tư tưởng này, trong lời giới thiệu tác phẩm Cú sốc tương lai, Alvin Toffler viết: “Lý thuyết không cần phải “đúng” để có thể là có ích. Ngay cả sai lầm cũng có chỗ dùng được”(4). 

Tự phê bình và phê bình được V.I. Lê-nin coi là quy luật phát triển đảng. Người cho rằng “tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”(5). Người chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”(6). Vì vậy, một đảng “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”(7). Cùng quan điểm này bằng một cách diễn đạt mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(8).

Từ những tìm hiểu về vai trò của phê bình và tự phê bình theo quan điểm của những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có thể khẳng định tự phê bình và phê bình là một tất yếu khách quan trong hoạt động xây dựng và phát triển Đảng. Nhưng vấn đề là phương pháp phê bình như thế nào để đảng viên tích cực, chủ động nói thẳng, nói thật, làm rõ được bản chất của vấn đề. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng thuật ngữ “khéo dùng cách phê bình”, có thể hiểu xa hơn nghĩa là phê bình là một nghệ thuật. 

Mặc dù tự phê bình và phê bình được xem là vũ khí, quy luật xây dựng - phát triển Đảng, nhưng trên thực tế, chất lượng phê bình hiện nay vẫn còn là khâu yếu. Đặc biệt thực tiễn những năm gần đây cho thấy, ở không ít các cấp ủy đảng, vũ khí phê bình và tự phê bình đã bị biến đạng, lạm dụng, làm cho nó không còn là nó nữa; biến nó thành cái đối lập với nó và xuyên tạc nó. Đây là một nguy cơ làm giảm sự trong sáng và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Những “lệch chuẩn” này trong sinh hoạt chính trị (chi bộ) có những biểu hiện sau:

Một là, phê bình - nhận xét để cho có, chiếu lệ, làm qua loa đại khái, phê theo kiểu “bắn súng lên trời”, “hét to giữa sa mạc”, nhưng rút cuộc chẳng trúng ai, chẳng ai làm sao cả, “chắc nó chừa mình ra”. Đây thực chất là một cách vô hiệu hóa phê bình.

Hai là, phê bình - nhận xét để tâng bốc, xu nịnh, cố tình phóng đại những cái tốt cái hay về đồng chí, đồng nghiệp nhằm củng cố “lực lượng” của mình. Đó là loại phê bình không nghiêm túc. Loại phê bình có hại cho cả cá nhân và tổ chức.

Ba là, biến quá trình phê bình thành cơ hội để cường điệu hóa khuyết điểm nhằm bôi nhọ, vu khống để hạ bệ đồng nghiệp hoặc “dọn đường” cho nhau, giành vị thế chính trị; bao vây, cô lập, vô hiệu hóa những nhân tố tốt và những con người khẳng khái, trung thực, có tinh thần đổi mới; lấy cớ tự phê bình để triệt hạ những người mình không ưa, “trả thù vặt” theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”. Nguy hiểm hơn họ biến thủ đoạn này thành đòn lôi kéo, “đánh hội đồng” rất tinh vi. Đây được coi là thủ đoạn phi tính đảng bậc nhất của một “đảng viên”, đi ngược lại với luận điểm “Đảng ta là đạo đức là văn minh” của Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân chất lượng tự phê bình và phê bình ở các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên còn hạn chế

Tất cả những biểu hiện và hành động trên đây sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tai hại, phá vỡ tinh thần đoàn kết thống nhất, tạo nên tình trạng lập bè kết cánh trong Đảng, làm cho chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng bị giảm sút, mang tính hình thức, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bị suy giảm, thậm chí một số chi bộ bị tê liệt, mất vai trò lãnh đạo và năng lực chiến đấu. Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng tự phê bình và phê bình ở các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên còn hạn chế trong thời gian qua như sau:

Thứ nhất, từ đảng viên, chi bộ tới các tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng nên chưa chú trọng, nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện. Nếu có thực hiện thì làm một cách qua loa, xuê xoa, đại khái, do thiếu bản lĩnh, chính kiến và sức chiến đấu kém.

Thứ hai, đảng viên, chi bộ, các tổ chức cơ sở đảng không tự giác phê bình mà tìm mọi cách để giấu giếm, bao che, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, tổ chức, cơ chế, tệ hại hơn là lấy lý do bảo vệ chính trị nội bộ. Một số cấp trên còn bị chi phối do tâm lý sợ “vạch áo cho người xem lưng”, lo “rút dây động rừng”, sợ trách nhiệm liên đới… Tất cả những nguyên nhân này khiến họ thường có xu hướng không triệt để ủng hộ tự phê bình và phê bình.

Thứ ba, cán bộ, lãnh đạo đơn vị thấy nhân viên, cấp dưới của mình có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật nhưng vì sợ mất thành tích đơn vị hay sợ mất phiếu khi bầu cử, đề bạt, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, bình bầu thi đua, khen thưởng, xếp hạng cán bộ, xếp loại đảng viên,… nên không kiên quyết đấu tranh, không xử lý nghiêm túc; hoặc nhân viên, cấp dưới không dám phê bình, đấu tranh với cấp trên vì lợi ích của mình theo kiểu “ngậm miệng ăn tiền”, sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và sự thăng tiến của bản thân.

Thứ tư, một số cấp ủy chưa chú trọng và chưa ý thức được việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên trong công tác sinh hoạt, phát triển đảng nên ảnh hưởng rất nhiều đến năng lực điều hành, tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là công tác phê bình và tự phê bình.

Thứ năm, một số đồng chí đảng viên hiện nay vẫn suy nghĩ rằng tự phê bình và phê bình thì chỉ đề cập ưu điểm là chính, nhấn mạnh điểm tốt còn khuyết điểm, hạn chế thì nên lược bỏ, và nhận xét hoặc tự nhận xét một cách chung chung, không ảnh hưởng đến ai. Thậm chí trước sự chân thành, trung thực của người tự phê bình và phê bình có cấp ủy và đảng viên còn định hướng “lệch chuẩn” cho họ.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chúng tôi nêu ra một số gợi mở mang tính giải pháp nhằm chỉnh đốn công tác tự phê bình và phê bình như sau:

Một là, phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu các chi bộ, đảng bộ cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm” và “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí”(9). Mục đích của tự phê bình và phê bình là vì cốt lợi cho công việc chung, vượt lên trên quan hệ cá nhân để vì đội ngũ trưởng thành, vì tổ chức vững mạnh. Không thể có được tự phê bình và phê bình có chất lượng khi lấy “chủ nghĩa cá nhân chống chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa thực dụng chống chủ nghĩa thực dụng”.

Hai là, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, thực sự cầu thị trong tự phê bình và phê bình

Dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết những vấn đề của đời sống xã hội, với mục đích vì đại cuộc, lợi ích chung nên trong thực thi phê bình và tự phê bình phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”(10), do đó cần “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung”(11), trên cơ sở “khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(12). Tuy nhiên để quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng, Đảng ta cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình, quy chế dân chủ trong Đảng, quy chế giám sát trong Đảng để các tổ chức đảng và đảng viên có cơ sở chấp hành nghiêm túc.

Ba là, cần tăng cường xiết chặt kỷ luật và công tác giám sát, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới

Cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng cấp trên, nhất là ủy ban kiểm tra đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng để kịp thời khắc phục khuyết điểm và xử lý nghiêm khắc nếu có vi phạm. Tổ chức đảng có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý những đảng viên có hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Đảng cần sớm nghiên cứu ban hành quy chế bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng người dũng cảm đấu tranh, phê bình. 

Bốn là, nâng cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ quản lý, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng và chính quyền

Người đứng đầu cấp ủy, các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cần tăng cường tuyên truyền và phải gương mẫu chấp hành việc tự phê bình và phê bình trước tập thể, có sự giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên. Thực hiện nghiêm túc “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào” để phê bình và tự phê bình, bảo đảm dân chủ, khách quan, thẳng thắn, trung thực và có chất lượng. Các cấp ủy phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, đề ra biện pháp thực hiện tự phê bình và phê bình phù hợp. Bên cạnh đó cần kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng; động viên tính tích cực của quần chúng, phát huy vai trò của các cơ quan, kênh thông tin đại chúng. Mọi khuyết điểm, sai lầm sau khi được kiểm tra, kết luận, cần phải được xử lý nghiêm túc, trên cơ sở có lý có tình và phải được công khai hóa để mọi người dân được biết./.

-------------------------------------------------------

(1). V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 621

(2). V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 205-206

(3). V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr. 576

(4). Alvin Toffler: Cú sốc tương lai, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2002, tr. 13

(5). V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr.395-396

(6). V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 141

(7). V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 51

(8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 301

(9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 114

( 0). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 17

(1 ). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 620

(12). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378.