Một vài suy nghĩ về Bộ quy tắc dành cho khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Đầu năm 2017, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố Bộ Quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi tới Thành phố Hồ Chí Minh, được phát hành dưới 5 ngôn ngữ là tiếng Việt, Anh, Hoa, Hàn và Nga. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập thế giới sâu rộng, đây là những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại các điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp, qua đó quảng bá hình ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh - điểm đến du lịch thân thiện, hấp dẫn và an toàn” cũng như giữ gìn các giá trị truyền thống và tập quán địa phương.
1- Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Theo công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, năm 2012 ngành du lịch chiếm 9% GDP thế giới và là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất. Do đó, năng lực cạnh tranh là đòi hỏi rất lớn của các điểm đến du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa. Năm 1999, để khẳng định về quyền du lịch và tự do hoạt động du lịch cũng như thúc đẩy trật tự du lịch thế giới hướng tới công bằng, trách nhiệm và bền vững, chia sẻ lợi ích cho các thành phần xã hội trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế tự do hóa và mở cửa, Tổ chức Du lịch thế giới đã thống nhất thông qua Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về đạo đức trong du lịch gồm 10 điều và 48 khoản.
Ở Việt Nam, ngành du lịch đã sớm được quan tâm và chú trọng; phát triển du lịch là một định hướng quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển du lịch, đó là có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo số liệu thống kê, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây đã không ngừng tăng lên. Năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế đến thăm quan đã chạm con số 10 triệu lượt khách, tăng trưởng 25% so với 2015 và là năm đầu tiên ngành du lịch có sự tăng trưởng hơn 2 triệu khách trong một năm; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 400.700 tỷ đồng.
Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013 đã đón 4.109.000 lượt khách quốc tế, chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam trong năm. Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 5,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với năm 2015; phục vụ khoảng 21,8 triệu lượt khách nội địa, tăng 10%. Năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đón 5,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 10% so với năm 2016); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 112.000 tỷ đồng (tăng 8%). Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Thành phố bình quân từ 8-9%/năm, ước đạt 6,4 triệu lượt vào năm 2020; khách nội địa tăng bình quân 6-7%/năm, ước đạt 25 triệu người vào năm 2020. Điều này chứng tỏ bên cạnh tiềm năng về phát triển du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh còn có một chiến lược xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch khá bài bản.
Đầu năm 2017, nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh - điểm đến du lịch thân thiện, hấp dẫn và an toàn”, cũng như giữ gìn các giá trị truyền thống và tập quán địa phương, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố Bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch khi tới Thành phố Hồ Chí Minh được phát hành dưới 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Hoa, Hàn và Nga. Tài liệu này cung cấp những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp giữa du khách và điểm đến. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đợt đầu tiên, Sở Du lịch in 150.000 bộ, trong đó 70.000 bộ in bằng tiếng Anh và 80.000 bộ in bằng 4 thứ tiếng còn lại. Ngoài phát miễn phí tại các điểm du lịch, tài liệu cũng sẽ được đưa vào các chương trình học đường…
Có thể thấy, tiếng Anh và tiếng Hoa là hai ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, do đó việc xuất bản Bộ quy tắc dưới hai thứ tiếng này là hợp lý. Còn việc chọn lựa tiếng Hàn và tiếng Nga thì có thể có những lý giải cụ thể.
Hiện nay, số lượng người Hàn sống tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 150.000 người. Hơn 20 năm kể từ khi sinh sống tại Việt Nam, cộng đồng người Hàn đã xây dựng đời sống vật chất và tinh thần gần như hoàn chỉnh bao gồm các quán ăn, siêu thị, cửa hàng, khách sạn, thẩm mỹ viện, nhà thờ, trường học và ít nhất có 2 tờ tạp chí tiếng Hàn được xuất bản tại Việt Nam (điển hình là tờ Good morning Korea và tờ Creation). Hàn Quốc cũng là quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sinh viên Hàn Quốc học tiếng Việt ở Việt Nam luôn dẫn đầu số sinh viên quốc tế học tập tại Việt Nam, đông nhất vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra ở Việt Nam còn có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy tiếng Hàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Năm 2015, Hàn Quốc là thị trường có lượng khách đi du lịch Việt Nam tăng cao nhất 31,3% và lần đầu tiên đạt 1 triệu lượt khách đến Việt Nam.
Đối với ngôn ngữ tiếng Nga, theo thống kê, số lượng du khách Nga đến Việt Nam ngày càng đông. Thị trường khách du lịch Nga và các nước nói tiếng Nga cũng được chú trọng đẩy mạnh phát triển.
2- Trong đợt đầu phát hành, Bộ quy tắc dành cho khách du lịch khi đến Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự đồng tình từ phía các công ty du lịch, nhưng cũng tạo ra không ít băn khoăn từ phía người dân và du khách; còn một số quy định trong Bộ quy tắc chưa thực sự đáp ứng mong đợi của toàn bộ người dân và du khách.
Trên khía cạnh ngôn ngữ, Bộ quy tắc được ban hành dưới 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Hàn, Nga) đã ít nhiều thể hiện tính hội nhập thế giới của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập (1967 - 2017) thì thời gian tới Bộ quy tắc nên bổ sung thêm một số ngôn ngữ của các nước ASEAN. Ngoài ra cũng cần đưa thêm tiếng Pháp, A-rập, Tây Ban Nha… để phù hợp hơn với thực tế, góp phần kích cầu du lịch, chú trọng khai thác tiềm năng ở thị trường du lịch có triển vọng, có mức chi phí cho du lịch cao... Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến những quốc gia có số dân đông, có nền văn hóa gần gũi với nước ta và có vốn đầu tư cao tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, như Nhật Bản, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a; đồng thời nên bổ sung hình ảnh minh họa hoặc kèm đĩa dạy những câu giao tiếp bằng tiếng Việt cơ bản nhất cho du khách (ví dụ như lời chào, cảm ơn, hỏi đường, hỏi giá,…); bổ sung các thống kê địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố nói chung và theo từng khu vực như khu vực có đông người Hàn Quốc, người Nhật sinh sống, khu phố Tây, các địa điểm dành cho khách đam mê cà-phê, trà,... các khu vui chơi, ăn uống giá rẻ, tiện lợi, an toàn và đi kèm theo đó là chỉ dẫn các chuyến xe để đến các địa điểm nêu trên; thống kê các lễ hội lớn trong năm của thành phố,…. Những thông tin như vậy góp phần làm cho Bộ quy tắc không còn là những quy định khô khan mà trở thành một cẩm nang vừa truyền tải các quy tắc văn hóa địa phương, vừa giới thiệu được đặc trưng và nét đẹp của văn hóa, lịch sử và con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, vừa chỉ dẫn các địa điểm du lịch văn hóa - lịch sử, vui chơi giải trí (phù hợp với từng lứa tuổi), giúp du khách tận dụng tối đa thời gian khi du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, Bộ quy tắc sẽ gần gũi hơn đối với khách du lịch và trở thành công cụ, người bạn đồng hành không thể thiếu cho du khách khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong Bộ quy tắc đã được ban hành có 8 quy tắc ứng xử, quy định, những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại điểm đến và khuyến nghị những hành vi không phù hợp nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp giữa du khách và điểm đến. Một số quy tắc đáng chú ý, như tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục, tập quán, địa phương; thực hiện đúng các nội quy, quy định tại điểm du lịch và khu vực công cộng; tôn trọng, giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em và phụ nữ; đóng góp bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung; nghiêm cấm việc làm hư hỏng các hiện vật hoặc làm thay đổi hiện trạng tại các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng; khuyến khích tiết kiệm, không lãng phí đồ ăn, thức uống mọi lúc, mọi nơi…
Tuy nhiên, bên cạnh việc ban hành quy tắc ứng xử, quy định về văn hóa ứng xử,… thì Bộ quy tắc cũng có thể giới thiệu các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam, như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong khó khăn, hoạn nạn cũng như sự năng động, sáng tạo, sự vui tươi, tốt bụng, hiếu khách, hồn hậu, chất phác trong đời sống hiện tại của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Nhờ đó, Bộ quy tắc sẽ góp phần giúp nâng cao ý thức và giáo dục cho chính du khách Việt Nam (đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên), quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; giảm đi những hình ảnh khiếm nhã của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài,… Hơn nữa, nhằm kích cầu du lịch, nên dành một khoảng không gian trên ấn phẩm để giới thiệu một vài hình ảnh về danh lam thắng cảnh tiêu biểu, di tích lịch sử - văn hóa cho du khách.
Trong bối cảnh hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng và khi ASEAN đã thông qua Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2025, Việt Nam cần tham gia tích cực và thực hiện đúng cam kết, triển khai theo hướng lồng ghép với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Để kích cầu du lịch cũng như hướng tới sự phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, càng cần có những chiến lược phát triển du lịch phù hợp, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc quảng bá du lịch. Trong quá trình đó, có thể tham khảo và tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay của các quốc gia có ngành “công nghiệp không khói” phát triển, tiêu biểu như Xin-ga-po (năm 2016 có tới 14,4 triệu người nước ngoài tới thăm đảo quốc sư tử). Quốc gia này đã cho lưu hành 40 trang nhật ký bỏ túi cho du khách. Trong đó, Xin-ga-po tập trung giới thiệu về quốc gia mình, hướng du khách đến tài nguyên về văn hóa - xã hội (trong đó có tập trung giới thiệu nhiều về văn hóa ẩm thực…). Qua đó, có thể khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, các nguồn lực trong lĩnh vực du lịch, góp phần vào sự phát triển phồn thịnh của quốc gia./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc  (11/05/2017)
Công bố Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện MDG cho các Nghị viện  (11/05/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Quốc hội Timor-Leste và Chủ tịch Hạ viện Philippines  (11/05/2017)
Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Nâng cao vai trò các nhà lập pháp trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững  (11/05/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên