Trong thời gian gần đây, các phần tử dân tộc cực đoan, nhất là những kẻ đang sống lưu vong ở nước ngoài, đã lợi dụng bản “Tuyên ngôn quyền của người bản địa” ráo riết vận động đồng bào các đân tộc thiểu số nước ta, trong đó đồng bào Khơ-me, đòi quyền tự quyết, và cho rằng, đó là những quyền đã được Liên hợp quốc tuyên bố. Họ xúi dục người dân đòi “tự do lập hội”, “ra báo độc lập”, “thành lập giáo hội Phật giáo riêng của mình”… Họ còn trắng trợn đòi nhiều quyền “tự trị” khác…Tất cả những điều họ kêu gọi đều là hành động vi phạm pháp luật, nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ dân tộc, phá họai khối đại đòa kết toàn dân, … từng bước đi tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Quyền dân tộc tự quyết (The Rights of self determination) và Quyền của người bản địa (The Rights Indigenous Peoples) là hai khái niệm tuy có quan hệ với nhau, song hoàn toàn khác nhau về nội dung, nhất là về ý nghĩa chính trị. Quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc, với tư cách là chủ thể của luật quốc tế. Còn quyền của người bản địa là những quyền của các dân tộc thiểu số (Ethnic Minority), hoặc nhóm sắc tộc (Race Grops), thường là những quyền về văn hóa - xã hội của một bộ phận dân cư trong lòng một quốc gia - dân tộc nào đó.

Khái niệm “người bản địa” có nguồn gốc lịch sử, gắn liền với thời kỳ chủ nghĩa thực dân đế quốc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, áp đặt sự thống trị của họ ở các quốc gia chậm phát triển. Chiến lược di dân, khai thác thuộc địa của họ đã dẫn đến sự phân hoá, hình thành 2 nhóm hay 2 tầng lớp xã hội ở những quốc gia này : 1- Tầng lớp những người nước ngoài, bao gồm “các quan cai trị” cùng với những người di cư đến đây làm ăn; họ có mối quan hệ mật thiết vơi bộ máy cai trị của thực dân . Tầng lớp này thuộc đẳng cấp có nhiều đặc quyền, đặc lợi. 2- Cộng đồng những người dân thuộc địa còn lại, được gọi là những “người bản địa” hoặc “người bản xứ”, thuộc đẳng cấp thấp hèn.

Ở Việt Nam, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, những người bản địa, dù họ thuộc tầng lớp nào, dân tộc nào, là người giàu hay nghèo, là trí thức hay người lao động, là người Kinh, người Mường, người Tày, người Nùng, người Dao, người Ê Đê, người Gia Rai, người Khơ-me hay người Mông… đều được gọi chung là những tên An-nam-mít (Annammit) với nghĩa miệt thị, khinh bỉ. Nhiều hồi ký của các nhà cách mạng, các sĩ phu, các nhà trí thức chân chính thời kỳ đó đã ghi lại rằng, sở dĩ họ tìm đến và đi theo cách mạng, ban đầu chính là vì họ không thể chịu đựng được những kẻ xâm lược đã xúc phạm nhân phẩm, danh dự và gọi mình bằng cai tên An-nam-mít.

Giả sử ở vào bối cảnh dân tộc ta còn nằm dưới ánh thống trị của chủ nghĩa thực dân, liệu những kẻ đang đòi “quyền của người bản địa” có dám hung hăng như ngày nay không?

Ở Việt Nam, trước khi thực dân Pháp xâm lược, tất cả các dân tộc đều đã cùng nhau khai sơn, phá thạch, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất này. Có thể nói, 54 dân tộc hiện dang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm: hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là “người bản địa”, thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là “người bản địa”! Họ đang ở cả Bắc, Trung, Nam, ở cả đồng bằng, trung du, miền núi. Họ có thể là người Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang…, thậm chí, cả ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Cũng theo lập luận của các phần tử dân tộc cực đoan, thì tất cả 54 dân tộc đều có “quyền tự trị” - có lãnh địa, thiết chế chính trị và có văn hóa, tổ chức tôn giáo riêng… Thử hỏi, nếu những đòi hỏi này được đáp ứng thì liệu dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có còn nữa hay không ?

Như vậy là, khái niệm “người bản địa” chỉ mới ra đời ở Việt Nam từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và nó chỉ tồn tại với chế độ đó. Khái niệm này khác với khái niệm “dân tộc thiểu số” thường được dùng để phân biệt các dân tộc với dân tộc Kinh

Ngày nay, khi nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, đất nước đã thống nhất, nhà nước Việt Nam là Nhà nước của tất cả các dân tộc, thì khái niệm “người bản địa” và “quyền của người bản địa” đã lùi về quá khứ. Thay cho khái niệm đó là khái niệm “quyền công dân” - là quyền của tất cả mọi ngươi Việt Nam, không phân biệt họ là dân tộc thiểu số hay đa số. Đó là một sự thật lịch sử, không ai có thể bác bỏ được. Đồng thời, cũng không một dân tộc nào mong muốn điều đó tồn tại hoặc quay trở lại. Nhân đây, cần nói thêm rằng, nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ sau Cách mạnh Tháng Tám thành công đến nay, nhiều dân tộc thiểu số, có dân số rất nhỏ, chưa từng được phát hiện, đời sống hết sức khó khăn, đã được chính quyền và quân đội giúp đỡ về mọi mặt. Ngày nay, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, no đủ, trong đó có đồng bào Rục, Cờ Ho… Để ghi nhớ công ơn cách mạng, có dân tộc đã tự nhận họ Hồ là họ chung của cả dân tộc mình.

Không phủ nhận rằng, trong lịch sử hình thành các dân tộc, sau các cuộc chiến tranh xâm lược, di dân từ “chính quốc” đến thuộc địa, đã hình thành những quốc gia – dân tộc mới. Ở những quốc gia này, vẫn tồn tại 2 nhóm xã hội, đó là nhóm người từ nước ngoài, thường chiếm số đông và nhóm người bản xứ, thường là các nhóm dân tộc thiểu số (Minority group) hoặc các nhóm sắc tộc (Race group). Những nhóm xã hội này thường vẫn muốn duy trì phong tục, tập quán, ngôn ngữ , lối sống riêng của mình. Có thể xem Mỹ, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a là những ví dụ. Trong những quốc gia này, khái niệm “người bản địa” vẫn tồn tại và còn có những ý nghĩa nào đó. Ở Việt Nam, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, hoàn toàn không có bối cảnh lịch sử cho sự tồn tại của khái niệm này.

Thật đáng tiếc, người ta không thể tìm thấy một khái niệm “người bản địa” được mọi người thừa nhận, đơn giản vì đó là một thuật ngữ hội - chính trị. Cho đến nay, nhiều từ điển, nhiều tổ chức, kể cả Liên hợp quốc, đã đưa ra những quan niệm, khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau về khái niệm này. Chính trong “Tuyên ngôn” nói trên cũng không đưa ra định nghĩa thế nào là người bản địa. Chính vì lý do đó nên người ta buộc phải thừa nhận “người bản địa” là một khái niệm “mở”, theo nghĩa: một nhóm xã hội, một dân tộc nào đó có thể tự nhận hoặc phủ nhận mình là “người bản địa” … nếu quan niệm đó phù hợp với lợi ích của họ. Mặt khác, trong phạm vi quyền tài phán, một nhà nước, một chính phủ hoàn toàn có quyền thừa nhận hoặc phủ nhận một nhóm, một bộ phận dân cư, một dân tộc, sắc tộc nào đó là “người bản địa”, nếu điều đó phù hợp với lợi ích của quốc gia - dân tộc đó.

Chống kẻ mạnh ức hiếp người yếu - nói theo thuật ngữ “nhân quyền” là bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, là một giá trị nhân văn chung của tất cả các dân tộc, đồng thời cũng có thể coi là một nguyên tắc của Luật Nhân quyền và Luật Nhân đạo quốc tế

Sự ra đời một văn kiện quốc tế nhằm bảo vệ quyền của “người bản địa” là một ý tưởng nhân văn, tiến bộ, tích cực. Nó sẽ rất hữu ích, được đánh giá cao hơn nếu được đưa ra đúng thời điểm lịch sử - khi các dân tộc thuộc địa đang đứng lên đấu tranh với chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc.

Vào năm 1960, khi chủ nghĩa thực dân cũ đã sụp đổ từng mảng, Liên hợp quốc ra Tuyên bố về trao trả độc lập cho các dân tộc”. Mặc dù đó là việc làm đã muộn, nhưng dù sao, như người ta thường nói “muộn còn hơn không”. Thái độ của Liên hợp quốc trong văn kiện này là khá rõ ràng. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, khi trao trả độc lập cho các dân tộc, không được phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của các quốc gia … Tuyên bố ghi: “Bất kỳ cố gắng nào nhằm gây phá vỡ toàn bộ hay một phần sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước là trái với mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc”(1).

Công ước quốc tế “ Về các dân tộc và bộ tộc bản địa ở các quốc gia độc lập” đã ghi: “Các dân tộc trong các quốc gia độc lập được gọi trong Công ước này, không có nghĩa gắn với việc áp dụng tất cả các quyền liên quan đến khái niệm này trong Luật quốc tế”(2). Nói cụ thể hơn, đó là quyền dân tộc tự quyết (sẽ được trình bày ở phần sau). Những phần tử dân tộc cực đoan, trong đó có một số phần tử Khơ-me Krôm sống lưu vong ở nước ngoài, được chủ nghĩa đế quốc khuyến khích, giúp đỡ về chính trị và vật chất, đang vận động, xúi giục đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước, trong đó có đồng bào Khơ-me, đòi “quyền tự quyết”, với nhiều nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, họ còn vu cáo Chính phủ Việt Nam đang thực hiện “chính sách đồng hoá” các dân tộc thiểu số, trong đó có người Khơ-me Krom, như ép họ phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc” để hoà nhập với “cuộc sống văn minh của người Việt”. Họ còn "răn dạy": “Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Tuyên ngôn về những quyền của người dân bản địa” thì phải thực hiện quyền của người Khơ-me Krôm, v.v..

Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc là quang minh chính đại.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, cùng nhau kề vai sát cánh trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống riêng. Điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam - niềm tự hào của mỗi dân tộc và của cả dân tộc Việt Nam. Giữ gìn tính đa dạng và bản sắc của nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc là quyền, lợi ích, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của mỗi dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam, không kể họ thuộc dân tộc nào. Quan điểm của Đảng ta đối với các dân tộc là “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”(3).

Điều 5 Hiến pháp (năm 1992) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định như sau:

“ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam .

Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoần kết, tương trợ giữa các dân tộc, …Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”

Không phủ nhận rằng, ở đâu đó việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có thể còn có nhiều thiếu sót, khuyết điểm; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa lý… Song, điều đó hoàn toàn không phải do chính sách phân biệt đối xử, càng không phải là bản chất của xã hội ta, và nó tất yếu nó sẽ được khắc phục. Bài viết này không nhằm trình bày đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số, mà chỉ muốn làm sáng tỏ khái niệm “quyền của người bản địa” để vạch trần thủ đoạn lợi dụng, xuyên tạc bản “Tuyên ngôn” này của các phần tử phản động trong và ngoài nước.

Theo quan niệm của cộng đồng quốc tế, hay nói chính xác hơn, theo một số văn kiện nhân quyền của Liên hợp quốc, khái niệm “quyền của người bản địa, quyền của của các dân tộc, sắc tộc, hoặc “người bản địa” là những nhóm dân cư trong một nước, khác với “quyền dân tộc tự quyết”, là quyền của cả quốc gia - dân tộc.

Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” (1966), quyền của “nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ” là quyền “có một đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng hoặc được sử dụng tiếng nói riêng”(4). Nói tóm lại, đó là những quyền thuộc nhóm quyền về văn hoá.

Trong khi đó “quyền dân tộc tự quyết” với tư cách là quyền của quốc gia - dân tộc, được ghi ở Điều 1 trong Công ước nói trên, có ba nội dung cơ bản như sau: quyền tự quyết về “thể chế chính trị”; quyền tự quyết về con đường hay “thể chế” phát triển kinh tế; quyền tự quyết định về tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình.

Như vậy, “quyền tự quyết” của dân tộc, sắc tộc nào đó trong một quốc gia – dân tộc không được phép vượt ra ngoai khuôn khổ “ quyền dân tộc tự quyết”, không được xâm phạm quyền của cả quốc gia - dân tộc. Những đòi hỏi về “quyền tự quyết” mà người ta dựa vào “Tuyên ngôn về quyền của người bản địa” chẳng những vi phạm Hiến pháp, phát luật Việt Nam, mà còn trái với Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế về quyền con người. Về bản chất, những đòi hỏi của những lực lượng dân tộc cực đoan là một thủ đoạn chính trị nằm trong chiến lược của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, hoàn toàn không phải vì lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số của chúng ta.

Bối cảnh chính trị thế giới từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI khác xa với những thập niên giữa thế kỷ XX. Mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ XXI là khắc phục tình trạng nghèo khổ, thiếu giáo dục, bất bình đẳng giới, tỷ lệ trẻ em tử vong cao, bệnh tật hiểm nghèo, suy thoái môi trường… (Tuyên bố Thiên niên kỷ). Đồng thời, các quốc gia - dân tộc đang phải đối diện với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan . Đối với các quốc gia - dân tộc mới giành được độc lập, còn phải đối diện với âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc lợi dụng những vấn đề trên, kích động các lực lượng ly khai, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, và cuối cùng là làm suy yếu mọi mặt, khiến các quốc gia này phải lệ thuộc vào họ.

Để thực hiện những mục tiêu đó, cộng đồng quốc tế, cũng như các quốc gia, trước hết cần duy trì một môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.

“Tuyên ngôn về quyền của người bản địa” là một văn kiện rất đáng trân trọng. Song, chúng ta cần tỉnh táo, bảo vệ những giá trị cao quý của nó, đồng thời không để cho các lực lượng chính trị phản động xuyên tạc, lợi dụng, phục vụ cho những mưu đồ xấu xa, thâm độc của họ./.
 

 (1). Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người: Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Hà Nội, 2003, tr 25 
 (2). Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người: Sdd, tr 617
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quố gia, Hà Nội, 2003, tr30
 (4). Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người: Sdd, tr261