Phát huy “sức mạnh mềm” trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam
TCCS - Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc đại dịch kéo dài trong bao lâu cũng như phản ứng ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế của các chính phủ. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không thể chỉ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự, mà cần phải phát huy cả “sức mạnh mềm” để giải quyết.
“Sức mạnh mềm” và “sức mạnh mềm” Việt Nam
“Sức mạnh mềm” là khái niệm mới do Joseph Nye - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - chính thức đưa ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX để đối lập với “sức mạnh cứng” và nó xuất phát từ sức hấp dẫn về bản sắc văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại của một quốc gia. Nếu như “sức mạnh cứng” thường được hiểu là việc sử dụng quân sự, bạo lực, vũ trang để áp đặt, cưỡng bức,… thì “sức mạnh mềm” là hình thức sử dụng các biện pháp phi quân sự, phi bạo lực, nó mang tính giáo dục, thuyết phục, động viên, khuyến khích,… để mọi người tự giác tin tưởng, làm theo. Đây là sức mạnh có sức hấp dẫn và là sự lựa chọn mà trong điều kiện hiện nay nhiều quốc gia đang nghiên cứu, tin tưởng và thực hiện. Có thể hiểu: “Sức mạnh mềm” là khả năng tạo ra sức mạnh bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đối ngoại, khuyến khích,… để hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút đối phương (có thể là các nước, giai cấp, dân tộc, cộng đồng…) tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mình muốn, thay vì sức mạnh quân sự hoặc gây sức ép kinh tế.
“Sức mạnh mềm” thường xuất phát từ ba nguồn: giá trị chính trị (tính đúng đắn của các chính sách điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội); giá trị về bản sắc văn hóa (đạo đức truyền thống, tính thống nhất, gắn kết cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận của nhân dân) và chính sách đối ngoại của quốc gia (sự linh hoạt mềm dẻo, khôn khéo của các chính sách ngoại giao). Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những cách thức đề cao, khai thác, phát huy “sức mạnh mềm” khác nhau.
“Sức mạnh mềm” của Việt Nam được tạo dựng trên các yếu tố: 1- Thể chế chính trị (trong đó chủ yếu là hệ tư tưởng chính trị và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam); 2- Đường lối đối ngoại (chính sách ngoại giao của đất nước); 3- Tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Trong đó, thể chế chính trị, đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội, bản sắc truyền thống văn hóa được coi là cốt lõi "sức mạnh mềm" của Việt Nam hiện nay. Thành công của gần 35 năm đổi mới vừa qua có vai trò to lớn của việc chúng ta đã khai thác, phát huy “sức mạnh mềm” và hiện nay; trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng đã và đang khai thác, phát huy sức mạnh này.
Diễn biến đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng đến toàn cầu
Hiện nay, cả thế giới đang dồn tâm, dồn lực vào chống đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra. Dịch bệnh này bùng phát vào tháng 12-2019, nay đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu với 215 quốc gia có nguời nhiễm bệnh và số nạn nhân của COVID-19 tăng từng ngày. Trước mức độ nguy hiểm của đại dịch, ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đến ngày 11-3-2020, WHO chính thức công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”.
Tính đến ngày 23-9-2020, số ca nhiễm trên toàn thế giới là gần 32 triệu người, số ca tử vong là gần 1 triệu người. Nhưng số ca nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tăng nhanh. Theo các nhà nghiên cứu dự báo, số ca bệnh vẫn tăng khó lường và số người thiệt mạng không chỉ dừng lại ở con số gần 1 triệu người.
Các chuyên gia kinh tế của Oxford Economics ước tính, dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề…
Một số nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh:
Một là, sự vào cuộc chưa quyết liệt của chính phủ nhiều nước trong việc dập dịch, chưa coi dịch COVID-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, dẫn tới các biện pháp chưa đủ mạnh. Nhiều nhà khoa học đã nhận định, Mỹ và các nước châu Âu chưa có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với COVID-19, ở cả lĩnh vực xét nghiệm, thực hiện giãn cách xã hội và xử lý tình trạng lây nhiễm. Ngoài ra, Mỹ và các nước châu Âu lo ngại, nếu mạnh tay chống dịch sẽ làm tổn thương đến kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm.
Hai là, sự thờ ơ, chủ quan, thiếu hợp tác của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19. Do đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân, nên khi các biện pháp chống dịch được thực hiện, nhiều người dân ở các nước phương Tây đã không cộng tác, thậm chí còn chống đối, kêu gọi đòi biểu tình. Vì vậy, những biện pháp, như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang đến nơi cộng cộng, vệ sinh cá nhân… không phát huy tác dụng…
Hiệu quả của việc sử dụng “sức mạnh mềm” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam
Với những tổn thất về con người, kinh tế, chính trị mà COVID-19 đang gây ra cho toàn thế giới đã cho thấy, không phải lúc nào sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế cũng giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. Những vũ khí tối tân nhất của nhân loại cũng không thể loại bỏ được một virus vô hình. Cơn dịch bệnh gây chết người hàng loạt đang cho thấy nền tảng tôn thờ “sức mạnh cứng”, tôn thờ quyền lực, lợi lộc, danh vọng, sức mạnh của đồng tiền,… không phải là triết lý sống của nhân loại. Virus không phải là một “loài siêu thông minh”, cũng không có bất cứ “mưu lược tính toán” nào để lây lan, hãm hại loài người, vì thế, mức độ phát tán của nó phụ thuộc chính vào cách ứng xử của con người. Nếu loài người nắm chặt tay nhau, đồng thuận cùng nhau hướng đến triết lý nhân sinh, chính phủ các nước đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng thì hoàn toàn có thể vượt qua đại nạn này. Nói cách khác, tác hại nhiều hay ít của COVID-19 đến con người phụ thuộc rất nhiều vào thể chế chính trị, vào sự đồng thuận của người dân và vào việc sử dụng “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng khẳng định, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, lấy dân làm gốc, sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Điều này cũng đã được Đảng ta vận dụng thành công trong hơn 90 năm qua. Vì thế, một trong năm bài học mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đúc kết là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(2). Bài học lịch sử đó một lần nữa đã được chứng minh, được phát huy trong phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam hôm nay. Đây là giá trị văn hóa và “sức mạnh mềm” vô cùng quý báu, là đường lối chiến lược mang tính lâu dài, là quy luật sinh tồn và phát triển của toàn dân tộc Việt Nam.
Với dân số gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt và sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, hiện nay về cơ bản chúng ta đã kiểm soát và dập dịch tốt, được các nước trên thế giới và khu vực ca ngợi, thừa nhận, lấy làm gương trong phòng, chống đại dịch. Để có thành công đó là do chúng ta biết khai thác “sức mạnh mềm” Việt Nam. Điều đó được thể hiện:
Thứ nhất, công tác ứng phó và chủ động phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam.
Khi có thông tin về ca bệnh ở đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của COVID-19, ngày 16-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế (phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới - WHO) khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, xét nghiệm, khám, điều trị. Đến ngày 23-1-2020 khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg và liên tiếp các ngày 28 và 31-1-2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28-1-2020 “Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra”, Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 31-1-2020 “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra”, trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch được thành lập.
Ngày 30-1-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW “Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra”, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc. Xác định phòng, chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 11-3-2020, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới” tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bố trí nguồn lực cho các hoạt động y tế, bảo đảm môi trường, hỗ trợ kiểm soát phòng, chống dịch.
Ngày 21-3-2020, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 172-TB/TW “Về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch. Đặc biệt, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công tác chống dịch… Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hai là, sự đồng thuận của người dân Việt Nam.
Quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chống dịch COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, chung sức, đồng thuận cao của người dân, thực sự là “ý Đảng - lòng dân”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Mọi người dân Việt Nam đa số đều nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống dịch, đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng; thực hiện các biện pháp theo dõi lịch trình, khai báo y tế; vệ sinh cá nhân cẩn thận; cách ly tập trung và thực hiện cách ly toàn xã hội. Các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh hàng hóa không thiết yếu đều đóng cửa, người dân hạn chế ra khỏi nhà… Theo điều tra của Viện Dư luận và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương với 21.277 lượt người tham gia trả lời, có 85% người dân hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch COVID-19(3). Bởi, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
“Sức mạnh mềm” được phát huy trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã và đang diễn ra, để mọi người đoàn kết một lòng, mỗi người dân đều là chiến sĩ chống dịch, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ đã ký Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” chi 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện góp tiền, góp gạo hỗ trợ người nghèo, nhiều câu chuyện đẹp và cảm động, như ATM gạo, tin nhắn điện thoại, các doanh nhân ủng hộ hàng trăm triệu đồng đến cụ già đạp xe cả chục cây số đến ủng hộ 20.000 đồng,… đã được lan tỏa không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Những thành công lớn bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là tổng hợp sức mạnh của cả dân tộc ta, trong đó cần nhấn mạnh “sức mạnh mềm” của cả đất nước đã được phát huy đúng mức và đúng lúc. “Sức mạnh mềm” lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu. Kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch cũng minh chứng cho sức mạnh mềm Việt Nam. Với bài học này, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng, Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quân đội, công an đến các bộ, ngành chức năng và nhân dân. Trong khó khăn, thử thách, “sức mạnh mềm” của người Việt càng tỏa sáng./.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 8, tr. 276
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69
(3) Theo Thanh Thu: “Đoàn kết là sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19”, http://tuyengiao.vn/, ngày 12-4-2020
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 - đại hội đảng bộ cấp tỉnh đầu tiên - thành công tốt đẹp  (22/09/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Xem xét mở lại một số đường bay thương mại quốc tế  (12/09/2020)
Kiên định gói giải pháp “vượt khủng hoảng”, PVN nộp ngân sách nhà nước gần 45 nghìn tỷ đồng  (03/09/2020)
Chủ nghĩa cộng đồng và việc phát huy các giá trị cộng đồng trong việc ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Việt Nam  (31/08/2020)
“Sức mạnh mềm” của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump  (26/08/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay