Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường
TCCS - Môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng một tương lai xanh. Do vậy, Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững cho tương lai.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả
Sự phát triển kinh tế - xã hội tại những thành phố lớn như Hà Nội đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong những năm qua cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế là phương châm hành động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Hà Nội triển khai các đề án, công trình, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ môi trường. Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ... Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nhờ sự hỗ trợ trên, nhiều đề tài, dự án, công trình ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ môi trường ở Hà Nội đã và đang được thực hiện. Tiêu biểu là Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải”; Dự án “Nghiên cứu xử lý vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường không khí bằng ozone ứng dụng tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện, đặc biệt là phát minh ra hạt polyme siêu hấp thụ nước AMS-1. “Hạt nước” này có khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng, không gây độc hại và an toàn với môi trường.
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực, sau 16 năm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường. Đáng chú ý là, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng công nghệ sinh học làm chất lượng nước các hồ giảm mùi hôi rõ rệt, giảm hiện tượng cá chết, vệ sinh môi trường trên hồ tốt hơn, cảnh quan đẹp hơn so với trước khi xử lý và được cộng đồng dân cư xung quanh đồng tình ghi nhận. Đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý thành công tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, Hà Nội đã điều tra, khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; khảo sát chi tiết, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu... Việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn thành phố. Hiện, các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố Hà Nội đang sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy và xử lý thành mùn hữu cơ...
Trong những năm qua, hàng chục chế phẩm vi sinh do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã được ứng dụng vào thực tế đời sống. Có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm phân bón, chất cải tạo đất, giá thể nền hữu cơ để ươm rau giống, giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng rau an toàn. Nhóm vật liệu, chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước hồ, nước thải sinh hoạt; xử lý nước và nền đáy ao nuôi trồng thủy sản. Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý đất bị ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Để phát triển nông nghiệp bền vững, đã có một số chế phẩm sinh học, phân vi sinh vật đa chức năng, thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng phòng trị bệnh cho cây trồng được ứng dụng cho vùng chuyên canh sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một kết quả nữa không thể không nhắc tới là việc thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý nước ngầm, nước thải. Ngoài chế phẩm sinh học, việc ứng dụng các công nghệ mới, thiết kế chế tạo các hệ thống xử lý amoni trong nước ngầm; giải pháp, hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cũng được thành phố Hà Nội quan tâm, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thiết kế, chế tạo và vận hành thử nghiệm ở quy mô pilot cho kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc hình thành ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Cần nhất ý thức người dân
Việc triển khai quyết liệt, hiệu quả khoa học - công nghệ vào bảo vệ môi trường, ở thành phố Hà Nội cũng bộc lộ một số vấn đề cần giải quyết. Ví dụ như mô hình thùng rác công nghệ đã và đang tiếp tục được triển khai không chỉ giúp nâng tầm mỹ quan đô thị, mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải và bảo vệ môi trường. Nhằm tạo lập thói quen cho người dân giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, đặc biệt là thay đổi nhận thức trong việc phân loại rác, thành phố đã chấp thuận cho đơn vị lắp đặt thí điểm những thùng rác công nghệ trên địa bàn. Tuy nhiên, sau gần hai năm rưỡi triển khai, mặc dù thuận tiện, hữu ích và có tính thẩm mỹ tại một số điểm, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả. Cụ thể, trên một số tuyến phố như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, tại các thùng rác công nghệ, dù đã được thiết kế tách biệt hai ngăn, nhưng một số người dân vẫn bỏ rác chưa theo đúng thiết kế. Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế được (chú thích màu đỏ), trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được (chú thích màu xanh) làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ. Không những vậy, trên một số tuyến phố khác, như Xã Đàn, Hồ Đắc Di…, xuất hiện tình trạng là dù mới lắp đặt nhưng đã có nhiều thùng rác bị một số người vô ý thức dán quảng cáo lên bề mặt, che mất phần phát sáng. Tại một số tuyến phố khác, một số đã bị bong tróc cửa, sứt mẻ, không còn nguyên vẹn. Như vậy, bên cạnh những lợi ích đem lại thì mô hình này chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Nếu để tiếp tục tình trạng như hiện nay, việc lắp đặt thêm thùng rác công nghệ quả thực rất lãng phí.
Để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia môi trường cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, tích hợp nhiều yếu tố từ kỹ thuật, sự phối hợp của chính quyền địa phương, đơn vị thu gom rác đến nhận thức, ý thức của người dân. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ ví trí đặt và dung tích thùng rác, nhất là có sự điều chỉnh về kỹ thuật để thuận tiện cho cả người vứt rác lẫn người thu gom rác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn. Hà Nội đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng... Cùng với đó, việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã thành lập các tổ thu gom rác thải trong thôn, xóm và chở đến đổ tại địa điểm quy định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bãi chứa rác tạm thời và luôn trong tình trạng quá tải. Tại bãi tập kết rác thải của xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, hàng trăm tấn rác ứ đọng nhiều ngày qua, với đủ các loại vỏ chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu, chăn chiếu rách, đồ ăn thức uống,… lấn cả xuống kênh mương, tràn ra đường khiến cho không khí của cả một khu vực rộng lớn nồng nặc, đặc quánh mùi hôi thối. Là huyện phía Nam thành phố, Mỹ Đức hiện cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở vật chất trong xử lý rác thải. Đặc biệt, 13 điểm trung chuyển được quy hoạch trên địa bàn 13 xã chưa được đầu tư xây dựng do thiếu nguồn vốn. Đây cũng là một trong những khó khăn của Hà Nội khi thiếu điểm trung chuyển, khu xử lý rác để giảm tải cho các khu vực xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố. Bên cạnh đó, việc phân loại tại nguồn chưa tốt, rác thải sinh hoạt lại lẫn với rác thải nông nghiệp, chưa phân loại rác thải tái chế hay chôn lấp…
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 99% - 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 87% - 88%. Như vậy, có ít nhất hơn 10% rác thải sinh hoạt ở ngoại thành,... vẫn còn nằm ở lề đường, bờ đê, kênh mương. Với thực trạng rác thải nông thôn Hà Nội thì không thể mang rác đi chôn khi các bãi chôn lấp đã kín và nhà máy thì quá tải. Có thể nói, quản lý chất thải rắn là trách nhiệm chung của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn là nhiệm vụ cần thiết. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia nghiên cứu triển khai mạnh mẽ các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Hà Nội cần nhanh chóng cải tiến công nghệ xử lý rác; rác thải phải được xử lý tập trung, xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, như công nghệ đốt phát điện, phế thải, sau đó dùng san lấp, bởi khi rác được đốt, lượng chất thải tro xỉ chỉ còn 10% - 15%, sẽ không tốn quỹ đất cho việc xử lý chất thải. Để góp phần giải quyết vấn đề này, giải pháp trước mắt là giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác trong việc giảm thiểu chất thải phát sinh tại nguồn, phân loại tốt để hạn chế tối đa các chất thải cần phải đưa đi tập trung xử lý.../.
Petrovietnam phát triển khoa học - công nghệ: Biến những điều không thể thành có thể  (18/05/2021)
Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp  (05/05/2021)
Huyện Thuận Thành duy trì và nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường  (17/03/2021)
Thu hút nhân tài ở Ấn Độ và hàm ý đối với Việt Nam  (20/02/2021)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm