Quốc hội khóa XIV - Những thành tựu và dấu ấn nổi bật
TCCS - Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam khóa I diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đó là kết quả của sự đoàn kết toàn dân, thể hiện sự đồng lòng, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa làm việc. Mỗi kỳ đều để lại những dấu ấn riêng. Quốc hội khóa XIV được đánh giá là một nhiệm kỳ năng động với nhiều thành tựu, nhiều đổi mới.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 22-5-2016, cử tri cả nước đã bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Suốt chặng đường 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 35 năm đổi mới. Để ghi lại quá trình hoạt động và đánh giá những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Nhà xuất bản Thông tấn giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách ảnh: “Quốc hội khóa XIV - Những thành tựu và dấn ấn nổi bật”.
Cuốn sách dày hơn 400 trang, khổ 23x25 cm, với gần 1.000 bức ảnh hoạt động và ảnh chân dung các đại biểu của Quốc hội khóa XIV, được tập hợp từ các nguồn lưu trữ của Văn phòng Quốc hội và Thông tấn xã Việt Nam. Mở đầu cuốn sách là một số sự kiện nổi bật của Quốc hội từ năm 2016 đến năm 2020. Các bức ảnh được sắp xếp theo 7 nội dung chính: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; thành tựu và dấu ấn Quốc hội khóa XIV; hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; hoạt động của Văn phòng Quốc hội; hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ngày 22-12-2015, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia để xem xét, cho ý kiến vào một số văn bản liên quan đến hoạt động của Hội đồng gồm: Phân công các thành viên của Hội đồng và thành lập các tiểu ban của Hội đồng; dự thảo chương trình các phiên họp của Hội đồng; quy chế làm việc của Hội đồng và việc thành lập Văn phòng Hội đồng… Ngày 22-5-2016, hơn 67 triệu cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại 91.476 tổ bầu cử. Thành công của cuộc bầu cử là cơ sở để kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, tạo tiền đề tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Các bức ảnh được lựa chọn thể hiện rõ không khí hân hoan của các cử tri khi cầm trên tay lá phiếu để bầu ra người đại diện cho nhân dân tại một số điểm bầu cử. 494 đại biểu được bầu cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng. Trong suốt nhiệm kỳ, các đại biểu đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội.
Chặng đường 5 năm của Quốc hội khóa XIV để lại nhiều thành tựu và dấu ấn nổi bật, đó cũng là trách nhiệm lớn lao của các đại biểu trước đồng bào, cử tri cả nước. Nhóm biên soạn chọn lọc các bức ảnh thể hiện những giây phút đáng nhớ trong các kỳ họp, đặc biệt những bức ảnh trong các buổi lễ nhậm chức trang nghiêm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hay Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 ra mắt Quốc hội và cử tri cả nước tại Kỳ họp thứ nhất; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ sáu… Phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân như lời cam kết của Quốc hội khóa XIV với cử tri và nhân dân cả nước, mở đầu một thời kỳ nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sứ mệnh gánh vác đất nước của các đại biểu Quốc hội.
Kế thừa các thành tựu của những nhiệm kỳ trước, cùng những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng, sự đoàn kết của toàn dân, toàn quân… tạo những điều kiện thuận lợi để Quốc hội khóa XIV hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ và hoàn thành xuất sắc các chức năng của Quốc hội: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước vào giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV ban hành 72 luật, 135 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Nhiều đạo luật kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, các cơ quan của Quốc hội nêu cao trách nhiệm từ khâu thẩm tra đến tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả của hoạt động lập pháp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đi sâu vào những vấn đề lớn, nổi cộm trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, các nhóm vấn đề chất vấn được xem xét, cân nhắc lựa chọn kỹ, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có tính xây dựng cao. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm, đúng quy trình, thủ tục, là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hoạt động ngoại giao nghị viện được đẩy mạnh, thể hiện rõ vai trò là thành viên chủ động, tích cực, đối tác tin cậy và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Quốc hội khóa XIV đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA-41) theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của nước chủ nhà và sự thích ứng cao của các nước tham gia, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế. Qua một số hình ảnh tiêu biểu, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về sự điều hành của Quốc hội Việt Nam với tư cách Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA-41, đã hoàn thành 6 phiên họp về kinh tế; văn hóa, xã hội; phụ nữ và thanh niên; việc tăng cường sự tham gia của các nghị sĩ trẻ AIPA; thông qua 26 nghị quyết; kết nạp Norway, Morocco là nghị viện quan sát viên mới; trao tặng giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA cho bà Pany Yathotou - Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào và bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; bàn giao chức Chủ tịch AIPA 42 cho Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam…
Phương thức hoạt động của Quốc hội có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban của Quốc hội khóa XIV hoạt động hiệu quả, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng, chức trách, nhiệm vụ được giao. Chất lượng thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban ngày càng được nâng cao; các báo cáo thẩm tra thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời đề xuất được nhiều phương án xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu và cho ý kiến hoàn thiện dự án, dự thảo. Hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề mà cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng tích cực triển khai hoạt động đối ngoại, tham gia có hiệu quả các hoạt động đối ngoại được phân công.
Bộ máy của Văn phòng Quốc hội được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm tinh gọn, không tăng đầu mối, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, không chồng chéo và tận dụng được tối đa nguồn lực. Công tác phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan được tăng cường, góp phần phục vụ Quốc hội. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc nhằm phục vụ hoạt động của Quốc hội được bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Công tác Đảng - đoàn thể được tăng cường, nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, công chức.
Nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của 63 đoàn đại biểu các tỉnh luôn có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với hoạt động của hội đồng nhân dân và cả hệ thống chính trị của địa phương, tham gia thực hiện tốt công tác xã hội, giữ mối liên hệ công tác, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở Trung ương. Phần cuối của cuốn sách cung cấp thông tin, tóm tắt quá trình công tác của 494 đại biểu Quốc hội.
Bằng ngôn ngữ hình ảnh sinh động, cuốn sách “Quốc hội khóa XIV - Những thành tựu và dấu ấn nổi bật” thể hiện đầy đủ quá trình hoạt động, những thành tựu tiêu biểu của một nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua trên tất cả các mặt hoạt động. Đây là tài liệu lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc của mỗi đại biểu trong quá trình tham gia hoạt động của mình và cũng là nguồn tư liệu quý để bạn đọc có thể nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội “Đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân”!./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển