Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị và trật tự xây dựng
TCCS - Những năm qua, trong công tác quản lý đô thị và trật tự đô thị xây dựng, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị để xây dựng thành phố thông minh là cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử.
Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng ở Hà Nội thời gian qua
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong 10 tháng 2024, nền kinh tế của Thủ đô tiếp tục đà phát triển và đang phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5% - 7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5 - 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4% - 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học - công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố thời gian qua có những chuyển biến tích cực, được người dân ghi nhận. Một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô Hà Nội, đó là việc “khớp nối” các nút giao thông, xây dựng và quy hoạch của Hà Nội với các vùng lân cận; quy hoạch và cải tạo các khu chung cư cũ, phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội xưa và nay; nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô; các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông vận tải cá nhân, phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội, xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông đô thị của các dự án phát triển đô thị điển hình trên địa bàn thành phố…
Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại một số tuyến phố, như Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (thuộc quận Hoàn Kiếm) và một số tuyến phố thuộc quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, Hà Nội đưa ra các giải pháp kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, áp dụng các công nghệ thích hợp xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, ô nhiễm sông, hồ, ô nhiễm tại các làng nghề và rác thải y tế tại các bệnh viện.
Hiện nay, mạng diện rộng thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện có máy chủ quản trị mạng. 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có mạng LAN, internet kết nối tới mọi phòng, ban và đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ, công chức để trao đổi công việc…
Việc giải quyết hồ sơ hành chính nhiều lĩnh vực, như xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được quan tâm cải tiến… Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc của cơ quan, một kết quả nổi bật của thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới cấp xã để đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Trong xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin từ thành phố đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân và doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án quản lý lòng đường, vỉa hè với những tiêu chí cụ thể, như: xác định cụ thể loại hình dịch vụ kinh doanh (ăn uống, giải khát...); thời gian được phép kinh doanh; các tuyến phố được lựa chọn thí điểm phải bảo đảm chiều rộng 5m trở lên và phải có thiết kế đô thị; phải bảo đảm tối thiểu 1,5m chiều rộng vỉa hè dành cho người đi bộ…
Hà Nội là điểm sáng trong đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Hằng năm, thành phố triển khai các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với những chỉ tiêu chưa đạt. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chính quyền điện tử tại thành phố đã cơ bản hình thành, làm cơ sở xây dựng thành phố thông minh.
Hà Nội đang là địa phương có nhiều khu đô thị quy hoạch thông minh nhất cả nước. Trong các đô thị thông minh đó, Hà Nội tham vọng 100% văn bản điều hành được thực hiện trong môi trường số, gắn với chữ ký số, đa số người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, giao thông công cộng được gắn với hệ thống thẻ liên thông, quản lý công dân thông qua căn cước công dân gắn chip, khám chữa bệnh bằng sổ sức khỏe điện tử…
Để hướng tới mục tiêu “xây dựng thành phố thông minh”, hiện tại, Hà Nội bắt đầu thiết lập hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn, bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Việc làm thẻ căn cước cho công dân từ 6 tuổi trở lên trong thời gian qua cũng hướng tới mục tiêu này.
Với những bước tiến quan trọng trong đổi mới quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, thời gian qua, Hà Nội đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD. Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, big data, và internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của thành phố.
Tuy nhiên cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội cũng đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo như thiếu cơ chế đặc thù, đột phá cho phát triển khoa học - công nghệ, hạ tầng công nghệ cao chưa hoàn thiện, còn hạn chế trong cơ chế thu hút đầu tư, khó khăn trong huy động vốn đầu tư. Các chính sách để xây dựng hạ tầng dữ liệu vẫn còn nhiều vướng mắc, khó thực thi. Việc Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, tập trung vào giao thông đô thị, môi trường, năng lượng và quản lý hành chính với phương châm lấy người dân làm trung tâm vẫn còn gặp một số trở ngại… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ ra tại Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 2-3-2022, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”.
Cần những giải pháp đồng bộ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Mục tiêu của thành phố là thiết lập một mạng lưới khoa học - công nghệ, khai thác nguồn lực trí thức trong và ngoài nước, biến khoa học - công nghệ thành lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển bền vững của Thủ đô; đồng thời phát triển thị trường khoa học - công nghệ, hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Để đạt được mục tiêu nêu trên, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, Ủy ban nhân dân Hà Nội ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND, ngày 25-8-2023, triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được ủy ban nhân dân thành phố giao tại nội dung một số kế hoạch chuyên đề trong công tác quản lý đô thị. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện; hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2025; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của thành phố trong việc bảo đảm trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị: Thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định; kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vứt rác, xả rác trên phố...
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; tăng cường lãnh đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý; kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm đê điều, thủy lợi, vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp...
Thực hiện nghiêm các quy định được ban hành liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị...
Việc quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm thống nhất trong trình tự thực hiện gắn với trách nhiệm và thẩm quyền từ bước xây dựng danh mục, kế hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt, quyết toán và lưu trữ hồ sơ. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố phải tuân thủ quy định của pháp luật, các quy hoạch cấp trên được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của thành phố.
Đối với các công trình thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đối với các hồ sơ, đồ án đã hoàn thành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm quy định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Cũng theo quy định, ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý quy hoạch và kiến trúc theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan trong việc rà soát cán bộ chuyên môn lĩnh vực quy hoạch kiến trúc; có kế hoạch kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế Phòng Quản lý đô thị cấp huyện theo quy định về khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm và thẩm quyền.
Trường hợp phòng Quản lý đô thị không bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo. Phối hợp với Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành có liên quan lập kế hoạch, triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết và phương án kiến trúc công trình khu vực được giao đầu tư, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính, đất đai, chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định hiện hành. Thực hiện quản lý tài chính, thanh quyết toán chi phí theo quy định.
Để xây dựng thành phố thông minh, cần phải có hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh. Dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, đẩy mạnh các tiện ích khai thác dữ liệu dân cư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tạo nền tảng phục vụ phát triển ứng dụng Công dân số đang là hướng đi cho Hà Nội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị và trật tự xây dựng là một giải pháp. Muốn vậy, Hà Nội cần:
Một là, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ trong giám sát bảo mật, an toàn thông tin của thành phố. Trên cơ sở đó, hỗ trợ cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và xử lý công việc; phòng, chống tội phạm nơi công cộng thông qua phân tích dữ liệu, hỏi - đáp ý kiến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai, phát triển các ứng dụng cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý, giúp giải quyết phần nào vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội. Và để giải được bài toán ùn tắc giao thông, trước hết cần xử lý được vấn đề quy hoạch nội đô và vấn đề ngập úng. Do đó, cần phải xác định trách nhiệm cụ thể cho từng ngành.
Hai là, trong công tác quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, cần chú ý không phá vỡ quy hoạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn. Tiếp tục hoàn thành và phát triển các hạng mục, như hệ thống thông tin giao thông tích hợp. Trong đó, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh cần được cải thiện hơn nữa; tiếp tục triển khai hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực, có giải pháp khoa học đồng bộ cho các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trọng điểm của thành phố. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ công nghệ của các ngành kinh tế, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong một số ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô. Gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ với sản xuất, đời sống và nhu cầu xã hội; góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Bốn là, xây dựng lực lượng trí thức khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố hiện nay và trong các giai đoạn kế tiếp. Trong đó, có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao chất lượng sống của người dân… Chú trọng cơ chế, môi trường hoạt động khoa học - công nghệ cho trí thức thể hiện và phát huy. Ngoài ra, không thể xem nhẹ vai trò của quản lý, tạo điều kiện để các nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu, nhất là về thủ tục tài chính.
Năm là, phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ triển khai thí điểm các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực thu thập, phân tích dữ liệu giao thông; nhận diện phương tiện vi phạm tự động, tối ưu mạng lưới giao thông thông qua điều khiển đèn; kiểm soát hành khách sử dụng xe buýt; thu phí đường bộ không dừng; vé điện tử dành cho xe buýt hay thu phí dừng, đỗ xe ôtô tự động bằng ứng dụng... Tiếp tục triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ... để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ./.
Hà Nội quy hoạch phát triển hài hòa, đồng bộ giữa đô thị và nông thôn  (27/11/2024)
Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển của Thủ đô Hà Nội  (27/11/2024)
Hà Nội quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh  (26/11/2024)
Hà Nội đẩy mạnh quản trị đô thị, hướng tới một chính quyền đô thị tự chủ, hiệu quả  (25/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm