TCCS - Hiện nay, nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị gắn với phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng cấp thiết, quan trọng; trong đó, hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện đóng vai trò nền tảng, gốc rễ. Trong tình hình mới, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, khoa học để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, góp phần củng cố nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng vững chắc từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị trong bối cảnh mới

Công tác giáo dục lý luận chính trị là yếu tố không thể thiếu trong công tác xây dựng Đảng nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự tồn vong của chế độ nói riêng, như C. Mác từng nhận định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”(1); Ph. Ăng-ghen cũng chỉ rõ: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”(2). Ở nước ta, công tác giáo dục lý luận chính trị chủ yếu là những hoạt động truyền bá các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; cung cấp hệ thống tri thức căn bản, khoa học nhằm nâng cao nhận thức, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội(3); đồng thời, là quá trình phổ biến, phổ cập kiến thức cơ bản, hệ thống về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân(4)...

Hiện nay, hoạt động giáo dục lý luận chính trị được tổ chức, triển khai bằng nhiều kế hoạch dựa trên các hình thức, phương pháp thích hợp nhằm bổ sung, cập nhật, chuyển tải những nội dung cơ bản về lý luận chính trị cho người học. Công tác giáo dục lý luận chính trị được thực hiện ở hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng; triển khai thông qua các lớp đào tạo, nghiên cứu với 3 cấp học cơ bản: Trung tâm chính trị cấp huyện, các trường chính trị tỉnh, thành phố và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tất cả đều dựa trên tinh thần “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình(5). Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực; nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được chú trọng, đổi mới, góp phần tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”(6).

Tuy có vai trò to lớn trong công tác xây dựng Đảng, nhưng chất lượng học tập, nghiên cứu lý luận chính trị hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế, có nơi, có lúc vẫn mang nặng tính hình thức, thậm chí là “đối phó”; xuất hiện tình trạng học chỉ để giải quyết vấn đề bằng cấp hoặc bổ nhiệm,... Bên cạnh đó, thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao bị xử lý kỷ luật do vi phạm các nguyên tắc xây dựng Đảng; thêm vào đó, sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức lý luận chính trị, nhằm trang bị kiến thức, rèn “vũ khí” tư tưởng và bản lĩnh chính trị, tăng khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn nhiễm” trước những thông tin xấu, độc, thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện

Trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ cập, bồi dưỡng kiến thức trong quản lý nhà nước, các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, cũng như hệ thống tri thức về lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện(7).

Trung tâm chính trị cấp huyện có vị trí tương đương với các ban tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp huyện; có mối quan hệ ngang cấp, cùng phối hợp hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với ban tuyên giáo huyện ủy theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo tỉnh ủy. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có 2 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, bao gồm trường chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện; hằng năm, các trung tâm chính trị cấp huyện trên cả nước trung bình mở khoảng 76.500 lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên(8).

Trung tâm chính trị huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng_Nguồn: namtruc.namdinh.gov.vn

Về tổ chức bộ máy, trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ lãnh đạo bao gồm: Giám đốc trung tâm, là trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; có số lượng biên chế khoảng từ 4 đến 6 người, thuộc các cơ quan đảng của huyện ủy, do ban thường vụ huyện ủy xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tỷ lệ dân số và cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Trung tâm chính trị cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm trong công tác giảng dạy; được sử dụng con dấu, thể thức văn bản, văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Đảng(9).

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 3-9-2008, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động; sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị... Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trung tâm chính trị cấp huyện trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả(10). Bên cạnh đó, từ khi thực hiện Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện”, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn cấp huyện được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn. Nội dung, chương trình và quy trình mở lớp được các trung tâm bám sát hướng dẫn và quy định số 883-QĐ/BTGTW, ngày 24-11-2021, của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện”; chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của ban tuyên giáo tỉnh ủy các tỉnh.

Những khó khăn, hạn chế:

Một là, tồn tại sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản, quy định, quy chế về đến hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện. Mặt khác, nhiều trung tâm còn thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu; hoạt động cơ cấu lại, tinh giản biên chế chưa hợp lý, triệt để, nhiều vị trí việc làm không đủ bằng cấp, trình độ chuyên môn vẫn được giữ lại, trong khi nguồn giảng viên chất lượng tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu.

Hai là, chất lượng chuyên môn của một bộ phận đội ngũ báo cáo viên, giảng viên chưa đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cũng như yêu cầu thực tiễn. Một số giảng viên còn thiếu kinh nghiệm, phương pháp sư phạm hạn chế, lạc hậu và ý thức tự học, tự nghiên cứu cập nhật, bổ sung kiến thức, trau dồi nghiệp vụ chưa cao. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận ở cơ sở; vấn đề quyền lợi, chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên chưa được quan tâm đúng mức.

Ba là, một số ban, ngành, đoàn thể nhận thức còn hạn chế, xem nhẹ công tác giáo dục lý luận chính trị, nên chỉ phối hợp mở lớp để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ. Thậm chí, có nơi, có lúc đã đăng ký nhưng trong cả nhiệm kỳ không thực hiện mở lớp, là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên “nhạt Đảng, khô đoàn”; đồng thời, mai một về chuyên môn, chất lượng tham mưu giảm sút.

Bốn là, đối tượng học viên có sự chênh lệch, khoảng cách nhất định về trình độ chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ,…; sự đa dạng về thành phần dân tộc, tôn giáo; hiện tượng trùng lắp, chồng chéo với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh,… gây khó khăn trong quá trình quản lý, giảng dạy. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các trung tâm tuy đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên, nhưng một số nơi vẫn bị xuống cấp, thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện thời gian tới

Thứ nhất, tăng cường đổi mới tư tưởng, nhận thức về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong công tác giáo dục lý luận chính trị; xây dựng hệ thống đào tạo chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở nhằm duy trì tính kế thừa, liên tục, tránh tình trạng học vượt cấp, lười học lý luận chính trị. Thực tế, đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các phong trào quần chúng, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở là vấn đề quan trọng trong tổng thể chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có tâm, đủ tầm cả trong trước mắt và lâu dài…

Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo cấp huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm chính trị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, như công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; công tác học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị; thực hiện nền nếp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác giảng dạy và chất lượng giảng dạy các chuyên đề lý luận chính trị; phương thức thi cử, đánh giá kết quả học tập; công tác quản lý  học viên…

Thứ hai, tập trung xây dựng bộ máy các trung tâm chính trị cấp huyện đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước(11); nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản, các quyết định, quy chế về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thành lập các hội đồng sư phạm, ban biên tập thông tin, ban nghiên cứu lịch sử đảng bộ địa phương để thẩm định nội dung giáo án giảng dạy nhằm cung cấp đúng, đủ thông tin trước khi báo cáo viên, giảng viên lên lớp. Mặt khác, tổ chức thi tuyển các vị trí lãnh đạo, quản lý để lựa chọn người có đức, có tài, đủ trình độ chuyên môn, phát huy vai trò người đứng đầu; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo; xây dựng chính sách phù hợp trong thu hút cán bộ, giảng viên có năng lực, kinh nghiệm và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đạt loại khá, giỏi về các cơ sở đào tạo lý luận chính trị công tác.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy lý luận chính trị phải được đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm; được cung cấp, cập nhật các thông tin thời sự chính xác, kịp thời. Mặt khác, đội ngũ giảng viên cần xác định đúng trách nhiệm, nghĩa vụ được giao; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; chú trọng tăng cường tính chủ động, tích cực, sáng tạo và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ của trung tâm chính trị, trường chính trị tỉnh, cũng như của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhất là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ.

Chú trọng thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Nhà nước(12); bố trí, sắp xếp lại những cán bộ không đủ điều kiện, khả năng giảng dạy để bố trí công tác ở vị trí khác phù hợp. Mặt khác, cần xác định việc bồi dưỡng cán bộ, giảng viên thành việc làm thường xuyên và nền nếp bằng nhiều hình thức, như luân chuyển về cơ sở để tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, thi giảng viên giỏi, dự giờ rút kinh nghiệm; thao giảng, sinh hoạt chuyên đề... tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, tài liệu để giảng viên tự học tập nâng cao trình độ.

Thứ tư, tạo sự thống nhất và ban hành hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị một cách đồng bộ, cụ thể và phản ánh đúng thực tiễn. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có cơ chế, quy định rõ chế độ cho giảng viên và học viên, cho việc tổ chức lớp học... làm căn cứ áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Bảo đảm đủ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chủ động thực hiện kế hoạch. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn(13); tích cực áp dụng các phương pháp giảng dạy mới (phương pháp giảng dạy tích cực) kết hợp ứng dụng phương tiện công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy và học.

Thứ năm, tích cực đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung chương trình lý luận chính trị phải mang tính đồng bộ, thống nhất, có tính kế thừa, liên tục giữa các cấp bậc, đặc biệt là trong đào tạo từ sơ cấp đến trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; phân môn, học phần để chuyên môn hóa kiến thức, nội dung, tạo cơ sở để người dạy phát huy hết sở trường và người học có thể khái quát, cụ thể hóa kiến thức. Bên cạnh đó, không ngừng cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức cho phù hợp, khoa học, nhất là những chủ trương mới của Đảng trong các nhiệm kỳ đại hội về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… Ngoài ra, cần bổ sung các chuyên đề về lịch sử đảng bộ hay tình hình kinh tế - xã hội của địa phương… nhằm giới thiệu lồng ghép trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các cấp.

Thứ sáu, thực hiện chuẩn hoá hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên; đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch, chuẩn hoá đội ngũ giảng viên chuyên trách; tăng cường sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm theo hướng gắn với thực tiễn, thực hành, giải đáp những vấn đề đặt ra ở cơ sở, nhất là cách xử lý tình huống phù hợp với từng đối tượng, thiết thực; chú trọng đối thoại, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Tăng cường tương tác giữa người dạy và người học, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo nhằm tạo động lực để nâng cao tính năng động, tích  cực, sáng tạo của người học, tránh sự áp đặt một chiều, tạo điều kiện giúp người học chủ động tiếp nhận thông tin và tri thức từ phía người dạy, chủ động hơn trong quá trình tự nhận thức, tìm đến những tri thức thông qua thảo luận, trao đổi giữa các học viên với nhau và với người dạy, chủ động học tập trên tinh thần tự giác, tự thân, tự nguyện, vì lợi ích của cá nhân, tập thể.

Thứ bảy, gắn liền nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị với trau dồi ý thức, niềm tin và tình cảm chính trị, tránh tình trạng có trình độ chính trị, nhưng ý thức chính trị kém, thiếu niềm tin và tình cảm chính trị. Tăng cường vận dụng những tri thức lý luận chính trị đã được tiếp thu áp dụng vào thực tiễn ở địa phương, giải quyết thành công những vấn đề đặt ra trong đời sống hằng ngày ở cơ sở, tổ chức thực hiện phù hợp, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn nơi học viên công tác./.

---------------------

(1) C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 580
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 489
(3) Xem: Đào Duy Quát: “Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới”, Tạp chí Tư tưởng văn hóa (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương), số tháng 6-2006, tr. 38
(4) Xem: Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị tuyên giáo lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 8
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 90
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 74
(7) Xem: Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện”
(8) Mai Yến Nga: “Việc tăng cường, năng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng”, Tạp chí Tuyên giáo, số tháng 1-2021, tr. 54
(9) Xem: “Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 26-11-2019, https://baochinhphu.vn/quy-dinh-moi-ve-chuc-nang-nhiem-vu-to-chuc-bo-may-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-102264664.htm
(10), (13) Xem: “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 19-6-2020, https://daihoi13.dangcongsan.vn/cac-ky-dai-hoi/tu-lieu-van-kien/kien-toan-to-chuc-va-hoat-dong-cua-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-311
(11) Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Một số  vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 8-11-2019, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện”, trong đó bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới,…
(12) Quyết định số 1557/QĐ-TTg, ngày 18-10-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức””; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017, của Chính phủ, “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”; Thông tư số 01/2018/TT-BNV, ngày 8-1-2018, của Bội Nội vụ, về “Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”; Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 7-6-2019,  của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030”