TCCSĐT - Năm nay, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, được chính thức tổ chức vào ngày 01-12, có khẩu hiệu: "Hãy biết về tình trạng nhiễm bệnh của mình!" Nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực tăng cường phát hiện bệnh và chấm dứt kỳ thị với người nhiễm HIV và các bệnh liên quan đến AIDS.

30 năm thế giới phòng, chống HIV/AIDS: nỗ lực chưa tương xứng với kỳ vọng

30 năm qua, kể từ Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1988, Liên hợp quốc đánh giá những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị bệnh và nỗ lực phòng ngừa bệnh chưa tương xứng với tham vọng của cộng đồng quốc tế và cần phải tăng cường việc tầm soát và phát hiện bệnh hơn nữa.

Hơn 77 triệu người đã bị nhiễm HIV, và hơn 35 triệu người đã tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS. Năm nay, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, có khẩu hiệu: "Hãy biết về tình trạng nhiễm bệnh của mình!" Trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres khẳng định: “Những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh này, và những nỗ lực phòng ngừa đã giúp ngăn chặn hàng triệu người bị nhiễm virus HIV. Tuy nhiên, mức độ của những tiến bộ kể trên chưa tương xứng với tham vọng của cộng đồng quốc tế". Người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh cũng nhấn mạnh rằng số lượng các ca nhiễm HIV mới chưa giảm mạnh, một số khu vực bị tụt lại phía sau, và phương tiện tài chính không đầy đủ. Ông Guterres cũng cho rằng "kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn cản trở những người có nguy cơ nhiễm virus tiếp cận với công tác phòng, chống và dịch vụ điều trị, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao nhất, cụ thể là người đồng tính, những người hành nghề mại dâm, người chuyển giới, tiêm chích ma túy, tù nhân và người di cư, cũng như phụ nữ và trẻ em gái". Ngoài ra, 1/4 số người đang chung sống với HIV không biết rằng họ mang virus và do đó họ không có các quyết định, biện pháp cần thiết về phòng ngừa, điều trị bệnh cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khác.

Cũng theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, vẫn còn thời gian để tăng cường việc tầm soát, phát hiện người nhiễm HIV; mở rộng tiếp cận điều trị; tăng nguồn lực cho công tác phòng chống các bệnh nhiễm trùng mới; và chấm dứt sự kỳ thị. Ông nhấn mạnh: "Con đường chúng ta lựa chọn sẽ quyết định tiến trình đại dịch - hoặc chúng ta sẽ thanh toán AIDS từ nay đến năm 2030, hoặc chúng ta sẽ để cho các thế hệ tương lai tiếp tục mang gánh nặng của căn bệnh khủng khiếp này".

Trong một báo cáo được công bố mới đây, Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) kêu gọi tăng cường nỗ lực để tiếp cận 9,4 triệu người đang sống chung với HIV mà không biết bản thân bị nhiễm bệnh. Báo cáo cho thấy rằng một trong những rào cản lớn nhất để tầm soát và phát hiện ra những người nhiễm bệnh là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng lưu ý rằng sự kỳ thị và thiếu nhận thức là hai yếu tố chính ngăn cản người di cư biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, khiến họ càng dễ bị tổn thương hơn với AIDS.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), bà Audrey Azoulay cho rằng thanh niên cũng là những người dễ bị tổn thương, chính vì thế giáo dục tình dục cho giới trẻ là rất cần thiết để bảo vệ họ tránh khỏi HIV. Bà Azoulay nhấn mạnh: "Kiến thức, hiểu biết giúp bảo vệ giới trẻ. Bên cạnh việc tuyên truyền cho thanh niên về cách phòng chống HIV và tiếp cận xét nghiệm, giáo dục giới tính cũng cho phép họ phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày lành mạnh và an toàn hơn".

Chủ đề của Tháng hành động năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đây là chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Việt Nam: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018

Chủ đề trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 của Việt Nam được xác định là “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đây là mục tiêu rất cao do Liên hợp quốc đề ra và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới hưởng ứng mục tiêu 90-90-90.

 Mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới năm 2020 bao gồm 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược cần đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.


Từ ngày 10-11-2018 đến ngày 10-12-2018, Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018. Chủ đề của Tháng hành động năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị.

 
 Mít tinh nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS ở Long An ngày 01-12-2018.

Kết thúc Tháng Hành động, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Y tế để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020

Mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) đã được Chính phủ cam kết thực hiện năm 2014 và đạt được vào năm 2020.

Đây là mục tiêu “đầy thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được vì không chỉ phục vụ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định, phát triển đất nước, hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Ở nước ta, mỗi năm vẫn có khoảng từ 12 nghìn đến 14 nghìn người nhiễm mới HIV; nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và chưa bền vững, liên tục bị cắt giảm trong những năm gần đây. Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 56% số người mới nhiễm HIV, còn khá xa để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90. Để đạt được mục tiêu 90-90-90, Việt Nam ưu tiên các giải pháp: Giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, hiểu biết, giảm kỳ thị phân biệt đối xử; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, tăng nhanh số lượng bệnh nhân được điều trị; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị…

Đồng thời, tiếp tục khống chế để dịch không tăng thông qua các biện pháp can thiệp hiệu quả, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, ở các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS.

Ma túy, mại dâm là những tác nhân trực tiếp đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng thực tế còn đang diễn biến rất phức tạp. Số đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng. Tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm soát, mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: gái gọi, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính; môi giới mại dâm thông qua internet ngày càng gia tăng, phổ biến... Công tác thanh, kiểm tra, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn một số hạn chế. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai còn nhiều khó khăn. Cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương, chưa nhất quán về quan điểm, nhận thức trong đấu tranh phòng, chống mại dâm dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ chưa đồng bộ...

Để đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm hiệu quả, cần chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó, lực lượng Công an xây dựng các Đề án phòng, chống, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình/đề án/kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS cần nhanh chóng được chuyển đổi từ việc dựa chủ yếu vào viện trợ sang huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương, địa phương đến cộng đồng, xã hội. Đại dịch HIV không thể tự mất đi nếu không được đầu tư thỏa đáng. Càng đầu tư sớm (khi dịch đang ở giai đoạn tập trung) càng hiệu quả, càng đỡ tốn kém.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu đầu tư 1 USD cho phòng chống HIV/AIDS bây giờ sẽ mang lại 10 USD vào năm 2030. Đầu tư muộn (khi dịch đã lan ra cộng đồng) sẽ càng tốn kém và hiệu quả không cao. Nếu không được cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và chi phí tốn kém hơn nhiều lần hiện nay. Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phòng chống AIDS, nhiều sinh mạng người dân đã được cứu sống. Giai đoạn 2000-2016, Việt Nam đã phòng tránh được gần nửa triệu ca nhiễm HIV, cứu sống được gần 150.000 người không bị tử vong do AIDS.

Vì vậy, thời gian tới, cần bảo toàn nguồn nhân lực cho phòng chống HIV, bảo đảm cung cấp dịch vụ thân thiện phù hợp cho các nhóm nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận trong quá trình thực hiện kiện toàn; đồng thời mở rộng điều trị methadone kể cả trong các cơ sở giam giữ và triển khai can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp./.