Đến năm 2030, phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững
TCCS - Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững. Khi đó, Quảng Ninh sẽ khẳng định vai trò là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025-2030 đạt 10% - 11%/năm.
Đa dạng và số hóa các sản phẩm, loại hình du lịch
Trong 7 tháng của năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 10,8 triệu lượt khách, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022; một số lượng lớn du khách quốc tế đã quay trở lại, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Australia, Đức, Malaysia và Canada. Quảng Ninh đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, về doanh thu du lịch nửa đầu năm 2023. Bí quyết giúp du lịch tỉnh này có mức tăng trưởng chính là những trải nghiệm, sản phẩm du lịch mới. Vào mùa cao điểm du lịch hè, lượng khách du lịch tăng nhanh. Những dịp cuối tuần, ngày lễ, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang trên địa bàn tỉnh đạt từ 90 - 100%. Các điểm du lịch biển, đảo ở Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn), Trà Cổ (thành phố Móng Cái) hay đảo Cô Tô cũng được nhiều du khách lựa chọn. Riêng tại Móng Cái, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái thông xe cuối năm ngoái đã tạo điều kiện để thành phố này đón trên 1 triệu lượt khách, tăng 170% so với cùng kỳ (bằng 87% kế hoạch cả năm 2023). Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, các khách sạn tại Móng Cái đều đạt công suất khai thác 100% vào tất cả các ngày cuối tuần.
Mức tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh đến từ việc nhiều sản phẩm du lịch mới được các địa phương trong tỉnh đăng ký và đưa vào phục vụ du khách. Tỉnh đã và đang hiện thực hóa mục tiêu ra mắt 38 sản phẩm du lịch mới trong năm 2023. Cụ thể, thành phố Hạ Long cho ra mắt sản phẩm “Phố đêm du thuyền”, tham quan hồ Hải Thịnh, nghe nhạc trên vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên... Thành phố Móng Cái phát triển sản phẩm du lịch của vùng đất biên giới về ẩm thực, nông trại, cảnh quan thung lũng Tình Yêu, phiên chợ vùng cao Pò Hèn... Huyện Cô Tô tập trung vào sản phẩm lặn biển tại Thanh Lân, cắm trại trên bãi Ba Châu, đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ... Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào Quảng Ninh, trong đó có Sun Group, để thiết lập hệ thống hạ tầng du lịch bài bản và các sản phẩm du lịch độc đáo. Đến nay, Quảng Ninh là địa phương sở hữu sân bay quốc tế, cảng tàu khách quốc tế và tuyến cao tốc dài nhất cả nước do Sun Group đầu tư. Cùng với đó là hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hiện đại, với Sun World Ha Long, gồm cáp treo Nữ hoàng, khu vui chơi trên núi Ba Đèo, công viên chủ đề Dragon Park với hệ thống trò chơi hiện đại cùng công viên nước Typhoon Water Park gồm 20 trò chơi dưới nước.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn chú trọng số hóa các di sản văn hóa giúp quảng bá hình ảnh, thúc đẩy du lịch. Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi quốc gia. Thực tế chứng minh, di sản văn hóa đã và đang tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến du lịch. Khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch. Cụ thể, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học - nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng công nghệ của cuôc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cán bộ Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam vừa thực hiện quay phim, chụp ảnh, số hóa 3D không gian văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, các bảo vật quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, tại Quảng Ninh, đề án tập trung vào di tích và danh thắng Yên Tử. Số hóa 3D là công nghệ xử lý dữ liệu về màu sắc, chi tiết, số hóa thành không gian 3D và tái hiện chính xác 100% khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Nền tảng du lịch tương tác thông minh 3D/360 dựa trên công nghệ 3D laser scanning tiên tiến của thế giới giúp thu thập dữ liệu, tái hiện không gian với kích thước chính xác, màu sắc chân thật một cách nhanh chóng. Đối với di tích hình ảnh được bao quát trọn vẹn từ trái qua phải, từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong chi tiết từng vật thể, ngóc ngách. Khi du khách chạm vào và bắt đầu di chuyển các điểm đi trong hình, du khách như đang đi vào không gian thực của di tích. Đồng thời, với việc số hóa 3D quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nhóm ê kíp thực hiện dự án còn số hóa không gian khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại thị xã Đông Triều. Đặc biệt, vì lý do nào đó, một số hiện vật chỉ được lưu ở kho bảo tàng mà chưa được trưng bày; hoặc là không thể mang đi trưng bày, như Bảo vật quốc gia tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang ở Yên Tử, việc số hóa sẽ tạo cơ hội cho du khách chiêm ngưỡng nhiều thông tin, hình ảnh chi tiết, sắc nét những hiện vật này mà không cần đến bảo tàng, không cần đến di tích. Việc số hóa 3D các không gian văn hóa, di tích và hiện vật ở Yên Tử là việc làm rất có ý nghĩa, giúp du khách trước khi đến với di tích Yên Tử có thể tìm hiểu các không gian văn hóa, các hiện vật trên môi trường ảo. Bên cạnh đó, vừa giúp quảng bá hình ảnh của di sản, thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển du lịch bền vững
Dự kiến, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ nâng dần tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh qua từng năm, cụ thể đến năm 2024 sẽ đóng góp trực tiếp 10-11%, năm 2025 đóng góp 11-12%, năm 2030 đóng góp 15%. Đây là mục tiêu chung của Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt (theo Quyết định số 2256/QĐ-UBND) trong tuần đầu tháng 8-2023. Đồng thời, cũng là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 18-5-2023, của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Nghị quyết số 08-NQ/TW, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đề án này, Quảng Ninh xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp. Trong đó, du lịch có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng đẳng cấp, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu năng lực cạnh tranh cao, liên kết hiệu quả với các hãng hàng không, tàu biển, tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; du lịch Quảng Ninh tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tỉnh phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đến hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Tỉnh cũng sẽ phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và với các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội để phát triển du lịch./.
Quảng Ninh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn  (08/09/2023)
Thành phố Hạ Long tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị, đất đai, tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững  (10/08/2023)
Huyện Bình Liêu: Chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới  (09/08/2023)
Quảng Ninh nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  (04/08/2023)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên