Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, giữ vững vai trò trung tâm du lịch lớn của cả nước
TCCS - Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và văn hóa hết sức phong phú, đa dạng, có tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch, như: du lịch văn hóa - di sản, ẩm thực, làng nghề, sinh thái, sáng tạo... Tại Kế hoạch số 169/KH-UBND, ngày 4-6-2024, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024 - 2025, Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô.
Những kết quả tăng trưởng tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,49 triệu lượt, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 496 nghìn lượt, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 350 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023 (gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 6-2024, công suất sử dụng phòng khối khách sạn đạt 66%, tăng 1,3% so với tháng 5-2024, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với tổng số 26.641 phòng, số khách sạn, căn hộ xếp hạng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng. Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Hà Nội có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, góp phần thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách, người dân đến thăm quan và mua sắm.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, xu hướng và nhu cầu du lịch của du khách trong nước và quốc tế có sự thay đổi lớn. Du khách có nhu cầu đi du lịch theo nhóm nhỏ, được tham gia các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cao, có nội dung văn hóa đặc sắc, các sản phẩm được yêu cầu phải an toàn, thân thiện với môi trường... Nắm bắt xu thế đó, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có bước chuyển lớn trong xây dựng các sản phẩm du lịch. Để đưa hình ảnh du lịch Hà Nội đến gần với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt đối với thị trường khách trọng điểm, công tác tuyên truyền, quảng bá của ngành du lịch Hà Nội được quan tâm. Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội và các hình thức tuyên truyền, quảng bá phù hợp trên không gian mạng. Đồng thời tiến hành biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch bằng 5 thứ tiếng, như Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với định hướng phát triển du lịch Hà Nội bảo đảm bền vững, hiệu quả, là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước, Kế hoạch số 169/KH-UBND đặt ra yêu cầu, trong giai đoạn 2024 - 2025, thành phố phấn đấu một số chỉ tiêu phát triển du lịch phục hồi tương đương và vượt mức so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Đồng thời thu hút các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá trong giai đoạn tới, bao gồm: du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…), ASEAN, EU, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông, Úc, các nước Đông Âu… Đặc biệt là tập trung nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
Ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025, Hà Nội đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%. Thành phố cũng đẩy mạnh nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản; hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (huyện Thường Tín) - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông. Từng bước hình thành và phát triển sản phẩm du lịch đêm, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, sản phẩm du lịch thể thao và sản phẩm du lịch golf. Tiếp tục xây dựng các tuyến hướng phía bắc, phía tây của trung tâm Hà Nội và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ. Nghiên cứu xây dựng, triển khai các đề án hình thành một số điểm đến du lịch mới thực sự đặc sắc dựa trên khai thác với giá trị văn hóa, thể thao của thành phố (tổ hợp thể thao gắn với dịch vụ du lịch đêm tại khu vực trường đua xe, quận Nam Từ Liêm; điểm đến Bảo tàng Bia Hà Nội, quận Ba Đình...).
Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể của Thủ đô trong vấn đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác công - tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch nhằm đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.
Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức và quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch của Hà Nội trên các phương tiện thông tin, truyền thông trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch của một số điểm đến, làng nghề, phố nghề; tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch lớn thường niên; xây dựng kế hoạch và triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số; triển khai các chương trình xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng. Triển khai hiệu quả, thường xuyên công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch góp phần xây dựng môi trường du lịch Thủ đô an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, bảo đảm môi trường hoạt động du lịch an toàn, thân thiện, nhất là tại các sự kiện lớn trong năm 2024, 2025 trên địa bàn thành phố. Tổ chức vinh danh, trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sự đóng góp tích cực, thiết thực đối với sự phát triển du lịch Thủ đô.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, quản lý, khai thác điểm đến di sản, văn hóa có tiềm năng về du lịch. Tổ chức điều tra, khảo sát nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành du lịch Thủ đô. Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh việc lập và hoàn thiện quy hoạch xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm; phấn đấu sớm hình thành và phát triển được trung tâm mua sắm, công viên giải trí chuyên đề thương hiệu quốc tế, trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao, như sản phẩm du lịch đường sông nói chung và tuyến du lịch sông Hồng nói riêng nhằm hình thành tuyến du lịch chất lượng cao, hấp dẫn. Nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản. Trong năm 2024, hoàn thiện 2 tuyến du lịch văn hóa - làng nghề và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ.
Bốn là, phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ nghề dịch vụ du lịch, tập trung phát triển kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm hình thành văn hóa của người làm du lịch, của cộng đồng dân cư làm du lịch.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Triển khai hiệu quả, thường xuyên công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch. Triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững gắn với chuyển đổi số, hình thành hệ thống tích hợp đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu điểm đến và gia tăng các trải nghiệm cho khách du lịch. Xây dựng bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành du lịch Thủ đô.
Với những giải pháp đề ra một cách đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, Hà Nội quyết tâm giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới./.
Để Hà Nội trở thành đô thị thông minh  (26/07/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp