TCCSĐT - “Công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy phải được xử lý quyết liệt và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm… một gia đình có một người nghiện, cả nhà đó sẽ nghèo, khổ cực lắm… Người nghiện ma túy là bệnh nhân cần được chữa trị, tuyệt đối không được coi họ là phạm nhân…”. Đó là những chỉ đạo vừa nghiêm khắc vừa đậm tính nhân văn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy được tổ chức mới đây.

Tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng

Ma túy và những hậu họa do ma túy gây ra đã khiến biết bao gia đình tan nát, xã hội hoang mang và nhiều nhà quản lý phải đau đầu đi tìm giải pháp… Cả hệ thống chính trị đã đồng loạt vào cuộc, nhưng công tác cai nghiện ma túy đến nay vẫn luôn là một bài toán nan giải. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công an, năm 2016, cả nước đã phát hiện, điều tra 19.333 vụ, bắt 31.001 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ gần 608 kg heroin, 92,13 kg thuốc phiện, hơn 637 kg cần sa, gần 840 kg và 427.655 viên ma túy tổng hợp, 1,6 kg “cỏ Mỹ”... Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp truy tố 18.916 vụ với 24.360 bị cáo.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Đáng chú ý, trong năm 2016, tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng hoạt động với phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố lớn… Một số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp đã không kiểm soát được hành vi, dẫn đến hành vi giết người dã man đã xảy ra trong thời gian qua, gây nhức nhối trong xã hội. Gần đây nhất, ngày 20-12, Công an thành phố Sơn La vừa phát hiện, bắt giữ một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 8.000 viên ma túy tổng hợp gây hoang mang cho dư luận.

Tình trạng buôn bán ma túy khó kiểm soát khiến cho tỷ lệ người nghiện ma túy trên cả nước ngày càng gia tăng đến mức báo động. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 12-2016, cả nước đã có 142 trung tâm cai nghiện ma túy, trong đó có 110 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và gần 210.000 người nghiện ma túy, tăng gấp 4 lần trong vòng 20 năm qua (từ năm 1996). Người nghiện có trong mọi thành phần xã hội, từ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đến học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em…

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tệ nạn ma túy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. Thủ tướng nêu rõ, thực tế nhiều vụ án lớn về ma túy liên tục được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, nhưng tội phạm ma túy vẫn không có dấu hiệu giảm. Tình trạng nghiện ngập gia tăng trong thanh niên và một số thành phần dân cư, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Trào lưu sử dụng ma túy đá đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp tàn phá một bộ phận giới trẻ các đô thị lớn, nó luôn gắn liền với các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Qua thực tế và số liệu nghiên cứu cho thấy, có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18 - 30. Sự xuất hiện của ma túy đá đồng nghĩa với việc số ca nhập viện điều trị rối loạn hệ thần kinh do ảo giác gây ra tại các bệnh viện chuyên khoa tăng lên một cách đáng kể trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng ma túy đá có độ tàn phá hệ thống thần kinh, hủy hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc.

“Nhiều dạng ma túy tổng hợp mới, không rõ nguồn gốc đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội, thậm chí đã có đối tượng chế tạo ra loại ma túy này. Nếu không có biện pháp mạnh, kiên quyết, cả hệ thống không vào cuộc, tình hình sẽ rất nghiêm trọng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Quốc hội về công tác cai nghiện và phòng chống mại dâm cho thấy, công tác cai nghiện đã được các địa phương triển khai quyết liệt nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do những quy định của pháp luật và trong công tác triển khai.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cai nghiện ma túy của các bộ, ngành liên quan còn chậm, dẫn đến các địa phương lúng túng trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là những người nghiện đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, Nghị định 111/2013/NĐ-CP lại quy định “người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng”. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chưa tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Chính vì vậy không có đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Những người đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay phần lớn là người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Việc thực hiện quy định thông báo cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện của họ dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trốn khỏi nơi cư trú, khó khăn cho việc xử lý của địa phương.

Bên cạnh sự bất cập về văn bản pháp lý, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, nhiều địa phương chưa thật sự coi trọng công tác cai nghiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người nghiện tăng nhanh. Nhiều tỉnh có số lượng người nghiện rất cao như Điện Biên, Lai Châu, Nam Định… nhưng kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng 2% - 4% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực ở các trung tâm cai nghiện còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu nên chủ yếu vẫn là quản lý hành chính, chưa có kỹ năng tư vấn tâm lý hoặc đào tạo nghề cho học viên… khiến kết quả không cao. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, nhiều nơi, cơ sở cai nghiện tập trung không sử dụng hết, để hoang hóa, có nơi số lượng người nghiện quá đông, cơ sở chật chội dẫn đến học viên phá trung tâm, bỏ trốn.

Không coi người nghiện ma túy là phạm nhân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc điều trị cai nghiện bằng Methadone đã được nhân rộng ra tuyến xã, phường và nhiều địa phương triển khai rất tốt, đạt 63% kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện hiện nay là nguồn nhân lực ở cơ sở đang thiếu trầm trọng. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẵn sàng cung cấp thuốc và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, chính quyền địa phương phải bố trí được nhân lực và theo dõi để duy trì.

Đề ra phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy và công tác cai nghiện ma túy, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để đem lại hạnh phúc, chất lượng giống nòi; xác định rõ công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên liên tục, vừa lâu dài và phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và tham gia của đông đảo nhân dân. Công tác tuyên truyền phải đẩy mạnh theo hướng để nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy, đồng thời phòng tránh tác hại của ma túy.

Các địa phương tập trung đổi mới công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, hướng mạnh về cơ sở, cộng đồng để huy động nguồn lực xã hội; coi công tác phòng chống ma túy là của toàn dân, đặc biệt coi người nghiện ma túy là bệnh nhân cần được chữa trị, tuyệt đối không được coi họ là phạm nhân. Từng địa phương cần có dự toán ngân sách cũng như tìm các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục tìm nguồn, bố trí bổ sung có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cho công tác phòng, chống ma túy.

Các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an, hàng không tăng cường công tác trấn áp tội pham ma túy, truy tố và xét xử nghiêm những đối tượng cầm đầu trong các vụ buôn bán ma túy; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mở rộng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng; Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh các ứng dụng điều trị có hiệu quả…/.