TCCS - Sau 25 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, Bình Dương trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được đánh giá là địa phương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thành công trong sự nghiệp đổi mới. Bình Dương xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, khâu đột phá, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Bình Dương đã tập trung xây dựng các khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Bình Dương đã triển khai xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại. Đồng thời, xây dựng, củng cố, phát triển doanh nghiệp nhà nước để vừa giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt, làm nòng cốt trong các chương trình kinh tế trọng điểm, vừa là đối tác tương xứng với các tập đoàn đầu tư nước ngoài mạnh... Từ năm 2010 đến nay, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế với các tiêu chí cao về năng suất, chất lượng, hiệu quả và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Ngay từ những ngày đầu phát triển, tỉnh Bình Dương cũng đã xác định kinh tế tư nhân là nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên quan điểm đúng đắn ấy, Bình Dương đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Tỉnh đã tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sử dụng đất đai, đầu tư sản xuất. Cũng từ đây, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đã tìm đến Bình Dương đầu tư theo chính sách “trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” của tỉnh. Khu vực kinh tế tư nhân ở Bình Dương không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của địa phương. Hàng ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã ra đời, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước và quá trình phát triển của Bình Dương. Khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh đã tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, từ các ngành hàng truyền thống cho đến các ngành hàng mới, từ lĩnh vực chế biến đến lĩnh vực chế tạo, đầu tư hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế. Bên cạnh đó, các khu vực kinh tế tư nhân luôn nỗ lực phát triển quy mô và khả năng cạnh tranh bằng các giải pháp như đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, có chiến lược phát triển thị trường tốt góp phần phát triển ổn định hệ thống doanh nghiệp. Không chỉ có các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng lớn mạnh không ngừng, mang nét đặc trưng của đất và người Bình Dương, như Minh Long I, Cường Phát, Vinamit, U&I...

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thời gian qua, Bình Dương chú trọng triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước gắn với phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Song song với tập trung phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được tỉnh quan tâm chăm lo thực hiện, Mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực.

Kết quả, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2018 - 2023 đạt khoảng 6,7%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 487 ngàn tỷ đồng, gấp 1,51 lần so với năm 2018. Năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng 5,97%, GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 66,26% - 23,71% - 2,64% - 7,39%. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 303.853 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,95%. Trong đó, số lượng doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân tăng lên, đóng góp ngày càng cao vào GRDP của tỉnh. Không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân Bình Dương luôn đồng hành với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Đó là quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, giải quyết những vấn đề về chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở. Bên cạnh đó, nhiều doanh nhân tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo, công tác xã hội, từ thiện vì cộng đồng, xây dựng nông thôn mới... 

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường an toàn, thông thoáng, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm, tỉnh đầu tư hơn 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết lao động với hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với các chính sách hỗ trợ phù hợp, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng lên, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu 3 loại hình doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp (trung bình 10 phiên chợ/năm), hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp.../.