Agribank và những giải pháp đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW vào cuộc sống
TCCS - Kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ngành ngân hàng cùng với các bộ, ngành đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và diễn biến thị trường, Đảng bộ Agribank đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi vào cuộc sống.
Chủ động và tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân
Trong suốt quá trình dựng xây và phát triển, Agribank luôn vận dụng và phát huy hiệu quả những quan điểm chỉ đạo sáng suốt của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần đưa Agribank phát triển bền vững, khẳng định vị thế hàng đầu chủ lực đầu tư trong lĩnh vực “Tam nông”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau đó là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những đổi thay căn bản cho nền nông nghiệp nước nhà. Trong hành trình đưa nghị quyết về “Tam nông” đi vào cuộc sống, Agribank là một trong những đơn vị chủ động và tích cực với nhiều giải pháp, hành động cụ thể, hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định một trong những mục tiêu chung phát triển Agribank là “Giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn” và mục tiêu đó tiếp tục được hiện thực hóa tại Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đảng ủy Agribank đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 01-CTr/ĐU-NHNo, ngày 29-9-2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ X. Đảng ủy Agribank đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/ĐU-NHNo ngày 30-6-2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III nhiệm kỳ 2020 - 2025 cùng các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn hoạt động Agribank.
Agribank đã nghiêm túc, chủ động thực hiện các giải pháp, chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và bảo đảm an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Agribank tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, qua đó kịp thời cung ứng tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank đã ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo từng chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai chương trình hợp tác, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Bắt đầu thí điểm với 11 xã năm 2011, đến cuối năm 2012 chương trình đã triển khai rộng khắp cả nước, đến nay, Agribank triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8.300 xã, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 610 ngàn tỷ đồng với hơn 2,2 triệu khách hàng. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi.
Agribank cho vay hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đối với 61 huyện nghèo, với tổng doanh số cho vay đạt trên 13 ngàn tỷ đồng, với gần 220 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn của Agribank. Dư nợ cho vay hiện nay tại Agribank là 395 tỷ đồng, với tổng số khách hàng còn dư nợ là 2.759 khách hàng; Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn theo chương trình trên 530 tỷ đồng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 14,5% năm 2008 xuống còn 4,03% năm 2022.
Agribank cho vay theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTG, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTG, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTG về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Triển khai từ năm 2011, tính đến nay Agribank giải ngân cho vay với doanh số đạt hơn 14.400 tỷ đồng, dư nợ 226 tỷ đồng với tổng số khách hàng còn dư nợ là trên 1.200 khách hàng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường cao cấp hàng đầu thế giới. Agribank cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt xa bờ tại 28 tỉnh ven biển. Agribank cho vay tái canh cà phê: Doanh số cho vay từ đầu chương trình đến nay là gần 1.000 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 136 tỷ đồng với tổng số khách hàng còn dư nợ là 246 khách hàng. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả công tác tái canh cà phê, tăng năng suất thu hoạch, nâng cao sản lượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Đối với cho vay hợp tác xã, đến nay, tổng dư nợ cho vay hợp tác xã của Agribank là hơn 1.630 tỷ đồng (chiếm 15,5% tổng dư nợ cho vay hợp tác xã toàn hệ thống Ngân hàng thương mại) với số lượng 653 hợp tác xã. Bình quân dư nợ cho vay 1 hợp tác xã là 2,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ chủ yếu tập trung vào các ngành: Nông, lâm, thủy sản; bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; dư nợ cho vay có tài sản bảo đảm chiếm khoảng 95% tổng dư nợ cho vay hợp tác xã. Agribank đồng thời chú trọng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 11-2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Tính đến hết tháng 9-2023, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng với gần 300 khách hàng.
Đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn
Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam, như lúa gạo, thủy sản. Agribank đã tích cực triển khai các giải pháp điều hành ổn định nguồn vốn, tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và chia sẻ với khách hàng. Cụ thể: Agribank đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất thông thường, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên (theo đó đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 2-4% trong năm 2023).
Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu áp dụng cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản dành cho các pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản và thủy sản. Chương trình cho vay tiêu dùng dành cho cán bộ công nhân viên ngành y tế với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng thời hạn vay. Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống.
Bên cạnh đó, Agribank còn tích cực triển khai các Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; Triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023 của Ngân hàng Nhà nước…
Đến tháng 6-2023, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt hơn 900.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực “Tam nông”. Agribank đã nỗ lực, bền bỉ đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên cả nước, mang đến cho người dân trên cả nước cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, bám sát các chủ trương định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, Agribank đã chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản, chính sách tín dụng xanh, giành nguồn lực phù hợp để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, duyên hải ven biển, góp phần phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, một mục tiêu quan trọng của Chiến lược biển Việt Nam. Đầu tư, cho vay các dự án nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đầu tư “Tín dụng xanh”, “Nông nghiệp sạch”, cho vay phát triển, tăng trưởng kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo quốc gia./.
Ánh Tuyết (tổng hợp)
5 chương trình tín dụng ưu đãi nổi bật dành cho khách hàng doanh nghiệp của Agribank năm 2023  (30/10/2023)
Agribank cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác  (04/10/2023)
Agribank dành 1,833 tỷ đồng tặng tân sinh viên 2023  (28/08/2023)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm