Hà Nội tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
TCCS - Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục Thủ đô tập trung thực hiện. Thành phố Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng, phát triển số lượng và chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Những kết quả đạt được
Để hoàn thành được mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc trong giai đoạn vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên phương án cụ thể triển khai thực hiện. Ngành giáo dục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, phối hợp với các quận, huyện trong triển khai đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa bảo đảm cơ sở vật chất hoàn thiện đồng bộ; có kế hoạch chọn các trường điểm, các trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đào tạo để quy hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia; xem chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu hàng đầu đối với phát triển giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục, thường xuyên tự đánh giá trường học theo các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, xem đó là tiêu chí cho việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn theo quy định.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, thành phố xây dựng được 122 trường so với chỉ tiêu xây dựng 104 trường công đạt chuẩn quốc gia, , vượt 17,3% so với kế hoạch. Đến nay, thành phố có 1.694/2.204 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 76,9%, bậc trung học cơ sở cao nhất đạt tỷ lệ 83,7%, bậc tiểu học là 80,7%, bậc trung học phổ thông là 72,2% và bậc mầm non là 68,9%. Nhiều quận, huyện đạt kết quả tốt trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó, huyện Đan Phượng đạt tỷ lệ cao nhất - 98,1%.
Năm 2020, quận Ba Đình xây dựng 36/49 trường học thuộc quận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 73%; đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cài đặt và nâng cấp phần mềm giúp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy tại các trường đạt kết quả cao; dành 40% ngân sách đầu tư cho giáo dục, tập trung cho việc nâng cao cơ sở vật chất và các nội dung liên quan đến giáo dục trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, quận có 69 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với hơn 53.000 học sinh. Trong đó, có 49 trường công lập và 20 trường ngoài công lập. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, với mục tiêu có 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.
Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án số 1585/ĐA-UBND, về “Phát triển giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 – 2020” của quận Thanh Xuân cho thấy: Quận đã xây dựng 38 trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số 45 trường công lập, chiếm tỷ lệ 84,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình của thành phố 7,5%. Trong đó, 36 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cụ thể, bậc mầm non: 14/19 trường đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 73,7%), trong đó 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; bậc tiểu học: 12/13 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 92,3%); bậc trung học cơ sở: 12/13 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 92,3%). Giai đoạn tới, quận dự kiến đầu tư 2.500 tỷ đồng để xây dựng, thành lập 9 trường mới, cải tạo sửa chữa 11 trường; phấn đấu xây dựng 10 trường chuẩn quốc gia mức độ 1; xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia toàn quận lên 43/49 trường, đạt 87,7%.
Nhận diện khó khăn, tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng trong năm 2020 của thành phố vượt chỉ tiêu đề ra, song tỷ lệ trường đạt chuẩn của các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch khá lớn. Nếu huyện Đan Phượng dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn với 98,1% thì huyện Ba Vì mới chỉ đạt 53,2% – có tỷ lệ thấp nhất thành phố. Một số quận, huyện có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của thành phố: Quận Đống Đa đạt 69,4%, huyện Phú Xuyên đạt 64,8%, huyện Mỹ Đức đạt 63,3%.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thành kế hoạch công nhận 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, bao gồm: 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở và 5 trường trung học phổ thông, thẩm định công nhận lại 410 trường đã quá thời hạn cần đầu tư, xây dựng 5 trường điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ, xây dựng và công nhận thêm 3 trường công lập chất lượng cao. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định 5 nhiệm vụ cụ thể đối với cấp trung học phổ thông, trong đó có việc phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng để đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6 từ năm học 2021 – 2022, lớp 10 từ năm học 2022 – 2023 và các năm học tiếp theo; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư nguồn lực, thực hiện lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến cân đối ngân sách 2.286 tỷ đồng để thực hiện 48 dự án thuộc nhiệm vụ chi thành phố; dành mọi khoản kinh phí dự kiến đầu tư 5 trường liên cấp có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực; hỗ trợ cấp huyện, thị xã đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc quản lý đầu tư cấp huyện để đến năm 2025 hoàn thành 100% chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia.
(Nguồn: Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội)
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng cho biết: Tính đến hết năm 2020, toàn quận có 44 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 69,35%. Trong đó, bậc học mầm non đạt 55,56%; bậc tiểu học đạt 73,68%; bậc trung học cơ sở là 87,5%. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao. Năm 2021, quận đặt mục tiêu xây dựng thêm một trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư để thẩm định, công nhận lại 8 trường. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn quận là diện tích đất của quận nhỏ, nhiều trường khó có thể mở rộng quỹ đất dành cho phát triển giáo dục eo hẹp. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng: Năm 2021, huyện phấn đấu xây dựng 9 trường chuẩn quốc gia và công nhận lại 23 trường đến thời hạn phải đầu tư. Khó khăn lớn nhất trong công tác xây dựng trường chuẩn của huyện là nguồn lực tài chính hạn chế, trong khi số trường học của huyện khá lớn (90 trường), nhiều trường cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo, xây dựng lại.
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn chất lượng cao, Hội đồng nhân dân thành phố đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học đáp ứng các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thủ tục về xây dựng đối với các trường khu vực nội thành, ngoại thành. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cần bố trí phương án xây dựng trường theo thứ tự ưu tiên, xây dựng quy hoạch tổng thể làm cơ sở kiến nghị với hội đồng nhân dân thành phố ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, ngành giáo dục thành phố cần tăng cường phân tuyến học sinh, hạn chế tình trạng học trái truyến; rà soát tổng thể hệ thống trường học được phép cải tạo cơ sở vật chất, đề xuất cơ chế đặc thù hoặc phân cấp về thủ tục trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; bố trí đội ngũ cán bộ giáo dục, giáo viên đạt chuẩn, nhân viên theo quy định nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục; chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập đối với giáo viên, nhất là giáo viên vùng nông thôn, khu vực ngoại thành, có điều kiện kinh tế khó khăn; gắn trách nhiệm của hiệu trưởng trong xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia…
Định hướng hoàn thành xây dựng 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 là điều kiện cần thiết bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cao trong tương lai đối với sự phát triển của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đồng đều; chưa tương xứng về quy mô, chất lượng của hệ thống giáo dục. Ngành giáo dục xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Do đó, ngành giáo dục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy những kết quả đạt được, những mô hình trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm để công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả tốt nhất./.
Hà Nội phân vùng giãn cánh, dập dịch triệt để ở “vùng đỏ” và “vùng cam”  (03/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (02/09/2021)
Chung tay chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội  (01/09/2021)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm