Chính sách bảo hiểm y tế sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị

Nguyễn Hữu Tuấn Ban Kinh tế Trung ương
22:00, ngày 14-02-2017

TCCSĐT - Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian qua đã được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân được coi là một bước đổi mới, là giải pháp chính để thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân (1).

Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”. Đây là bước cụ thể hóa định hướng quan trọng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “phát triển sự nghiệp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm an sinh xã hội” cũng như Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định của Hiến pháp về an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm y tế nói riêng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được ban hành, có hiệu lực ngày 01-01-2015 đánh dấu một bước tiến quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Việc quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW và những nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội được các tổ chức cơ sở đảng quan tâm, nghiêm túc thực hiện. Qua nội dung học tập, quán triệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đã hiểu thêm về chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay cũng như vai trò, vị trí, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội.

Một số kết quả đạt được

Một là, công tác phát triển đối tượng tham gia và thu bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 31-12-2015, số người tham gia bảo hiểm y tế là 69,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 76,52%. Đến hết tháng 6-2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 72,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 79% dân số. Từ chỗ cả nước năm 2015 có 04 địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 65% dân số thì đến tháng 6-2016 chỉ còn 01 địa phương (tỉnh Bạc Liêu) có tỷ lệ bao phủ dưới 65%.

Hai là, quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm. Hiện nay, chi phí khám, chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chiếm 70 - 90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán ngày càng mở rộng.

Năm 2016, ngành bảo hiểm xã hội đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 2.084 cơ sở y tế, trong đó: có 1.676 đơn vị công lập, 364 đơn vị ngoài công lập và 44 y tế cơ quan; tuyến trung ương là 70 cơ sở; tuyến tỉnh là 572 cơ sở, tuyến huyện là 1.195 cơ sở và 257 cơ sở y tế cơ quan tương đương tuyến xã. Thông qua ký hợp đồng với cơ sở y tế tuyến huyện, tổ chức khám, chữa bệnh tại 9.887 trạm y tế xã.

Ba là, về cơ chế tài chính, đã thực hiện chủ trương từng bước chuyển việc cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm tính công bằng trong đánh giá hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở y tế trên cả nước, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế và thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm y tế.

Bốn là, công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tập trung cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng quản lý, tăng khả năng giám sát, kiểm soát(2), bám sát định hướng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan bảo hiểm y tế, của cơ sở khám, chữa bệnh. Cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã được triển khai và chính thức đi vào hoạt động từ 30-6-2016 là mốc quan trọng của ngành y tế và bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Có thể nói, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân và cơ quan bảo hiểm xã hội đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách bảo hiểm y tế. Nhờ đó, công tác bảo hiểm y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách bảo hiểm y tế được nâng lên; hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện, thủ tục hành chính trong việc giải quyết các quyền lợi cho người dân ngày được cải tiến và rút gọn; tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả và chuyên nghiệp; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng và thực hiện tốt hơn; theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2016 Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người (tương đương 11,4%) so với cùng kỳ năm trước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Như vậy, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng. Với Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 28-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế lên hơn 90% vào năm 2020, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đã giao năm 2013 là 80%, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc chăm lo đời sống nhân dân của Đảng và Nhà nước ta.

Vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững, đó là:

- Một số cấp ủy đảng còn chưa quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, nhất là chưa đến được đối tượng đóng, hưởng chế độ bảo hiểm y tế, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam bộ và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ về những quy định mới của Luật, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của bản thân và gia đình đối với xã hội,... dẫn đến chưa hiểu quy định, chưa sẵn sàng tham gia bảo hiểm y tế hoặc không biết nơi đăng ký, tham gia bảo hiểm y tế ở đâu.

- Trong công tác phát triển đối tượng, thực hiện việc mở rộng bao phủ, vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng, tăng 23 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo nếu không có điều chỉnh, Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018. Ngoài ra, tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến (theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm). Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là y tế cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám, chữa bệnh trong chuyển tuyến, trong thanh toán bảo hiểm y tế. Cơ chế tài chính chậm đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (mới tính 3/7 yếu tố) đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và mức chi tiền túi của người dân còn cao. Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả đang được nghiên cứu, nhưng chưa hoàn thành. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc, còn tình trạng chậm thanh quyết toán năm, nợ đọng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở có vượt trần, vượt quỹ...

Đó là những thách thức không nhỏ, cần có các giải pháp quyết liệt, tổng thể, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thực hiện được lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Giải pháp cho thời gian tới

Để thực hiện mục tiêu chính trị theo nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW, mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm y tế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương, nhất là các địa phương phải xác định thực hiện Nghị quyết số 21 là nhiệm vụ chính trị, là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình; đồng thời ưu tiên nguồn ngân sách, huy động kinh phí để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, đài báo,… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về bảo hiểm y tế và tự giác tham gia.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đẩy nhanh lộ trình chuyển từ cấp ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế thông qua việc xây dựng cơ chế linh hoạt, bãi bỏ những quy định không cần thiết để có thể phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Từng bước mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm y tế phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao. Thể chế hóa nguyên tắc “đóng - hưởng” như Nghị quyết số 21 đã nêu.

Sớm hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế bảo hiểm y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả. Chuyển đổi phương thức chi trả dịch vụ y tế từ chi trả phí theo dịch vụ sang chi trả theo định suất, theo trường hợp bệnh và theo nhóm chẩn đoán. Sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế như giá viện phí, tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, xã hội hóa y tế… Tổ chức thu bảo hiểm y tế hợp lý theo hộ gia đình, bảo hiểm y tế học sinh, bố trí nguồn lực thích đáng để bảo đảm cải cách áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế.

Thứ ba, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế.

- Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm y tế theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ giảm phiền hà cho người tham gia bảo hiểm y tế. Minh bạch, công khai và quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế trục lợi bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội, nhất là cấp cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh bảo đảm liên thông giữa bệnh viện với cơ quan bảo hiểm xã hội, từng bước hiện đại hoá hệ thống thông tin quản lý.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và bảo hiểm xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia từ cơ sở. Củng cố và tăng cường công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế bảo đảm thu chi theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi Quỹ bảo bảo hiểm y tế./.

------------------------------------------

(1) Bảo hiểm y tế toàn dân tạo ra nguồn tài chính y tế đủ lớn từ việc huy động đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội, để tăng cường nguồn lực cho công tác khám, chữa bệnh nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí y tế từ người có thu nhập cao, người ít gặp rủi ro cho người có thu nhập thấp, người có nhiều rủi ro hơn. Khi tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ góp vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng, người khỏe hỗ trợ cho người già yếu, người ốm đau, bệnh tật; số đông bù cho số ít. Đó là ý nghĩa và lợi ích thiết thực của bảo hiểm y tế.

(2) Đã hoàn thành chương trình thí điểm giám định tập trung theo tỷ lệ và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trên toàn quốc, quy trình giám định bảo hiểm y tế được thay thế, phần mềm giám định và thanh toán bảo hiểm y tế được tập trung triển khai.