TCCSĐT - Ở đồng bằng sông Cửu Long, tín dụng ngân hàng được chú trọng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, nông nghiệp đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Song, tín dụng nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết để nông nghiệp, nông thôn thật sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tín dụng chú trọng đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, từ hệ thống Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng đã không ngừng đổi mới toàn diện cả về nhận thức, chiến lược cũng như ban hành các cơ chế, chính sách và triển khai các biện pháp cụ thể mở rộng dư nợ cho vay có hiệu quả nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia tăng quy mô xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, đóng góp tích cực vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng đạt 13,2 tỷ USD trong năm 2015, ước tính đạt 10,1 tỷ USD trong 9 tháng năm 2016. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý và điều hành chính sách tiền tệ; triển khai chiến lược hoạt động của các tổ chức tín dụng góp phần điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho người lao động,... trên phạm vi cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Nhiều năm liền, dư nợ tín dụng đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng, giữ ổn định ở tỷ trọng 8-8,5% tổng dư nợ nền kinh tế.

Những năm gần đây, các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đang cạnh tranh mạnh mẽ mở rộng mạng lưới, mở rộng cho vay tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ngân hàng thương mại mở chi nhánh xuống tận huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ, thậm chí mở phòng giao dịch xuống nhiều xã trọng điểm trong vùng. Về phương thức và quy trình cho vay, các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc các quy định của Chính phủ, nhất là Thông tư 14/2010/TT- NHNN, ngày 14-6-2010, của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong hoạt động cho vay, các tổ chức tín dụng đã linh hoạt trong phạm vi cho phép, phù hợp với điều kiện cụ thể của các địa phương. Do việc huy động vốn tại chỗ khó khăn trước nhu cầu vốn vay lớn, các ngân hàng thương mại thực hiện cơ chế điều chuyển vốn sát thực tế, theo hướng chuyển vốn từ hội sở, các chi nhánh khác đến các chi nhánh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến 30-6-2016, huy động vốn của của các tổ chức tín dụng trong vùng đạt 350.038 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2015; tương ứng, dư nợ cho vay đạt 397.991 tỷ đồng, tăng 3,39%, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, tăng gấp 1,83 lần năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm 22% trên tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.

Một số sản phẩm chủ lực của vùng cũng được đầu tư thỏa đáng. Chương trình cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo đạt trên 27.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay lúa gạo toàn quốc, tăng 10,5%. Chương trình cho vay thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, đóng tàu (theo Nghị định 67) cũng đạt khoảng 55.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn so với tổng dư nợ của cả nước. Chương trình cho vay theo Nghị quyết 14 của Chính phủ phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản tại vùng có 10 doanh nghiệp được vay với tổng nguồn vốn trên 5.400 tỷ đồng.

Cùng với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước được tập trung cho vay qua các chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội khác cho các hộ gia đình chính sách trong vùng. Đến nay, hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn với dư nợ 25.972 tỷ đồng, tăng 2,87% so với năm 2015, chiếm trên 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách tín dụng ở đồng bằng sông Cửu Long

Đánh giá về môi trường đầu tư vốn tín dụng đã cho thấy những bất cập:

Nông nghiệp được xem là một trong những ngành có thế mạnh phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn còn thấp trong khi các sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vấn đề xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu chưa được chú trọng thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ đáp ứng được 88% nhu cầu vốn của vùng; hoạt động tín dụng còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, trong khi bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xuất khẩu chưa phát triển.

Thị trường tiêu thụ hàng nông sản không ổn định, thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực Nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ, việc. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương trong liên kết sản xuất nông nghiệp còn yếu và thiếu chặt chẽ đã gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong kiểm soát dòng tiền của khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các tổ chức tín dụng.

Mối liên kết giữa 4 nhà: Người sản xuất - ngân hàng cho vay vốn - doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hay tiêu thụ nông sản, thủy sản - nhà khoa học chưa được chặt chẽ. Mối liên kết giữa ba nhà: Cung ứng đầu vào - người sản xuất - ngân hàng đã thực hiện thí điểm ở một số nơi nhưng chưa đúc rút được kinh nghiệm để nhân rộng.

Hoạt động của các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế, yếu kém:

Môi trường cạnh tranh hoạt động tín dụng tại nhiều địa phương trong vùng chưa thực sự sôi động. Tại nhiều nơi, hoạt động tín dụng vẫn chủ yếu do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Vẫn còn tình trạng người dân kêu thiếu vốn, chưa vay được vốn theo nhu cầu. Tỷ trọng vốn cho vay trung, dài hạn thấp, đang có xu hướng giảm, đến nay mới chiếm dưới 30% tổng dư nợ của vùng.

Hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, chất lượng tín dụng chưa cao, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, quả nhiệt đới, thủy sản,… phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài cả về giá, chất lượng, cùng với các rào cản thương mại, phi thương mại khác,… Trong khi, công nghệ chế biến còn có những hạn chế nhất định.

Một số thủ tục, quy trình cho vay của nhiều tổ chức tín dụng chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều vùng nông thôn, nhiều đối tượng hộ gia đình. Các tổ chức tín dụng cho vay chủ yếu vẫn dựa trên tài sản thế chấp, thiếu linh hoạt, cơ chế điều chuyển vốn nội bộ và cơ chế giao các chỉ tiêu khoán kinh doanh vẫn cứng nhắc.

Không ít tổ chức tín dụng còn dè dặt cho vay vốn với các khách hàng thuộc loại hình kinh tế trang trại, doanh nghiệp chế biến hàng nông sản... Do rủi ro thị trường, mùa màng, sản xuất bởi thời tiết khi hậu nên tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra đối với các sản phẩm chủ lực. Trong khi, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, chưa tạo nền tảng an toàn để mở rộng tín dụng ngân hàng thương mại cho nông nghiệp, nông thôn một cách có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu vốn của sản xuất; cùng với việc tiêu thụ nông sản, thủy sản không ổn định, nhất là hàng nông sản xuất khẩu.

Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng làm hạn chế mở rộng cho vay của các ngân hàng thương mại. Nhiều địa phương vẫn thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với khoản vay có bảo đảm bằng tài sản khi ngân hàng thương mại cho vay vốn, trong khi theo quy định của Chính phủ không cho phép thu phí. Bên cạnh đó, việc chứng minh mục đích sử dụng vốn vay cũng gặp nhiều khó khăn bởi hầu như các hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ít sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính. Hơn thế nữa, nhiều hộ gia đình nộp thuế khoán nên không thể xuất trình hóa đơn chi tiết phù hợp với bộ hồ sơ vay vốn.

Một số giải pháp tín dụng ngân hàng góp phần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới

Góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh... như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra, ngành ngân hàng cần phối hợp các bộ, ban, ngành và các địa phương trong vùng thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Xin được kiến nghị, đề xuất như sau:

Một là, Chính phủ nên có cơ chế riêng về nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được chủ động hơn để mở rộng các chương trình tín dụng chính sách, cho vay các đối tượng cận nghèo ở vùng nông thôn nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Ngân hàng Nhà nước cần có một số cơ chế linh hoạt hơn nữa nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cạnh tranh mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn, …Đồng thời, tiếp tục có biện pháp cụ thể khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh, mở rộng mạng lưới hoạt động ở nông thôn; tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng theo Nghị định số 55, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các ngành, lĩnh vực, các mặt hàng chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trong đó, cần thực sự quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong trong quá trình cho vay vốn đối với người dân và doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm dịch vụ tốt, các ngân hàng phải tạo thuận lợi về thủ tục trong việc cho vay vốn.

Hai là, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục có cơ chế điều chuyển vốn nội bộ, cơ chế giao khoán chỉ tiêu kinh doanh phù hợp hơn với vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng giảm lãi suất hay phí điều hòa vốn, tăng tỷ lệ điều hòa vốn,…; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, gia tăng việc huy động vốn dài hạn với mức độ hợp lý hơn để tránh rủi ro thanh khoản.

Ba là, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trong vùng cần chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong quy hoạch cần chú ý những dự báo về biến đổi khí hậu, về hàng loạt đập thủy điện xuất hiện trên dòng sông Mê Kông tác động đến vùng hạ lưu trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp.

Bốn là, các bộ, ngành cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm, khả năng tiếp thị nông sản ra thị trường quốc tế, nâng cao uy tín một cách bền vững các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam ở tất cả thị trường trên thế giới, bảo đảm lợi ích từ các chính sách ưu đãi đến trực tiếp người sản xuất:

- Bộ tài chính phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư bố trí tăng vốn đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khắc phục tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai và đẩy mạnh bảo hiểm cho nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng yên tâm đưa vốn về nông thôn.

- Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính phối hợp nghiên cứu, có chính sách thu hút và mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế để mở rộng cho vay hộ sản xuất, hộ nghèo; tạo cầu nối giữa tín dụng chính thức và phi chính thức. Có chính sách thu hút vốn ODA cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tác động của xây dựng thủy điện trên dòng sông Mê Kông đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các dự án khác có tác động đến số đông người dân trong vùng. Nghiên cứu nên có cơ chế khuyến khích về thuế đối với hoạt động tín dụng ngân hàng tại các khu vực như đã đề cập cần ưu tiên.

- Các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách mua lúa gạo tạm trữ, làm sao lợi ích thực sự đến với người trồng lúa gạo, minh bạch trong thực hiện chính sách Nhà nước.

- Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương trong vùng có biện pháp cụ thể thông qua các kênh tín dụng của ngân hàng Phát triển Việt Nam, vốn ODA,… xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với lúa gạo qua đó điều tiết thị trường; khuyến khích việc hình thành các chợ bán buôn nông sản hàng hóa.

Năm là, các địa phương sớm tổng kết, đánh giá hiệu quả của những mô hình liên kết 5 nhà hay 3 nhà để rút ra những bài học kinh nghiệm quý nhân rộng và xem xét thực tế những khó khăn, vướng mắc từ đâu để tháo gỡ kịp thời. Cùng với tham khảo kinh nghiệm mô hình của CP Group trong việc cung ứng giống lợn, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, vốn đầu tư chuồng trại,... cho các hộ nuôi lợn gia công trên cơ sở có thể ứng dụng cho một số lĩnh vực ở đồng bằng sông Cửu Long. Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, cơ chế, tạo điều kiện cho ổn định thị trường, ổn định sản xuất, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả chứ không bao cấp, không làm thay thị trường, doanh nghiệp./.