Hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Quảng Ninh xác định mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Để hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội, Quảng Ninh xác định cần phải huy động tối đa các nguồn lực.
Thực hiện chính sách xã hội tại Quảng Ninh
Bên cạnh thực hiện chính sách của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách riêng có nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, như: Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thường trú trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30%, đối tượng còn lại nhận hỗ trợ 20% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn); hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ cận nghèo (Trung ương là 70%); hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác (quy định của Trung ương là từ 80 tuổi trở lên); hỗ trợ 80% chi phí mua BHYT cho người thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (Trung ương là 30%)... Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 94,25% dân số.
Tính đến hết tháng 9-2023, toàn tỉnh đã có trên 8.000 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số 281.751 người tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), chiếm 44,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số thu đạt 5.456 tỷ đồng, đạt 74,3% chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao (chỉ tiêu giao thu BHXH, BHYT, BHTN năm 2023 là 7.346 tỷ đồng). Với tổng số người tham gia BHXH gia tăng theo từng năm khẳng định mỗi năm toàn tỉnh có thêm hàng nghìn người lao động được thụ hưởng các quyền lợi từ quỹ BHXH, BHYT. Hiện nay, tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng là 125.463 người; bình quân mỗi năm giải quyết cho trên 204.000 lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết cho trên 5.500 lượt người hưởng chế độ BHTN.
Từ 1-1-2003, thực hiện Quyết định số 20/2002/QĐ- TTg, ngày 24-1-2002, của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đó số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng qua các năm. Năm 2002 chỉ có 242.886 người tham gia, đến năm 2013, toàn tỉnh có 707.469 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 78% dân số. Đến nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,3 triệu người, tỷ lệ bao phủ 95,49% dân số tỉnh Quảng Ninh, cao hơn 3,09% so với tỷ lệ bao phủ bình quân chung của toàn quốc. Tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm trở lại gần đây luôn là một trong những tỉnh đứng trong tốp dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo... Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thực hiện trợ cấp 345.539 suất quà tết với tổng số tiền 191,8 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND cho 6.218 lượt trẻ em với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn năm 2023, phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng trọng yếu, đối tượng bảo trợ xã hội…
Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp. Hiện tỉnh đã khởi công và triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Đông Mai (phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) và Dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (thành phố Hạ Long), đồng thời chuẩn bị điều kiện để tổ chức khởi công các dự án nhà ở xã hội nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
Mặt khác, tỉnh và các địa phương cũng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phấn đấu năm 2023 tạo 20.000 việc làm mới tăng thêm và giảm số người bị mất việc trong các doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.600 lao động.
Tổng chi công tác an sinh xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 0,041%. Sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đối với công tác an sinh xã hội là động lực để người dân trên địa bàn an tâm phát triển sản xuất, từ đó tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Tính đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Quảng Ninh đã xác định hoàn thiện cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai dự án hỗ trợ hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo thông qua Chương trình 135 và Đề án 196. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng kinh phí đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh là trên 2.630 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã và huy động từ doanh nghiệp, cá nhân là trên 1.987 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng 630 công trình trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sạch tập trung, thủy lợi…
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, Quảng Ninh đã triển khai dự án cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn để hỗ trợ sữa cho 1.200 trẻ em mầm non tại các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ được uống sữa liên tục trong 90 ngày; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tặng hơn 32.000 ly sữa cho học sinh Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ)…
Ngành BHXH không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục nhanh chóng, kịp thời chính xác đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan đến quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người dân và người lao động trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2009 đến năm 2021, bộ TTHC của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 25 thủ tục hành chính; triển khai thực hiện đa dạng hình hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ. Hiện nay, toàn ngành thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, cung cấp 13 dịch vụ công của ngành BHXH trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt 100% so với Nghị quyết số 28-NQ/TW); triển khai thực hiện tích hợp trên ứng dụng VssID. Bảo hiểm xã hội số trên điện thoại di động thông minh, tiến tới thực hiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa hồ sơ theo nguyên tắc không yêu cầu kê khai lại các thông tin đã được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đang triển khai bảo đảm số hóa đầy đủ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Công tác giải quyết chế độ BHXH được BHXH tỉnh thực hiện phân cấp giải quyết hưởng, chi trả các chế độ BHXH, BHTN cho BHXH cấp huyện giúp giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết, thường xuyên rà soát, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, đối chiếu với hệ thống dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ của ngành để phòng ngừa, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lạm dụng quỹ BHXH, BHTN; phối hợp với cơ quan bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng, bảo đảm chi trả đúng kỳ, đủ số, tận tay và an toàn quỹ.
Giải pháp tiếp tục thực hiện tốt chính sách xã hội ở Quảng Ninh trong thời gian tới
Những thành tựu quan trọng nêu trên khẳng định chính sách xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống của nhân dân, có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, chủ động tham mưu, đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép việc thực hiện chính sách xã hội với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thế, cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai đồng bộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hai là, đề cao vai trò của công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về chính sách xã hội. Công tác truyền thông cần phải được tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, tác động vào nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi; định hướng dư luận, giúp cho việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hiệu quả hơn.
Ba là, xây dựng phát triển hệ thống chính sách xã hội đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách xã hội. Tập trung đối mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia, tạo sự hài lòng đối với đơn vị, người dân tham gia chính sách xã hội thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực tham gia các BHXH, BHYT.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia chính sách xã hội là mục tiêu xuyên suốt. Thời gian qua, đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan BHXH và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nắm bắt kịp thời cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, thực hiện chuyển đổi từ phương thức quản lý thủ công sang quản lý trên phần mềm nghiệp vụ, việc giải quyết chế độ xã hội căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia BHXH, BHYT; phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH được đổi mới theo phương thức phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, chi trả qua tài khoản ATM nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và nhân dân.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người lao động.
Để gia tăng nguồn lực thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội cần có hệ giải pháp đồng bộ, trong đó, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí vai trò của chính sách xã hội cũng như việc huy động nguồn lực cho hiện thực hoá các mục tiêu chính sách xã hội; thực sự coi trọng và đặt ngang hàng với chính sách kinh tế. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên về trách nhiệm thực hiện chính sách xã hội; xác định rõ chính sách xã hội chăm lo tốt cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên phải thực hiện; đặt con người vào trung tâm chính sách; phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, đoàn kết, “tương thân, thương ái” của dân tộc.
Thứ hai, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó mở rộng khả năng gia tăng nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu xã hội. Đây chính là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn lực. Sự phát triển kinh tế chính là cơ sở vật chất cho gia tăng các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội. Trong các yếu tố của môi trường đầu tư, cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế để giảm gánh nặng tài chính cho xã hội. Thực hiện các mục tiêu xã hội, nhằm bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng, bao trùm, bền vững và xác định rõ vai trò trách nhiệm các chủ thể tham gia thực hiện. Cần tiếp tục hoàn thiện mô hình an sinh đa tầng, khuyến khích mọi người dân tham gia lao động, tạo ra thu nhập, của cải để nuôi dưỡng bản thân và gia đình, góp phần phát triển xã hội chung. Tăng cường vai trò, trách nhiệm tham gia, đóng góp và thụ hưởng của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân trong hệ thống được xác lập theo xu hướng tiến bộ, bảo đảm hài hoà lợi ích và quyền công dân. Với việc lồng ghép các mục tiêu xã hội vào các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần được tăng cường để phát huy tốt hơn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đa dạng hóa hình thức huy động. Đây là giải pháp tác động trực tiếp đến việc huy động các nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, việc đóng góp hiện vật và công sức, phổ biến cách thức, mô hình làm ăn… cũng cần được huy động, nhất là với các hoạt động từ thiện nhằm bảo đảm cuộc sống và tạo sinh kế cho người dân. Việc huy động nguồn lực trên tinh thần tự nguyện, vừa sức dân tránh huy động chồng chéo (một người ủng hộ nhiều nơi).
Thứ năm, chú trọng đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và xã hội hoá; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội. Thông qua hợp tác quốc tế không chỉ học tập kinh nghiệm trong thực hiện chính sách xã hội nói chung, kinh nghiệm huy động nguồn lực nói riêng mà đây chính là một trong những kênh có thể huy động nguồn lực rất quan trọng cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội.
Thứ sáu, thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng linh hoạt, hiệu quả chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối, giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chú trọng công tác đào tạo, năng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Qua đó tạo niềm tin và góp phần đưa chính sách xã hội thực sự là chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh./.
Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững  (05/11/2023)
Quảng Ninh: nhiều giải pháp cụ thể, tạo động lực thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới  (02/11/2023)
Quảng Ninh: Biểu dương 60 đảng viên trẻ làm kinh giỏi  (31/10/2023)
- Vĩnh Phúc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
- Tỉnh Vĩnh Phúc: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử
- Nông dân Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Vĩnh Phúc Khẳng định vai trò chủ lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp điện tử
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên