Thành ủy Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
TCCS - Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng nói chung và về tổ chức, cán bộ nói riêng.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ trong giai đoạn hiện nay; “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là nội dung thứ 5 nhằm khẳng định và nhấn mạnh hơn nữa vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ mà Đảng ta đã vốn coi là nhiệm vụ then chốt của then chốt; đồng thời, nhấn mạnh “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo trên, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6-1-2012, của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 đánh giá “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, tạo chuyển biến mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ và các cơ quan trong hệ thống chính trị của Thành phố”. Thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng, chuyển biến, kết quả của công tác tổ chức, cán bộ có vai trò, tác động lớn, trực tiếp đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là cơ sở quan trọng, động lực thúc đẩy tăng cường phát huy dân chủ và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm, coi trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đã đạt được những kết quả nổi bật, rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu.
Những kết quả đạt được đáng ghi nhận
Công tác xây dựng Đảng về tổ chức tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, góp phần đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng cường phát huy dân chủ và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế được thành phố Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ thành phố đã gương mẫu đi đầu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động, bài bản, khoa học, sáng tạo, củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức đảng, đạt kết quả quan trọng, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Thành ủy đã lựa chọn trúng, đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị của thành phố bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai tốt các đề án quan trọng; thường xuyên quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt, đột phá nhằm đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nổi bật như: Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”; Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 23-11-2018, về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII”; Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 16-9-2019, về “Sắp xếp, bố trí các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố”; Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 27-8-2021, về “Rà soát, sắp xếp một số mô hình tổ chức đảng thuộc Thành ủy”…
Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp giảm 21/26 ban quản lý dự án và 121/401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, 45/204 đơn vị chuyên môn thuộc sở, ngành của thành phố; giảm 110/206 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; tính đến năm 2021, thành phố đã thực hiện chuyển 198 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị đối với 21.572 biên chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được sắp xếp, kiện toàn, phù hợp với các quy định của Ban Bí thư.
Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức, Thành ủy Hà Nội đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện quy định chức năng nhiệm vụ, quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác của các tổ chức đảng với hệ thống chính trị. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành xong toàn bộ vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Sau 5 năm triển khai đề án vị trí việc làm, toàn thành phố đã có 646 trường hợp phải thay đổi vị trí việc làm(1). Chú trọng làm tốt công tác tuyển dụng(2), bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn theo quy định. Sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.
Thành ủy Hà Nội chú trọng các giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; từ năm 2012 đến nay, đã ban hành 3 hướng dẫn về sinh hoạt chi bộ trong các loại hình; xây dựng tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở; ban hành, triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, "Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém"; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Quá trình thực hiện đã rà soát và củng cố 226/226 tổ chức cơ sở đảng yếu kém; ổn định tình hình ở một số địa bàn phức tạp, ngăn chặn không để phát sinh điểm nóng.
Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, tập trung kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo các nghị quyết của Trung ương được triển khai nghiêm túc, bài bản, khoa học với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, dân chủ, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sau sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đồng bộ, liên thông, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và cả thành phố.
Kết quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, mà còn hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhìn chung, đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đổi mới, từng bước hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô. Hệ thống chính trị thành phố cơ bản ổn định, phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Đội ngũ cán bộ các cấp từ thành phố đến cơ sở được xây dựng cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tập trung chăm lo công tác cán bộ nguồn, cán bộ trẻ, cán bộ nữ tạo chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt, tạo thành những điểm nhấn quan trọng trong các nhiệm kỳ gần đây. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy vượt yêu cầu đặt ra, cấp cơ sở đạt 26,3%, cấp trên cơ sở đạt 22,9%, cấp thành phố đạt 19,72%; tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy đạt 25%. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp cơ sở đạt 8,76%, cấp trên cơ sở đạt 11%, vượt yêu cầu đặt ra (là tỷ lệ một số nhiệm kỳ đại hội gần đây thành phố không đạt được); xu hướng trẻ hóa thể hiện rõ qua độ tuổi trung bình trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII giảm 1,63 năm so với nhiệm kỳ khóa XVI, từ 50,93 tuổi giảm xuống 49,3 tuổi.
Những kết quả trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả; năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được sắp xếp củng cố, tinh gọn về tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin đối với Đảng và Nhà nước. Đây chính là cơ sở, tiền đề, điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy và các cấp ủy và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Một số hạn chế cần nhận diện rõ và nhanh chóng khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Thành ủy cũng đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: 1- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa sâu sắc, còn thiếu quyết liệt trong quán triệt, triển khai thực hiện nên hiệu quả trên một số mặt chưa cao; 2- Một số nội dung triển khai tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra; 3- Một số nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thực hiện được, phải chờ bộ chuyên ngành hướng dẫn, do vậy, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện; 4- Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ ý nghĩa của công tác tinh giản biên chế, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của đơn vị...
Cần sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, như Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy đã thẳng thắn chỉ ra: 1- Nhận thức của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ; việc phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức đảng chưa thật rõ ràng và thống nhất; 2- Các trường hợp yếu kém về năng lực, trì trệ chậm được thay thế; 3- Quy hoạch cán bộ, nhất là việc giới thiệu cán bộ của thành phố bổ sung vào nguồn cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Trung ương chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Đảng bộ Thủ đô; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa ngang tầm nhiệm vụ; 4- Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường; 5- Việc thực hiện luân chuyển, nhất là luân chuyển ngang giữa các địa phương, đơn vị cùng cấp còn hạn chế; 6- Chưa có cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút, sử dụng, phát huy đội ngũ cán bộ chuyên gia, nhà khoa học.
Một số kinh nghiệm bước đầu
Thứ nhất, bám sát, thực hiện nghiêm, nhất quán các quan điểm, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị và Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Thành ủy, các cấp ủy; chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng phù hợp với thực tiễn của Thủ đô và thường xuyên quan tâm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; coi trọng và phát huy dân chủ trong đổi mới tổ chức bộ máy và trong công tác cán bộ.
Thứ hai, đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, do đó, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; luôn phải chủ động, sáng tạo, vận dụng các quy định của Trung ương, thành phố phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; xác định nguồn lực và phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc chuyên đề việc thực hiện đổi mới công tác tổ chức, cán bộ nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn bảo đảm sự hài hòa, hợp lý, thực hiên nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong chỉ đạo và thực hiện; đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ gắn với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, ngành, lĩnh vực./.
-----------------
(1) Trong đó: 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm; 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế; 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác.
(2) Từ năm 2017 đến nay, thành phố tổ chức được 16 đợt tuyển dụng công chức với 2.324 chỉ tiêu (khối Đảng đoàn thể 01 đợt với 270 chỉ tiêu; khối chính quyền 15 đợt với 2.054 chỉ tiêu) đồng thời tổ chức 65 cuộc tuyển dụng viên chức với 17.354 chỉ tiêu.
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay