Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-7 đến ngày 17-7-2016)
Theresa May - “Bà đầm thép” thứ hai của nước Anh
Theo giới quan sát, bà T.
May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong
nội bộ Đảng Bảo thủ. Ảnh: EPA/TTXVN
Chiều 13-7-2016, bà Theresa May, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Anh, đã được Nữ hoàng Elizabeth II chính thức bổ nhiệm làm Thủ tướng mới thay ông David Cameron vừa từ chức trước đó. Trong diễn văn nhậm chức, bà T. May đã nêu lên những quan điểm chính về điều hành chính phủ mới. Tân Thủ tướng Anh cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho công bằng xã hội và chính phủ mới của bà sẽ hoạt động vì lợi ích của mọi tầng lớp dân chúng chứ không chỉ phục vụ cho một số ít những người có đặc quyền. Bà cũng khẳng định sẽ nghĩ đến lợi ích của những người dân bình thường trước tiên khi phải ra những quyết định lớn và sẽ cố gắng mang lại cho người dân quyền tự chủ nhiều hơn.
Bà T. May là nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh, sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher, người lãnh đạo Chính phủ Anh từ năm 1979 -1990. Trong bối cảnh Anh lâm vào khủng hoảng chính trị với những rạn nứt xã hội sâu sắc sau cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, bà T. May đã thực hiện một chiến lược tranh cử khôn ngoan khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt. Theo giới quan sát, bà T. May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Mặc dù sát cánh cùng Thủ tướng D. Cameron vận động cho phe ở lại EU, nhưng tư tưởng hoài nghi châu Âu cùng sự điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường đã giúp bà T. May giành được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit. Bà cũng được đánh giá là người có khả năng nhất lúc này để chèo lái nước Anh trong những năm tháng biến động trước mắt nhằm thực hiện tiến trình rút khỏi EU.
Mỹ công bố tài liệu mật về vụ tấn công khủng bố 11-9
Hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) tại New York bị tấn công ngày 11-9-2001. Ảnh: AP
Ngày 15-7-2016, Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ đã công bố một tài liệu từng được xếp vào hàng tuyệt mật về vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào tòa tháp đôi ở thành phố New York. Tài liệu dài 28 trang này, nằm trong bản báo cáo điều tra dài 838 trang của Quốc hội về các cuộc tấn công được công bố hồi năm 2002, mô tả chi tiết những cáo buộc về mối liên hệ giữa một số tên không tặc trong vụ 11-9 và những công dân Saudia Arabia đang ở Mỹ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, bản tài liệu, vốn bị giữ kín suốt hơn một thập kỷ qua này, lại không nêu bật được “bằng chứng hiển nhiên” khẳng định sự can dự của Saudi Arabia trong vụ tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng bởi các thông tin trên vốn chưa được kiểm chứng độc lập khi được biên soạn. Do đó, giới quan sát nhận định tài liệu mật này là một bản tổng hợp các thông tin để phục vụ cho công tác điều tra sau này thay vì một sự kết luận đã được xác nhận.
Trước khi tài liệu trên được công bố, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã khẳng định văn bản này xác nhận không có bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ sự liên quan giữa Chính phủ Saudi Arabia với nhóm không tặc trong vụ tấn công thảm khốc ngày 11-9. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã lên tiếng hoan nghênh việc công bố tài liệu trên, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả điều tra trên sẽ giúp chấm dứt mọi nghi ngờ nhằm vào Saudi Arabia trong suốt 14 năm qua. Trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York, 15 trong số 19 tên không tặc là công dân Saudi Arabia. Hồi năm 2002, Saudi Arabia đã kêu gọi công khai báo cáo tuyệt mật này để đáp trả những cáo buộc rằng Riyadh đồng lõa, hỗ trợ cho những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thời đó George Bush đã đưa những thông tin trên vào hồ sơ mật để bảo vệ nguồn tin và các biện pháp tình báo, cũng như không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ với Saudi Arabia. Sau đó, dưới áp lực của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Mỹ hiện nay Barack Obama đã yêu cầu minh bạch hồ sơ này và Washington đã chuyển tài liệu này cho Quốc hội để công bố vào sáng 15-7.
Các hội thảo về vấn đề Biển Đông: Phán quyết của PCA mang tính lịch sử
Hầu hết đánh giá, phân tích
của các diễn giả tại Hội thảo đều cho rằng phán quyết của PCA mang tính
lịch sử khi bác bỏ tuyên bố yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở
Biển Đông. Ảnh: TTXVN
Ngày 15-7-2016, tại khách sạn Le Meridien ở trung tâm Thủ đô New Delhi đã diễn ra Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) tổ chức, với sự tham gia của đông đảo các học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược và giới truyền thông Ấn Độ. Hầu hết đánh giá, phân tích của các diễn giả tại Hội thảo đều tập trung phản ánh những diễn biến mới tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) và cho rằng đây là một phán quyết mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố của CASS-India về phán quyết của PCA nêu rõ tất cả các bên cần tôn trọng phán quyết và ủng hộ tinh thần thượng tôn luật pháp, nhất là UNCLOS. Cộng đồng quốc tế nên hối thúc tất cả các bên liên quan tuân thủ triệt để phán quyết của PCA và chỉ có thực hiện như vậy mới góp phần giảm bớt căng thẳng, đem lại hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trước đó, vấn đề xoay quanh phán quyết của PCA cũng là chủ đề xuyên suốt cả 4 phiên thảo luận tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ sáu diễn ra tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12-7. Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia - học giả quốc tế đánh giá phán quyết này có ý nghĩa bước ngoặt đối với việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, các chuyên gia - học giả một lần nữa cho rằng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc thời gian qua đang làm thay đổi nguyên trạng và hủy hoại môi trường tại Biển Đông.
Hội nghị cấp cao ASEM 11: Tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định
Các nhà lãnh đạo ASEM dự phiên bế mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 11. Ảnh: VGP
Ngày 16-7-2016, tại “Làng ASEM” thành phố Ulan Bator, Mông Cổ, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11) đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố diễn ra tại cả châu Á và châu Âu, bày tỏ đoàn kết và chia buồn sâu sắc đến chính phủ và nhân dân Pháp vì tổn thất do vụ khủng bố vừa diễn ra. Các lãnh đạo chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên, Ukraine, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông.
Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thương mại không cản trở, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, với nhiều sáng kiến hợp tác mới, đa dạng, thể hiện sinh động quyết tâm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á - Âu.
Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chính phủ đã khôi phục toàn bộ quyền kiểm soát trên khắp đất nước
Những người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-7-2016. Ảnh: CNN
Ngày 16-7-2016, hầu hết các nước Trung Đông, như Iran, Israel, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Bahrain, Oman và Sudan đã chúc mừng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đập tan âm mưu đảo chính của một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội ngày 15-7, đồng thời lên án mọi âm mưu đảo chính nhằm làm phương hại sự ổn định tại quốc gia láng giềng này. Ngày 17-7, một ngày sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, khẳng định âm mưu đảo chính của một nhóm binh sĩ và sĩ quan quân đội là không thể chấp nhận được. Tổng thống Nga V. Putin bày tỏ hy vọng dưới sự lãnh đạo của ông R. Ergogan, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ổn định tình hình để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong âm mưu đảo chính tại quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cảnh báo những cáo buộc kiểu này sẽ làm tổn hại đến quan hệ hai nước.
Liên quan đến cuộc đảo chính, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chính phủ đã khôi phục toàn bộ quyền kiểm soát trên khắp đất nước mặc dù một số đối tượng đứng sau cuộc đảo chính vẫn đang chạy trốn. Nhà chức trách nước này ngày 17-7 đã bắt giữ Chuẩn tướng Không quân Bekir Ercan Van cùng nhiều sĩ quan - bị cáo buộc hậu thuẫn cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống R. Erdogan. Trước đó, các nhà chức trách cũng bắt giữ 2.745 thẩm phán và công tố viên bị nghi ngờ liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật bị cáo buộc kích động sự nổi dậy trong bộ máy tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sĩ này hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và Tổng thống T. Erdogan đã đề nghị Washington dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ./.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu  (18/07/2016)
Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ với Slovakia  (18/07/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 11-7 đến ngày 17-7-2016)  (18/07/2016)
Toàn văn tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Slovakia  (18/07/2016)
Toàn văn tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Slovakia  (18/07/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, hội đàm với Thủ tướng Slovakia  (18/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên