Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp

Phạm Thị Ngọc Hạnh Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh
22:27, ngày 28-08-2018

TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước. Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, số lượng công nhân lao động sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố tăng nhanh chóng. Đặc biệt, có gần 300.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, công nghiệp. Theo đó, yêu cầu về xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục định hướng về văn hóa, thẩm mỹ và các hoạt động để công nhân lao động giao lưu, giải trí, thụ hưởng văn hóa sau giờ làm việc là vấn đề được lãnh đạo Thành phố, trực tiếp là các tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm.

Tình hình công nhân, hỗ trợ các điều kiện xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp

Trong những năm qua, sự du nhập của các trào lưu văn hóa cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, đặc biệt là văn hóa nghe nhìn qua truyền hình và in-tơ-nét được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt tại các khu chế xuất, công nghiệp. Tuy nhiên, cùng với những mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng hóa và phức tạp của các loại hình, phương tiện thông tin; sự du nhập của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh vào Việt Nam cũng gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân lao động.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất và 01 Khu Công nghệ cao. Tuy nhiên, chưa xây dựng được thiết chế văn hóa, thể thao đa năng phục vụ nhu cầu giải trí cho công nhân lao động sau giờ làm việc. Hiện chỉ có 2 Trung tâm sinh hoạt thanh niên công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) do Công ty quản lý hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất quản lý. Được sự hỗ trợ quỹ đất của Ban quản lý khu công nghệ cao, Liên đoàn Lao động thành phố đã đầu tư xây dựng một Nhà văn hóa lao động tại Khu Công nghệ cao (quận 9) với với tổng diện tích hơn 11.000m2 nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của khoảng 72.000 công nhân lao động đang làm việc tại Khu Công nghệ cao và Khu chế xuất Linh Trung 1, đã khánh thành trong năm 2016.

Bên cạnh đó, thời gian qua được sự quan tâm hỗ trợ về quỹ đất của các quận, huyện, Liên đoàn Lao động Thành phố đã đầu tư xây dựng được 16 Nhà văn hóa lao động tại các quận, huyện (6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Hiện đang tiến hành các thủ tục để xây dựng thêm các nhà văn hóa lao động tại quận 2, huyện Hóc Môn. Các Nhà văn hóa lao động quận, huyện hiện nay ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn, đồng thời phục vụ một bộ phận công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trước tình hình thực tiễn công nhân lao động tại các khu chế xuất, công nghiệp, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hiện có cho công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng(1); vận động công nhân lao động chấp hành nội quy, kỷ luật lao động, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, kiên quyết đấu tranh phản đối với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; tuyên truyền, định hướng cho công nhân lao động việc sử dụng in-tơ-nét, các trang mạng xã hội không vi phạm quy định của pháp luật; tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hai là, chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm phát huy những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ hiện có; phát huy vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở; phát huy hệ thống thiết chế văn hóa của tổ chức công đoàn; phối hợp với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn và tham mưu, vận động sự hỗ trợ của người sử dụng lao động để tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân tại các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn thành phố, cụ thể:

Ba là, chỉ đạo công đoàn các khu chế xuất, công nghiệp thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động như hội diễn văn nghệ, hội thao định kỳ; phối hợp Đài truyền hình thành phố và Cung Văn hóa Lao động thành phổ tổ chức chương trình “Giờ thứ 9” - đây là sân chơi âm nhạc có lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về tổ chức công đoàn; tổ chức hội thi “Công nhân tài năng” để công nhân tham gia thể hiện năng khiếu văn hóa, nghệ thuật của mình, nhằm đa dạng các hình thức vui chơi, giải trí, thu hút nhiều công nhân lao động tham gia. Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm, Cung Văn hóa lao động Thành phố tổ chức chương trình “Hát cùng công nhân” phục vụ trực tiếp tại các khu chế xuất, công nghiệp đã góp phần tạo thêm sân chơi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công nhân lao động.

Bốn là, công đoàn các khu chế xuất, công nghiệp thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tích cực vận động sự hỗ trợ của người sử dụng lao động để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao tại nơi làm việc, như sân bóng đá, sân bóng chuyền, phòng hát ka-ra-ô-kê, phòng tập gym... để công nhân giải trí sau giờ làm việc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ kinh phí cho công nhân lao động đến tham gia sinh hoạt tại trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn.

Năm là, Liên đoàn Lao động Thành phố vận động sự hỗ trợ của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thể thao để công nhân lao động được tham gia, thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thể thao có tính chuyên nghiệp như : vận động Câu lạc bộ Nguyễn Du hỗ trợ để công nhân được đến xem phim miễn phí tại rạp; vận động Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Sài Gòn để công nhân lao động được xem miễn phí một số trận thi đấu bóng tại sân vận động Thống Nhất; vận động Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên hỗ trợ vé tham quan miễn phí cho công nhân lao động... Các hoạt động này góp phần giúp công nhân lao động, nhất là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, thể thao. Trong năm 2014, tiến hành vận động kinh phí tặng 10.000 ra-đi-ô cho công nhân lao động (trong đó ưu tiên cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, công nghiệp) để có điều kiện tiếp cận các thông tin của chương trình “Phát thanh công nhân” do Đài Tiếng nói nhân nhân Thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố thực hiện.

Sáu là, Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các nhà văn hóa lao động các quận, huyện quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nội dung hoạt động nhằm phát huy vai trò là trung tâm tập hợp và sinh hoạt nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, nhất là các nhà văn hóa lao động gần các khu chế xuất, công nghiệp và nơi có đông công nhân lao động sinh sống . Nhiều Nhà văn hóa lao động đã chủ động, linh hoạt tổ chức nhiều chương trình phục vụ công nhân lao động như: các chương trình Gameshow, “Ngày Chủ nhật vui”, “Sân chơi cuối tuần”, “Giờ tan ca”, các giải thi đấu thể dục, thể thao... Đồng thời tập trung xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các câu lạc bộ đội, nhóm làm nòng cốt trong các chương trình lễ hội, các chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ công nhân tại các doanh nghiệp và khu nhà trọ công nhân, đặc biệt là tại các “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” do công đoàn phối hợp với công an và chính quyền địa phương thành lập.

Bảy là, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của công nhân lao động trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng, chống các tệ nạn xã hội cũng được chú trọng. Liên đoàn Lao động Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội công đoàn Thành phố chủ động phối hợp với các cấp công đoàn tổ chức truyền thông, tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, phòng, chống tác hại thuốc lá cho công nhân lao động... Đồng thời, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt “trách nhiệm xã hội” đối với người lao động, tích cực triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội tại nơi làm việc.

Tám là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là cán bộ phụ trách hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được Liên đoàn Lao động Thành phố và công đoàn các cấp quan tâm thực hiện thường xuyên, đặc biệt chú trọng đến cán bộ công đoàn cơ sở các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước nhằm tác động đến việc xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trên địa bàn Thành phố, giúp cho công nhân lao động nâng cao ý thức với cộng đồng, có thái độ ứng xử phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của người Việt Nam; bồi dưỡng, rèn luyện người công nhân có tác phong công nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa.

Một số định hướng, giải pháp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu chế xuất, khu công nghiệp

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền có trọng tâm, định hướng nội dung và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ công nhân lao động. Tập trung phát huy vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của Cung Văn hóa lao động Thành phố, các nhà văn hóa lao động thuộc hệ thống công đoàn Thành phố. Tập trung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho cán bộ công đoàn, cán bộ nghiệp vụ của Cung Văn hóa lao động và các nhà văn hóa lao động. Tiếp tục liên kết, phối hợp với các đơn vị có chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao để tổ chức các hoạt động phục vụ công nhân lao động. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiếp tục vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của người sử dụng lao động để đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tại doanh nghiệp sau giờ làm việc cho công nhân lao động.

Thứ ba, thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11-11-2013, của Thủ tướng Chính phủ “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 655/QĐ-TTg, ngày 12-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và Kế hoạch số 14/KH-TLĐ, ngày 07-6-2017, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Liên đoàn Lao động Thành phố đang tích cực tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để tiến hành xây dựng các thiết chế của công đoàn để không chỉ đáp ứng về nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề về nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con công nhân tại các khu chế xuất, công nghiệp./.

-----------------------------------------------------------

(1) Thông qua chương trình truyền hình “Công nhân - Công đoàn” phát trên HTV9 - Đài Truyền hình Thành phố, chương trình “Phát thanh công nhân” phát trên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, báo Người Lao động, Sổ tay Công đoàn, hệ thống website của hệ thống công đoàn Thành phố và các cơ quan báo, đài khác