Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống
TCCS - Tỉnh Ninh Bình có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận, mỗi làng nghề đều mang những nét độc đáo, đặc sắc riêng biệt không thể trộn lẫn. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân, các làng nghề còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc, không gian văn hóa truyền thống của Ninh Bình qua hàng nghìn năm.
Vùng đất của những làng nghề nổi tiếng
Ninh Bình có 77 làng nghề truyền thống khá đặc sắc, bao hàm nhiều giá trị văn hóa khác nhau, từ phong tục, tập quán và nếp sống đến những giá trị về các hoạt động lễ hội, không gian sinh tồn của người dân. Có thể điểm qua một số làng nghề tiêu biểu sau:
Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm
Tương truyền nghề thêu ren Văn Lâm đã có từ thế kỷ thứ XIII, khi bà Trần Thị Dung là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về xây dựng hành cung Vũ Lâm (nay thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Bà truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề chăn tằm dệt vải, thêu thùa may vá. Đến năm 1910, có hai anh em họ Đinh người làng Văn Lâm là Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoang học được kỹ thuật thêu ren của người Pháp trên Hà Nội về truyền lại nghề cho bà con, giúp nghề thêu ren Văn Lâm bước sang giai đoạn phát triển mới với sự đa dạng về mẫu mã và sản phẩm.
Đã có giai đoạn nghề thêu tại truyền thống Văn Lâm phát triển rất mạnh (1964 - 2000), với nhiều mô hình sản xuất, như hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ kinh doanh cá thể… Khi hòa bình lập lại, những người thợ ở Văn Lâm được Nhà nước giao phụ trách những vai trò, công đoạn quan trọng trong việc tổ chức sản xuất những sản phẩm thêu ren tiêu biểu phục vụ xuất khẩu. Trải qua quá trình lịch sử phát triển, làng nghề thêu Văn Lâm có không ít thăng trầm, biến cố nhưng người dân nơi đây vẫn luôn bền bỉ gìn giữ và không ngừng phát triển nghề thêu truyền thống.
Nghề làm gốm cổ Bồ Bát
Các di chỉ khảo cổ học đã được khai quật tại khi di chỉ Mạn Bạc thuộc thông Bạch Liên - giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên đầu Đồng Đậu có niên đại hơn 3.000 năm cho thấy, làng gốm cổ Bồ Bát xưa thuộc làng Bạch Bát, Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu Sơn, nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã có từ cách đây trên 3.000 năm. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời Lý - Trần có ba vị quan là Hứa Vĩnh Kiều (Hứa Vinh Cảo) người làng Bồ Bát; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc) và Lưu Phong Tú người làng Kẻ Sặt (Hải Dương) được cử đi sứ Bắc Tống. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về dừng chân tại Thiền Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, ba ông có cơ hội ghé thăm và học được kỹ thuật làm gốm nơi đây, khi trở về đã truyền lại cho nhân dân.
Sau khi ba ông mất, để tưởng nhớ công ơn, người dân đều tôn thờ các ông là tổ nghề, hằng năm tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ công ơn. Đến năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La đã mang theo 5 dòng họ lớn của làng gốm Bồ Bát để phục vụ việc xây dựng kinh đô mới và sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân của 5 dòng họ lớn này đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ, lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.
Điều đặc biệt làm nên thương hiệu gốm sứ Bồ Bát chính là được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ vùng này mới có. Sản phẩm gốm sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt, như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa,… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật… Tất cả đều được chế tác tinh xảo, phủ màu men gan - loại men giả cổ, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, độ mịn cao. Năm 2014 làng nghề Bồ Bát vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận là nghề truyền thống.
Các làng nghề chế biến cói mỹ nghệ
Theo sách Đại Nam Thực Lục có ghi chép, năm 1829 Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoang tại vùng đất này, trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân vùng Kim Sơn đã cùng nhau tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói. Công cuộc khai hoang, quai đê lấn biển của Nguyễn Công Trứ đã đặt nền móng vững chắc cho mảnh đất Kim Sơn trở thành một làng nghề chế biến cói mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng bậc nhất.
Sống trong cái nôi của nghề cói truyền thống, ngày nay, những người thợ cói Kim Sơn với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Những sản phẩm được tạo nên từ sợi cói mang nhiều hình thái, mẫu mã đa dạng như: thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách, dép… Đặc biệt là chiếu cói - sản phẩm không thể thiếu của nhiều gia đình Việt, hay như chiếu cải với kỹ thuật cải cói trắng với cói màu chứ không phải dệt rồi in bằng phẩm nhuộm đã làm nên sự nổi tiếng của các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn. Các sản phẩm từ cói do người lao động làm ra được tiêu thụ đến các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt được ưa chuộng tại thị trường các nước như: Pháp, Đức, Trung Quốc,… và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Ngoài ra, còn rất nhiều nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm làng nghề có giá trị đang được các nghệ nhân, thợ giỏi lưu giữ, không ngừng phát triển góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống mảnh đất và con người Ninh Bình, như làng nghề gốm sành huyện Nho Quan, làng nghề mộc Phúc Lộc, làng nghề mây tre đan An Thái... Nhiều lớp dạy nghề, truyền nghề được các nghệ nhân tham gia giảng dạy đã tạo ra những lớp thợ giỏi, nghệ nhân trẻ tiếp bước xây dựng và phát triển ngành nghề, Nghề thủ công truyền thống kết hợp giữa các bí quyết nghề với khoa học hiện đại đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa bản địa, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Cần kết hợp đồng bộ các giải pháp
Mặc dù đã có bước phát triển nhất định nhưng các làng nghề truyền thống vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Thời gian tới, để tiếp tục phát triển bền vững làng nghề và nghề thủ công truyền thống, tỉnh Ninh Bình cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau.
Một là, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, ngoài các chính sách về vốn, mặt bằng sản xuất, việc tạo điều kiện cho các làng nghề tiếp cận thông tin về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thị trường để xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường là vô cùng quan trọng.
Hai là, tạo điều kiện mở rộng mặt bằng sản xuất, quy hoạch sử dụng đất cho cho lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề trong quy hoạch tổng thể được phê duyệt. Từng bước di dời các hộ sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề tập trung. Bên cạnh đó, cần có hướng đầu tư phù hợp hơn đối với những ngành nghề có tiềm năng phát triển, đang phát triển thị trường. Đồng thời, cần mạnh dạn xóa bỏ và thay thế những làng nghề truyền thống mà sản phẩm tạo ra không còn phù hợp, thị trường không còn nhu cầu. Song song đó, cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương.
Ba là, tập trung phát triển đào tạo nguồn nhân lực tại các làng nghề bởi chất lượng nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của các làng nghề truyền thống, việc tạo ra những sản phẩm có tính đặc trưng, độc đáo đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Có chính sách khen thưởng và ưu đãi xứng đáng với những nghệ nhân có tâm với nghề để khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục duy trì ngọn lửa đam mê, tinh thần nhiệt huyết, truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm để chống hàng giả. Khuyến khích các làng nghề truyền thống tham gia hội chợ trong nước và quốc tế, triển lãm xúc tiến thương mại; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường bằng nhiều kênh khác nhau như xây dựng trang web chuyên giới thiệu về sản phẩm của làng nghề. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm; xây dựng các trang thông tin điện tử bán hàng trực tuyến. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở triển khai, ứng dụng khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ sản xuất kết hợp bảo tồn bí quyết nghề truyền thống; sản xuất sản phẩm mới; cải tiến bao bì, nhãn mác; đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc; các chứng nhận chất lượng sản phẩm…
Năm là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò, ý nghĩa của công tác phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Cố đô trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sáu là, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với du lịch và bản sắc văn hóa Cố đô bằng hình thức phục dựng các lễ hội truyền thống tại địa phương; xây dựng không gian truyền thống trong các làng nghề; xây dựng các tour du lịch gắn với nghề truyền thống, làng nghề./.
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình và một số định hướng chính sách  (20/09/2024)
Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, tạo động lực xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị văn minh, hiện đại  (18/09/2024)
Tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau  (15/09/2024)
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống làm cói bền vững  (11/09/2024)
Một số giải pháp góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình  (10/09/2024)
Nỗ lực phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát  (08/09/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển