Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Nội
TCCS - Trong những năm qua, Hà Nội thực hiện triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...
Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị
Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng ở khu vực đô thị và nông thôn của thành phố Hà Nội được chính quyền thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Đặc biệt, thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 29-6-2016, về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó việc triển khai thực hiện Chương trình đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, bảo đảm nhu cầu về hạ tầng đô thị cho người dân. Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.
Chính quyền thành phố chú trọng triển khai phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô, như khu đô thị Ciputra, khu đô thị An Khánh, khu đô thị Vincity Sportia,... Đặc biệt, những năm gần đây, thành phố chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở thành phố, với tổng diện tích sàn nhà ở từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 25,3 triệu m2 (trong đó, nhà ở xã hội là 3,5 triệu m2, nhà ở phục vụ tái định cư là 0,84 triệu m2, nhà ở thương mại là 20,96 triệu m2); đến hết năm 2019, diện tích nhà ở bình quân đạt 27,09m2/người, dự kiến đến năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch cải tạo 22 khu chung cư cũ theo kế hoạch. Diện tích đô thị ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, dân số đô thị ngày một tăng lên; dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.
Thành phố cũng đã hoàn thành Chương trình trồng một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh; nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, ngầm hóa đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị, tỷ lệ ngầm hóa đạt 100%. Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố cơ bản được khắc phục; hành lang an toàn lưới điện được bảo đảm, cung cấp điện ổn định, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; các chỉ số cung ứng điện được cải thiện đáng kể. Thành phố cũng chú trọng đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng đạt 95 - 98%.
Đời sống văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được nâng cao
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư (tăng 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng so với năm 2016). Tính đến nay, thành phố có 2.155/2.394 số thôn (đạt 90%) đã có nhà văn hóa, có 1.689/5.452 số tổ dân phố (đạt 31%) có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Nguồn chi ngân sách đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc, với nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục được mở rộng. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, có uy tín, chất lượng cao được tổ chức thường niên tại Thủ đô. Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỷ lệ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện ngoại thành Hà Nội đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” qua các năm ngày càng tăng. Công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng được chú trọng, tích cực vận động đồng bào xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn đều xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Các sở, ban, ngành thành phố đã phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp đạt 95%; tốc độ tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 30%. Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành chương trình xây dựng gần 10.000 nhà ở cho người có công và hỗ trợ 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hoàn thành sớm 2 năm, đến cuối năm 2020, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chính quyền thành phố chủ động đưa ra những phương hướng giải quyết kịp thời, trong đó ban hành văn bản số 1757/QĐ-UBND, ngày 29-4-2020, “Về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội”. Để kịp thời chi trả, hỗ trợ nhanh cho các đối tượng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp của ngân sách quận, huyện, thị xã để chi trả theo đúng quy định. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, bước đầu thành phố xác định có khoảng 1.447.000 người sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Dự kiến số tiền hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội cho số người kể trên là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố cũng hỗ trợ người dân gặp khó khăn thông qua những chương trình thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp miễn, giảm, tạm hoãn thu đoàn phí, kinh phí công đoàn; tham gia đóng góp cùng người sử dụng lao động mua thiết bị, vật tư, trang bị y tế... Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch” nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh niên bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, tổ chức đoàn, hội còn triển khai chương trình “Hà Nội nghĩa tình”, cung cấp 8.000 suất ăn/ngày cho sinh viên, công nhân và người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội trợ giúp kịp thời cho người dân gặp khó khăn. Tiêu biểu là quận Hoàn Kiếm hỗ trợ các gia đình nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn trên địa bàn với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; quận Long Biên hỗ trợ các trường hợp khó khăn với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng; các ngành, đoàn thể huyện Gia Lâm huy động được nguồn hàng hóa, tiền mặt trị giá hơn 5 tỷ đồng để chuyển đến những người cần trợ giúp.
Bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện và rõ nét
Có thể nói, chính quyền thành phố thực hiện toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả về phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân không chỉ ở khu vực nội thành mà còn được thể hiện rõ nét qua sự phát triển vượt bậc ở khu vực nông thôn.
Những năm qua, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 29-8-2011, của thành ủy Hà Nội, về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân giai đoạn 2011 - 2015”. Từ đó, hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư hằng năm trên 8 nghìn tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, bảo đảm nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn bảo đảm nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống trường học các cấp được quan tâm đầu tư xây dựng thành trường học đạt chuẩn quốc gia; đến nay đã có 318/384 xã (đạt tỷ lệ 82,8%) đạt và cơ bản đạt tiêu chí trường học chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% các xã có kết nối internet.
Mức thu nhập của người dân khu vực ngoại thành cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng, như huyện Thạch Thất đạt 63 triệu đồng/người/năm, huyện Đông Anh đạt 60 triệu đồng/người/năm, huyện Hoài Đức đạt 55 triệu đồng/người/năm,… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Cùng với đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69%. Trong đó, các huyện Đông Anh, Gia Lâm không còn hộ nghèo; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp, như huyện Hoài Đức còn 0,05%, huyện Đan Phượng còn 0,14%, huyện Quốc Oai còn 0,22%. Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được tiến hành một cách thực chất tại các huyện, thị xã với cả 3 cấp học.
Thời gian qua, các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt kết quả tích cực, như tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt trên 98%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt 85%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 75%. Nhìn tổng quát, có thể thấy, từ những nỗ lực của các cấp chính quyền từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần gắn liền với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với người dân
Chính quyền thành phố tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng xa trung tâm, giúp nông dân nâng cao năng suất, thu nhập. Đồng thời, có chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân trong quá trình chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ.
Tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, các vấn đề xã hội và an ninh ở nông thôn. Củng cố các kết quả đã đạt được và quan tâm xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế, nhất là ở vùng xa trung tâm; tăng cường đầu tư xây dựng gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở và chỉnh trang hạ tầng nông thôn; thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; phát triển văn hóa khu vực nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch.
Thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội. Khuyến khích các mô hình, sáng kiến trong cộng đồng, xây dựng và củng cố mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng các chương trình cụ thể và việc làm thiết thực. Thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng xa trung tâm của Thủ đô./.
Một số giải pháp về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân ở thành phố Hà Nội  (29/09/2020)
Hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, minh bạch ở Hà Nội  (27/09/2020)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm