Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam - Thực trạng và giải pháp
TCCS - Ngày 10-11-2020, tại thành phố Cần Thơ, hội thảo với chủ đề “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam - vấn đề và giải pháp” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy thành phố Cần Thơ đã được tổ chức.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Dự Hội thảo còn có TS. Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ cho rằng, những tác động do gia tăng dân số, biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao... khiến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải đối diện với các thách thức to lớn do tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày càng suy kiệt, thiên tai, dịch họa gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe con người. Để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, thì việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp. Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng với thành phố Cần Thơ nói riêng, các tỉnh, thành phía Nam và cả nước nói chung.
Vai trò, lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn
Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, khi các nền kinh tế ngày càng mở rộng, tài nguyên dần cạn kiệt, mô hình kinh tế tuyến tính không nên duy trì, bởi nó làm môi trường suy thoái do ô nhiễm, chất thải gia tăng… Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, điều này vượt ngoài khả năng cung ứng của thiên nhiên… Đó là thách thức to lớn và cũng là nguyên nhân vì sao cần phải nhìn nhận lại, thay đổi mô hình, chiến lược phát triển, trong đó điểm mấu chốt là phát triển kinh tế phải bảo đảm không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch, phát triển bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn đang được xem là hướng đi phù hợp. Bởi, mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên các nguyên tắc chính là thiết kế để tái sử dụng, khả năng sử dụng đa dạng năng lượng từ các nguồn vô tận, tư duy hệ thống, nền tảng sinh học..., do đó sẽ loại bỏ được những tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Hiện nay, một số mô hình hoạt động theo các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như xu hướng tăng trưởng chậm lại; kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện; chất lượng phát triển đô thị còn thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng... đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phía Nam.
Do đó, hội thảo mong muốn các nhà khoa học tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm, như luận chứng về tính tất yếu của việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới và Việt Nam trong tình hình mới; kế thừa, chọn lọc những mô hình phù hợp để ứng dụng ở Việt Nam nói chung và tại các tỉnh, thành phía Nam nói riêng nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường...
Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu, các nhà khoa học cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn đối với nước ta vẫn còn khá mới mẻ, đồng thời nêu lên tính ưu việt của mô hình kinh tế tuần hoàn và tính cấp thiết phải chuyển từ kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Với tham luận “Xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thượng tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn là một thiết kế lại mô hình kinh tế mới, nơi các hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo; không có gì được tạo ra trong nền kinh tế tuần hoàn trở thành lãng phí. Nền kinh tế tuần hoàn có tiềm năng tạo việc làm và phát triển kinh tế là rất lớn, ước tính cho thấy cơ hội hàng nghìn tỷ USD. Đây là nền kinh tế giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thách thức kinh tế - xã hội và môi trường bằng cách đối phó với chúng ở giai đoạn thiết kế. Theo đó, Việt Nam cần sớm chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn để tái sử dụng vật liệu tốt hơn, tái chế nhiều hơn và nếu việc chuyển đổi này thành công ước tính sẽ giúp mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, đồng thời góp phần giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên của Việt Nam.
Chia sẻ về những mô hình kinh tế tuần hoàn từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, dù Bến Tre chưa có một mô hình kinh tế tuần hoàn trọn vẹn đúng bản chất, nhưng đã manh nha hình thành những mô hình tái sử dụng, tái chế, thu hồi chất thải nhằm mang lại lợi nhuận tài chính cho cơ sở sản xuất và lợi ích cho người tiêu dùng và cho cộng đồng. Rõ nét nhất trong hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là sản phẩm bánh hoa dừa được làm từ nguyên liệu cơm dừa có phối trộn các nguyên liệu sẵn có thành các hương vị tự nhiên, riêng có của Bến Tre; sau khi tách và lấy hết dầu dừa trong vỏ lụa sẽ thải bỏ ra xác bã dừa trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi... Hiện nay, Bến Tre đã nghiên cứu thành công, áp dụng rộng rãi mô hình xử lý rác thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như nhờ áp dụng công nghệ tách chất tan-nin nên đã biến phế thải mụn dừa thành đất sạch, ứng dụng công nghệ sinh học để biến mụn dừa thành phân bón hữu cơ phục vụ canh tác sạch, hữu cơ; biến vỏ ca cao thành thức ăn giàu dinh dưỡng cung cấp cho chăn nuôi...
Các đại biểu cũng giới thiệu nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn khác được vận hành trong những năm qua ở các tỉnh, thành phía Nam và mang lại hiệu quả bước đầu. Tại thành phố Cần Thơ có trang trại côn trùng của Công ty TNHH Vườn sinh thái Kim's Garden Cần Thơ đã thực hiện thành công giải pháp côn trùng và chế phẩm sinh học vào nông nghiệp tuần hoàn khép kín, giảm được 80% chi phí thức ăn công nghiệp, đặc biệt là hạn chế tối đa chất thải từ chăn nuôi ra môi trường. Ở tỉnh Bình Dương, từ năm 2018 đã đưa vào vận hành khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương, ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, khu liên hợp xử lý chất thải của tỉnh còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị. Còn tại tỉnh Tiền Giang, hiện có 26 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các cơ sở này áp dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, có thể quản lý được nhiệt độ, ẩm độ và sức gió trong chuồng nuôi, có hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas, HDPE, đệm lót sinh học ...), hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều khó khăn, thách thức
Sau khi chia sẻ những lợi ích do mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại đối với các nước trên thế giới, GS, TS. Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II lưu ý, Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý để phát triển kinh tế tuần hoàn, dù đã có nhiều bước chuyển đổi bước đầu hướng đến phát triển nhanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, ý kiến của các đại biểu còn nhìn nhận, hiện nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn, đây là thách thức lớn để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay ở Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng vẫn mang tính tự phát là chính, trong khi nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những tiến bộ công nghệ mới, nhưng nước ta là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đây là thách thức lớn cần phải vượt qua. Vấn đề quan trọng nữa là sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia giỏi để giải quyết tốt từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải.
Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp
Để mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần vào sự phát triển bền vững đối với các tỉnh thành phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, các ý kiến và tham luận tại Hội thảo đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới là:
Trước hết, về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, theo đó ở cấp độ quốc gia cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Còn tại vùng, địa phương cần chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng giữa các tỉnh lân cận để có biện pháp hỗ trợ giải quyết các vấn đề chung, tạo nên hiệu ứng lan tỏa tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cho cả khu vực. Cụ thể, có thể xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh trong khu vực về kinh nghiệm chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện tốt giải pháp này, các tỉnh, thành phía Nam phải đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong các hoạt động khoa học - công nghệ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nhằm tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp để hình thành nền kinh tế tri thức của tỉnh, thành phố trong vùng.
Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Thứ tư, chú trọng phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nhân, hiệp hội ngành nghề trong việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp thu sáng kiến, công nghệ, kinh nghiệm quốc tế về sản xuất xanh. Khuyến khích doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong việc thúc đẩy nghiên cứu - chuyển giao; hình thành nguồn quỹ để trao giải, tôn vinh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong bảo vệ môi trường.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, Hội thảo đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Nhìn chung, ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã khẳng định tầm quan trọng và tính tất yếu của việc vận dụng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng.
Các ý kiến tham luận còn nêu lên những bài học kinh nghiệm có giá trị thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và khả năng vận dụng vào Việt Nam và các tỉnh, thành phía Nam; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp xác đáng, đồng bộ để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội thảo, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí lý luận của Đảng” tặng đồng chí TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vì đã có những đóng góp quan trọng vào việc bổ sung, phát triển lý luận của Đảng trong tình hình mới./.
Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020  (09/11/2020)
Nâng cao hiệu quả công tác phát hành Tạp chí Cộng sản gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình mua, đọc, nghiên cứu, vận dụng báo, tạp chí của Đảng  (07/11/2020)
Thanh Hóa: Dấu ấn và bài học về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (05/11/2020)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay